• 3130 lượt xem
  • 14:43 16/07/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Hà Nội còn một chút này" - một cách nhìn khác về văn hóa thủ đô

Thủ đô Hà Nội luôn là đề tài được nhiều tác giả dành tình cảm đặc biệt bởi những giá trị đồ sộ về lịch sử và phong phú về văn hóa. Chuyên mục Cuốn sách tôi chọn ngày 16/7 mời qúy vị và các bạn cùng lắng nghe những chia sẻ của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả cuốn sách “Hà Nội còn một chút này” và cùng chiêm nghiệm “một chút này” của Hà Nội khiến mỗi chúng ta vừa quen nhưng cũng vừa lạ.

Nhà báo NGUYỄN NGỌC TIẾN: “Cuốn "Hà Nội còn một chút này” khác với tất cả các cuốn mà tôi đã viết. Nó là những vấn đề, những ứng xử văn hóa của Hà Nội mà từ xưa đến nay các nhà nghiên cứu hoặc là các nhà viết về Hà Nội ít đụng chạm đến hoặc chưa đụng chạm đến. Ví dụ, như tiếng Hà Nội, Hồ Gươm, hay tại sao trên phố Hà Nội vẫn còn những cái nhà thò ra những cái mái hiên che kín vỉa hè, hoặc tại sao Hà Nội lại có những phố mà có những nhà bám sát tới vỉa hè? Vì nó từng là kinh đô, thủ đô nên nó phải có những địa điểm giải trí, các địa điểm giải trí nó như thế nào đối với người Thăng Long - Hà Nội nói riêng và đối với những du khách ở các nơi nói chung, đến đó để chơi, để biết rằng kinh đô thủ đô nó như thế nào? Rõ ràng tất cả các điều đó đều là văn hóa của Hà Nội.

Tôi nghĩ cuốn sách này sẽ thú vị bởi nó giúp ta hiểu thêm một cách khác trong văn hóa Hà Nội. Nó không phải là những cái hiện hữu như là các công trình di tích, hiện hữu ngay hàng ngày chúng ta nhìn thấy, mà là những cái mà chúng ta phải soi rọi, ngẫm nghĩ một chút thì chúng ta mới có thể nhìn thấy nó. Nhưng nó vẫn nằm trong một cái dòng chảy về văn hóa của Hà Nội từ xưa đến nay.

Còn "một chút này" có thể hiểu theo nhiều nghĩa, trong quá trình phát triển thì người ta qua các giai đoạn khác nhau thì cũng có những cái bị mất đi, do nguyên nhân khách quan và chủ quan. “Một chút này” cũng có nghĩa là những cái về mặt vật thể, về mặt tâm thức, nó cũng là những cái quý báu mà chúng ta cần phải giữ gìn nó. Và “Hà Nội còn một chút này” nó cũng như một lời cảnh báo - tất cả những gì còn thì cần phải gìn giữ, cần phải  bảo tồn. Nếu không có văn hóa thì cuộc sống của chúng ta vô cùng thiếu thốn và khô khan, nó mất đi cái gốc cho xã hội mà như đã nói thì văn hóa là nguồn gốc của sự phát triển.

Thực ra mọi người cứ nói là cuốn sách này viết riêng về Hà Nội nhưng lại là viết chung bởi vì Hà Nội là địa phương nhưng lại là thủ đô, mà là thủ đô thì cũng phải biết một chút về thủ đô. Bởi vì khi mình ở trong nước, khi về thủ đô chơi thì mình cũng nên biết một chút về thủ đô, nếu như bạn nào yêu văn hóa, yêu thủ đô, khi đọc cuốn sách này sẽ hiểu rõ về văn hóa Hà Nội. Còn nếu ai sống ở nước ngoài thì cũng biết thủ đô của ta là như thế này, thủ đô của tôi là như thế kia và cũng giúp họ hiểu thêm về Hà Nội và cả Việt Nam. Biết về Hà Nội thì cũng coi như là biết một chút về Việt Nam. Tôi nghĩ cuốn sách này nó đáp ứng cả hai nhu cầu." 

Ninh Tùng