• 2108 lượt xem
  • 14:36 11/07/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Suy ngẫm và tự vấn với "Không gian tinh thần"

“Nhân loại tồn tại bằng ý thức trách nhiệm và tinh thần nghĩa vụ nhưng nhân loại phát triển bằng tinh thần siêu nghĩa vụ, siêu trách nhiệm, tinh thần sứ mệnh”. Đây là một trong những câu nói đầy ấn tượng trong cuốn sách "Không gian tinh thần" của tác giả Nguyễn Trần Bạt.

Ngay sau đây xin mời quí vị cùng đến với “Không gian tinh thần” qua  sự chia sẻ của Ceo Alpha books và Omega Việt Nam – Nguyễn Cảnh Bình. Có thể khẳng định ông Nguyễn Cảnh Bình là  một trí thức rất yêu mến di sản tri thức Nguyễn Trần Bạt đã để lại cho chúng ta.

NGUYỄN CẢNH BÌNH -  CEO ALPHA BOOKS & OMEGA VIỆT NAM: ""Không gian tinh thần"... nếu như những cuốn sách đầu tiên của Nguyễn Trần Bạt nghiêng về những bức xúc trong cuộc sống thì những cuốn sách sau nghiêng về chiêm nghiệm nhiều hơn về tinh thần, về văn hoá. Đối với cuốn sách "Không gian tinh thần" này thì ông muốn đề cao sự tự do, sự giải thoát của tư tưởng chính mình khỏi những kìm hãm, ràng buộc, những sự cản trở nào đó. Tự do ở đây là con người có khả năng đóng góp, cống hiến được cho xã hội tốt nhất. Một con người tự do ở góc nhìn của Nguyễn Trần Bạt không phải là tự do mang nghĩa vi phạm pháp luật... chúng ta nên hiểu chiều sâu của một nhà tư tưởng hay một học giả. Một con người tự do ở đây là con người tự do ở tư duy. Về mặt tư tưởng không bị quá ràng buộc bởi quá khứ. Anh ta, một người như thế có thể có những đóng góp lớn lao hơn với xã hội, với đất nước, với cộng đồng.

Cuốn sách "Không gian tinh thần" anh Nguyễn Trần Bạt muốn vẽ một không gian trong đó con người tự do theo nghĩa tinh thần, hơn là tự do theo nghĩa về mặt vật chất. Một con  người tinh thần như thế, tôi nghĩ rằng ở những năm tháng cuối đời anh Bạt đi/ gặp và chiêm nghiệm. Thấy rõ rất nhiều những con người Việt Nam đang bị thách thức trong cuộc sống hôm nay. Ông nói rất thú vị đó là "nếu sống không để hạnh phúc thì sống để làm gì?".  Một  con người học giả/ nhà tư tưởng mà muốn thể hiện ra những khát vọng, những suy nghĩ, những mong ước của bản thân mình. Với một không gian tinh thần như thế, tôi tin rằng những cuốn sách này rất hữu ích, kể cả đối với các bạn trẻ, các bạn có thể nhìn thấy những không gian để có thể trưởng thành, có thể tự do và có thể trở thành con người hạnh phúc!

Một vấn đề nữa trong cuốn sách này mà tôi cho rất đáng kể đấy là câu chuyện về văn hoá. Con người dù thế nào đi nữa họ cũng không tách rời ra khỏi xã hội, khỏi cuộc sống, khỏi văn hoá của quá khứ của môi trường xung quanh. Anh Bạt đặt ra nhiều câu chuyện về văn hoá. Một Văn hoá mới ở Việt Nam nên như thế nào? Tôi chợt nhớ liên tưởng đến hai chuyện. Chuyện thứ nhất là câu chuyện về "Đề cương văn hoá mới" của Trường Chinh... thứ hai nữa gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng một Nghị quyết của Đảng vấn đề về Văn hoá. Tôi nghĩ rằng, đâu đó những học giả, những nhà tư tưởng, Đảng dường như đã tiệm cận được với nhau. Họ bắt đầu nhận thức ra rằng sự phát triển của một nền kinh tế hay một doanh nghiệp hay một môi trường nào đó qua những giai đoạn cơm áo gạo tiền đã giúp cho chúng ta thoát khỏi nghèo, nhìn xung quanh tôi đã thấy nhà cửa, xe cộ... rồi cái đọng lại của mỗi con người, mỗi dân tộc đấy là câu chuyện về văn hoá. Thật là vui khi những người như vậy chia sẻ giống nhau. Nghị quyết của Đảng phải được thể hiện, cần được biến thành hành động. Anh Bạt tiếp tục phát triển lý thuyết đó, quan điểm đó theo góc nhìn của bản thân mình và như chúng ta đang làm ngày hôm nay, từ xuất bản sách, từ việc truyền hình thông tin tới mọi người đó cũng chính là hành động mang tính văn hoá, cổ cũ, phát triển và làm giàu thêm văn hoá của dân tộc và của mỗi người."

Văn Thắng