• 1084 lượt xem
  • 15:55 21/03/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Lấy nước đường xa" - Cuốn sách bán chạy nhất tại New York Times, TOP 1 tại Amazon

“Lấy nước đường xa” của tác giả Linda Sue Park là câu chuyện dựa trên chất liệu có thật về cuộc đời Sal-va Dut. Cậu đã từng có một tuổi thơ yên ấm, được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, được đến trường. Tuy nhiên, khi bom rơi đạn nổ, Sal-va đã phải sống đời ly tán, trở thành một trong số 3.800 đứa bé bị lạc mất gia đình, lạc mất quê hương trong cuộc nội chiến giữa miền Nam và miền Bắc Sudan.

Tác phẩm “Lấy nước đường xa” của tác giả Linda Sue Park, dịch giả Nguyễn Thanh Tùng. Xưa nay, khi xem phim cũng như đọc truyện, nếu có tình huống song hành thì các hành động thường diễn ra cùng thời điểm, thời gian. Tuy nhiên, trong cuốn sách nhỏ này, chuyện đời của 2 nhân vật chính lại được diễn tả song hành ở những năm tháng rất xa nhau. Chính trong khoảng cách thời gian với bao vui buồn thăm thẳm ấy, tác giả đã tìm được sợi dây kết nối nhuần nhuyễn, để tạo nên sự giao thoa đầy xúc cảm. Chúng ta cùng tìm hiểu qua phần chia sẻ của nhà báo Trần Thị Tuyết Chinh.

Nhà báo TRẦN THỊ TUYẾT CHINH - Phó Trưởng Ban Biên tập Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng: “Khi đọc những chi tiết về sự trưởng thành của cậu bé, thực sự trong tim tôi cảm giác như có một vết cứa vậy! Tôi không thể hình dung được một đứa trẻ ở lứa tuổi tiểu học, bụng thì đói, miệng thì khát, ngón chân thì bật máu, lại có một sức mạnh thần kỳ, phải chứng minh sự hữu dụng của mình như thế nào nếu muốn tồn tại, muốn được đồng hành trên con đường khốc liệt phía trước. Một đứa trẻ phải lấy cái chết của những người thân yêu nhất của mình để trở thành động lực mà bước tiếp. Thực sự chỉ trong một hoàn cảnh khốc liệt nào đó thì một đứa trẻ mới có thể trưởng thành già dặn theo cái cách bất thường như vậy”.
 

Dù là trẻ em hay người trưởng thành đều có thể tìm thấy cái hay riêng khi đọc cuốn “Lấy nước đường xa”. Tác giả đã khéo léo kết nối chuyện đời của 2 đứa trẻ thuộc 2 bộ tộc đối lập nhau, sống ở 2 thời kỳ khác nhau; qua đó thấy rõ một điểm chung: Số phận mỗi con người luôn gắn liền với số phận của dân tộc mình. 

Song hành với đó là câu chuyện về cuộc sống đáng thương của bé gái Ny-a. Em không được đến trường. Hàng ngày, Ny-a phải đi lấy nước tại một địa điểm cách nhà 2 tiếng đồng hồ đi bộ. Mỗi ngày, em kiên trì đi đi về về 8 tiếng nhọc nhằn như vậy, chỉ duy nhất một việc lấy nước, mong sao đủ cho nhu cầu ăn uống tối thiểu của gia đình.

Nhà báo TRẦN THỊ TUYẾT CHINH - Phó Trưởng Ban Biên tập Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng: “Cuốn “Lấy nước đường xa” có rất nhiều những hình ảnh, những nhân vật, những chi tiết mang tính biểu tượng. Bản thân Sal-va đã là một biểu tượng rồi. Cô bé Ny-a cũng là một nhân vật biểu tượng; đặc biệt với câu nói của cô bé rằng: “Tại sao người Dinka lại mang nước cho người Nuer”? Họ là thật! Câu chuyện thật! Con người thật!”

Từ một cậu bé tị nạn bơ vơ, Sal-va đã đến được nước Mỹ, và quyết tâm gây dựng Tổ chức phi lợi nhuận "Nước sạch cho Nam Sudan''.

Nhà báo TRẦN THỊ TUYẾT CHINH - Phó Trưởng Ban Biên tập Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng: “Một điều nữa cũng khiến tôi thích thú, đó là nhân vật người chú của Sal-va. Ông có cách tạo động lực cho những người đồng hành theo một cách vô cùng đặc biệt: “Cháu có nhìn thấy bụi cây ở đằng kia không? Chúng ta chỉ cần đi đến đó!”. Trên trời thì mặt trời như thiêu đốt. Dưới chân là cát bỏng. Thực sự nếu không có những mục tiêu gần như vậy thì tôi tin rằng một cậu bé 11 tuổi sẽ không thể nào có động lực để vượt qua.”

Sau 2 thập kỷ, Sal-va Dut lên đường trở về quê hương với “hành trang” vô cùng ý nghĩa, đó là Dự án lắp đặt những giếng nước sâu ở các ngôi làng hẻo lánh. Đây chính là thời điểm câu chuyện của Sal-va và Ny-a giao nhau đầy xúc động. Bé gái Ny-a đã kết thúc hành trình lấy nước đường xa để bắt đầu một hành trình mới, được đến trường đi học.

Nhà báo TRẦN THỊ TUYẾT CHINH - Phó Trưởng Ban Biên tập Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng: “Khi mà gấp 150 trang sách này lại, điều lớn nhất tạo nên cảm xúc của tôi chính là niềm hạnh phúc. Hạnh phúc rằng mình được sống cuộc đời này, được tận hưởng sự bình yên này, ở nơi mà những điều tốt đẹp có thể cầm nắm được. Chiến tranh thực sự là một điều cực kỳ xấu xí, cho dù bạn nhìn nó ở góc độ nào đi chăng nữa! Súng đạn chỉ là vô nghĩa! Chỉ có tình yêu thương, chỉ có trái tim con người mới khiến cho cuộc sống nở hoa.”

“Lấy nước đường xa” từng lọt Top Cuốn sách bán chạy nhất tại New York Times, và Top 1 sách viết về trẻ em châu Phi tại Amazon.

Phòng Văn nghệ