• 6837 lượt xem
  • 16:29 15/02/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Hà thành hương vị xưa cũ - Những món ăn của kỷ niệm, của tình yêu thương

Hà Nội- vùng đất tinh hoa hội tụ, luôn là mảng đề tài phong phú, là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn sỹ thỏa sức thể hiện ngòi bút. Trong dòng chảy văn chương về đề tài ẩm thực Hà Nội, từ lâu, đã có những tác phẩm viết về những món ngon rất đa dạng, được thể hiện bởi nhiều cây bút tài hoa bậc nhất văn đàn Việt Nam.

Tiếp nối mạch văn này, cuốn sách “Hà thành hương xưa vị cũ” của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, một người con của Hà Nội, yêu và thiết tha với những nét đẹp văn hóa ẩm thực của đất Hà thành, đưa tới độc giả những giá trị về thẩm mỹ tinh tế trong ẩm thực, trong văn hóa của vùng đất ngàn năm văn hiến. 

Cuốn “Hà thành hương xưa vị cũ” là tập hợp hai phần. Phần một là Ký ức từ thuở ấu thơ bên căn bếp của mẹ, phần hai là Miếng ngon từ làng ra phố. Đề tài chủ yếu là các món ẩm thực của người Hà Nội, đó không chỉ là những sơn hào hải vị mà đa phần là những món ăn dân dã nơi phố thị, nơi làng quê ngoại thành nhưng nó gắn bó rất lâu đời với người kinh kỳ kẻ chợ, người ra Hà Nội lập nghiệp từ mấy trăm năm trước, người Hà Nội tỏa lan đi khắp các vùng miền. Đôi khi các món ăn không chỉ là những món thông thường mà nó bao gồm những kỷ niệm, kỷ niệm về một thời Hà Nội thanh bình, về một thời Hà Nội chiến tranh, một thời Hà Nội nghèo khó trong bao cấp và một thời Hà Nội được đã được đổi mới, đã có những thăng hoa trong nghệ thuật ẩm thực….

“Tôi nhớ những món ăn trong những mùa mưa bão, mẹ đã xào rau bí thế nào, rang lạc thế nào,… để cho các con có thể được no lành trong những ngày gian khổ và nhớ những món ăn rất đơn thuần thôi nhưng gợi nhớ như cà nén trộn tỏi, giềng, ớt, nhớ cảnh tượng mẹ muối dưa, kho cá, cảnh tượng bà ngoại ngồi têm trầu, ngồi uống nước, cảnh tượng nhà ướp trà sen thơm lừng từ trên gác xuống dưới nhà, đặc biệt là những bữa cỗ tết, những bữa cỗ tất niên thơm lừng trong mùi hương cam canh, bưởi diễn, hương trầm...”

“Tôi có thể khẳng định cuốn sách này giá trị về tư liệu rất phong phú, đa dạng và tương đối xác đáng. Bởi vì tôi cũng là một người nội trợ, cho nên nếu như những nhà văn khác viết về ẩm thực chủ yếu là thưởng lãm rồi coi đây là một thú vui, nhưng tôi còn là một người nội trợ thì nó còn chi tiết hơn, tìm kiếm nguyên liệu như thế nào, chế biến ra sao, chắt lọc như thế nào để được những món của Hà Nội tinh túy nhất”.

“Tôi cũng muốn thông qua những quyển sách này để nhắc nhớ những món ăn đặc biệt của Hà Nội gắn với những kỷ niệm của người Hà Nội qua các thời kỳ. Hình ảnh của người mẹ là nổi trội nhất trong quyển sách này và không chỉ là người mẹ trong chính gia đình tôi mà là những người mẹ của những thế hệ trẻ qua những thời kỳ gian khó nhất”. 

Những món ăn Hà Nội với người Hà Nội hiện đại vẫn có những giá trị đặc biệt, nó gợi nhớ những tình thương, tình yêu mến ở trong gia đình, nó được chế biến từ những nguyên liệu rau quả, thủy hải sản của Việt Nam cho nên nó không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn có giá trị về văn hóa, về sự kết tinh lan tỏa của văn hóa Hà Nội cũng như văn hóa các vùng miền đến với Hà Nội.