• 1434 lượt xem
  • 14:53 02/07/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: “Kỷ luật mềm của trái tim” - kinh nghiệm nuôi dạy con của người Nhật

Tác giả Nguyễn Thị Thu hay còn được gọi bằng một cái tên khác là Aki Nguyễn được biết đến là một người mẹ truyền cảm hứng tích cực trong việc nuôi dạy con với những phương pháp của người Nhật. Tất cả những kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con đã được chị viết trong nhiều cuốn sách và “ Kỷ luật mềm của trái tim” - cuốn sách do NXB Kim Đồng phát hành - là cuốn sách đầu tiên chị chia sẻ về điều này.

Qua những câu chuyện thực tế với cậu con trai tên Bon, cuốn sách đã thực sự mang đến nhiều điều thú vị và bổ ích,  giúp nhiều bố mẹ tìm thấy ý nghĩa, hạnh phúc trong quá trình nuôi dạy con. 

TS NGUYỄN THỊ THU, chuyên gia giáo dục- Giám đốc đào tạo Hệ thống Giáo dục Tsubaki: "Cuốn sách “Kỷ luật mềm của trái tim” là cuốn sách đầu tiên mà tôi viết trong series hai cuốn sách kỷ luật mềm. Trải qua 12 năm du học bên Nhật và trong đó có 3 năm nuôi dạy con tại Nhật, đó là một điều rất là may mắn với mình. Bởi vì 3 năm đầu đời của con tôi đã có được những trải nghiệm quý báu để tiếp xúc với môi trường giáo dục Nhật Bản, đặc biệt là giáo dục cho trẻ thơ và mầm non. 

Tôi nhận thấy một điều rất khác biệt rất lớn giữa giáo dục mầm non, đặc biệt là trong độ tuổi 0 đến 3 tuổi của Việt Nam và của Nhật Bản. Đó chính là ở bên Nhật, cách ứng xử của bố mẹ Nhật rất khác với các bố mẹ ở Việt Nam. Bố mẹ Nhật luôn biết cách thấu hiểu và thừa nhận cảm xúc của con trẻ, ngược lại ở Việt Nam mình đôi khi tôi thấy bố mẹ chưa thấu hiểu nhiều lắm về cảm xúc của con, đặc biệt trong giai đoạn 3 năm đầu đời. Bởi vì đa phần ở độ tuổi này các con chưa biết nói, chưa biết diễn đạt được cảm xúc, mong muốn của mình thế nên ví dụ như giai đoạn con phản kháng, hay con ăn vạ, mè nheo thì bố mẹ sẽ thường rất dễ nổi cáu và không biết mình phải ứng xử với con như thế nào.

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất trong việc nuôi dưỡng cảm xúc cho con, và nuôi dưỡng sự gắn kết giữa con cái và bố mẹ mà cuốn “Kỷ luật mềm của trái tim” này chia sẻ chính là cách bố mẹ thừa nhận và lắng nghe cảm xúc của con thông qua việc lặp lại những thông điệp và mong muốn của các con nói để cho con có được sự tin tưởng trước đã và thông điệp thứ hai là bố mẹ tin tưởng và trao quyền cho các con ngay từ giai đoạn khi các con còn nhỏ.

Giai đoạn 2-3 tuổi các con rất muốn thể hiện cái tôi của mình, cái gì cũng muốn được tự lập, tự làm. Con muốn được tự đi giày, con muốn được tự chọn quần áo, con muốn được tự xúc, con không muốn nhờ bố mẹ làm cái gì cho. Những lúc con loay hoay làm rất lâu thì bố mẹ có thể kiên nhẫn một chút “ừ con cứ làm đi mẹ sẽ đợi”... Đương nhiên, giai đoạn này bố mẹ cần phải xác định một chút đó là mình tốn thời gian hơn, nhưng chính những điều đó là nền móng để giúp cho các con cảm thấy mình được tin tưởng, mình được tôn trọng chính kiến thì từ đó mới tạo dựng được cho con một nền móng vững chắc cho sự tự lập sau này.

“Kỷ luật mềm của trái tim” ở đây chính là đúc kết của từ khóa yêu thương con một cách vô điều kiện, thứ hai là thừa nhận lắng nghe nhu cầu cảm xúc của con, thứ ba là kiên nhẫn và thứ tư là tin tưởng. 

Điều cuối cùng tôi mong muốn gửi gắm đến các bố mẹ khi giới thiệu cuốn sách này chính là: Hành trình nuôi dạy con, đặc biệt là trong 3 năm đầu đời là một hành trình rất khó khăn với các bố mẹ bởi vì các con chưa biết nói, thứ hai là các con chưa biết tự lập và làm được nhiều thứ. Các con cần đến 80- 90% là sự hỗ trợ của bố mẹ thế nhưng không phải chúng ta sẽ làm hết mọi thứ cho con mà dần dần trong quá trình ấy chúng ta cho con thấy được việc lắng nghe nhu cầu cảm xúc của con, để con tin tưởng vào bố mẹ trước đã, xây dựng sợi dây gắn kết và tin tưởng, thứ hai cho con niềm tin cũng như là trao quyền cho các con được tự làm, được tự lập dần dần từng chút một.  Đấy chính là những thông điệp mà cuốn sách này muốn gửi gắm".

Ninh Tùng