• 2671 lượt xem
  • 14:48 02/10/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Đi tìm dấu vân chữ - Cách tiếp cận văn học đầy mới lạ của PGS.TS Hoàng Kim Ngọc

“Mỗi công dân đều có một dạng vân tay. Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ, không trộn lẫn” … đó là 2 câu trong bài thơ “Vân chữ” của tác giả Lê Đạt. Và cuốn sách “Đi tìm dấu vân chữ” của PGS.TS Hoàng Kim Ngọc là một cuốn sách gợi mở cho người đọc cách tiếp cận văn học từ nhiều góc độ, trong đó có cái nhìn của ngôn ngữ học.

Với 20 bài viết, PGS.TS Hoàng Kim Ngọc đã tập trung giải mã những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ khá nổi bật trên văn đàn Việt Nam đương đại. Qua những chia sẻ của đạo diễn- NSƯT Nguyễn Nghiêm Nhan về cuốn sách này, quý vị sẽ thấy nhiều điều mới lạ trong các tác phẩm tưởng chừng quen thuộc của các tác giả nổi tiếng. 

Đạo diễn- NSƯT Nguyễn Nghiêm Nhan:

"Gần đây, có một số sách Lý luận phê bình văn học xuất hiện trên văn đàn Việt Nam, đặc biệt là tôi lưu ý đến cuốn sách “Đi tìm dấu vân chữ” của PGS.TS Hoàng Kim Ngọc.

Có thể nói, cuốn này là cuốn thứ chín trong toàn bộ công trình nghiên cứu khoa học của chị, từ những giáo trình cho đến sách lý luận phê bình. Đây có thể nói là một cuốn sách lý luận phê bình gây được sự chú ý của đông đảo bạn đọc.

Nhan đề sách có tên là “Đi tìm dấu vân chữ”. Đi tìm dấu vân chữ là một cách nói của nhà thơ Lê Đạt: “ mỗi người có một vân tay và vân tay đó biểu hiện con người đấy như thế nào”. Vân chữ- người ta hiểu được là cá tính của nhà văn, cá tính của nhà thơ. Qua việc tác giả đi sâu vào tìm hiểu ngôn từ của nhà thơ, tìm hiểu cá tính sáng tạo của nhà văn, nhà thơ, bộc lộ, biểu lộ cách khai thác, khám phá khi tiếp cận văn bản văn học.

Trong tập sách này có một số tác giả được đề cập như nhà thơ Hồng Thanh Quang, Văn Giá…. Đặc biệt là trong cuốn sách này, tác giả Hoàng Kim Ngọc đi sâu vào cá tính sáng tạo, ngôn từ sáng tạo mang dấu ấn của nhà thơ, nhà văn. Khi đọc những bài viết đó, người đọc phần nào hiểu thêm về nhà văn, nhà thơ đó, hiểu thêm được trường ngữ nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt, muốn gửi gắm.

Trong các tác phẩm của mình, với lối nghiên cứu liệt kê và thống kê, tần suất bao nhiêu lần xuất hiện những từ như hình ảnh “người mẹ, “núi sông”, “người vợ”… Bằng cách liệt kê thống kê đấy, nhà phê bình Hoàng Kim Ngọc cũng đã giải mã được phần nào những ẩn ức bên trong của nhà thơ, nhà văn và để gọi tên được ra phong cách sáng tạo, cá tính sáng tạo của nhà văn, nhà thơ đó.

Tôi nghĩ là trong một thị trường sách hiện nay thì đây là một cuốn sách phê bình văn học mang tính lý luận có giá trị vì nói đến lý luận văn học, lý luận phê bình thì thường người ta nghĩ đến sự khô khan. Khi đọc đến cuốn này thì lại là một sự lôi cuốn vì người viết phê bình cùng đồng điệu với tác giả và nói một cách khác là chị phải cảm mến tác giả đó, trân trọng tác giả đó, trân trọng những sáng tạo của tác giả đó thì mới có cảm xúc để đi sâu vào vỉa tầng ngôn ngữ, những trầm tích ngôn ngữ mà nhà thơ và nhà văn gửi gắm.

Tôi nghĩ rằng trong thị trường sách hiện nay thì cuốn sách ‘Đi tìm dấu vân chữ” là một cuốn sách đáng đọc, có giá trị".

Việt Hoà