• 1074 lượt xem
  • 14:42 08/08/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Binh pháp" chống dịch - Những trang văn mang tinh thần dân tộc

Những trang bút ký của nhà văn Phạm Vân Anh trong cuốn “Binh pháp chống dịch” viết về những ngày tháng cam go và có cả những mất mát của đất nước trong thời bình, tuy nhiên lại với cái nhìn ấm áp, không chỉ là niềm tin vào Đảng, lực lượng vũ trang, đội ngũ y, bác sĩ cả nước mà còn là niềm tin vào sự đại đoàn kết của toàn dân.

Dịch Covid-19 là nỗi ám ảnh, nỗi sợ hãi của toàn thế giới trong quá khứ, tuy nhiên trong gian nan và biến cố chúng ta lại nhận ra những giá trị của dân tộc mình, những truyền thống quý báu từ bao đời, đó là sự thấu hiểu, sẻ chia, không phân biệt vùng miền, dân tộc, đó sự hy sinh cho bình yên của đất nước. Nhà văn Phạm Vân Anh đã đưa bạn đọc đi từ các điểm nóng biên giới đến các tâm dịch từ giai đoạn 2, giai đoạn 3 như “tâm dịch” Bệnh viện Bạch Mai (thành phố Hà Nội), “tâm dịch” Bắc Giang... cho đến hơn 100 ngày ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam. 

Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe những chia sẻ của chính tác giả về cuốn sách này, cuốn sách đã được NXB Quân đội ấn hành chỉ sau 2 tháng chắp bút của tác giả.

Nhà Văn PHẠM VÂN ANH: "Cuốn “Binh pháp chống dịch” là một kỉ niệm sâu sắc trong đời viết văn của tôi. Bởi vì cuốn sách đó của tôi được hoàn thành chỉ trong có hai tháng, trong tâm thế vừa là người chứng kiến những việc diễn ra ngay trước mắt, ngay sau đó đã chuyển hóa thành câu chuyện, những nhân vật mình đã gặp, những cảm xúc mình đã trải qua cùng với công tác chống dịch toàn quốc trong hai năm vừa qua. Khi đó chúng ta có sự cố nào đó thì sự gắn kết giữa các miền, sự gắn kết giữa các dân tộc nó lại trở thành một khối và nó vô cùng vững chắc không thể có một âm mưu, thủ đoạn nào hay một thế lực nào có thể làm cho chúng ta mất được tình nghĩa này. Lúc đó tôi mới thực sự được trải nghiệm và cảm thấy vô cùng xúc động khi mà tấm lòng của người dân của chúng ta họ bao la quá, cái nghĩa đồng bào thực sự ở những giai đoạn đó mình mới cảm thấy được hết, thấm thía được hết.

Cuốn sách hướng tới độc giả là đồng chí đồng đội của mình cũng như là những người bạn hay những con người mà tôi hoàn toàn xa lạ không biết mà chỉ biết đến họ thông qua báo cáo. Chính vì thế không có gì khác là tôi lựa chọn cái bút pháp hiện thực, nghĩa là tả thực. Mọi diễn biến của những câu chuyện, tâm tư tình cảm của mỗi con người đều được thể hiện một cách thật nhất. Hai tháng tôi viết bút ký này cũng là giai đoạn hai tháng trong cuộc chiến chống Covid của chúng ta cao nhất, và những ngày đó cảm giác như cả nước đều chỉ hướng tới miền Nam, và sôi sục vì miền Nam. Và lòng người cũng gần nhau trước những khó khăn mất mát mà đồng bào miền Nam đã phải trải qua trong những tháng đó. Trước những điều đấy, thì tôi muốn rằng những cảm xúc của mình hay những câu chuyện mà mình đã chứng kiến, những nhân vật được giới thiệu, bản thân nó phải đúng thực chất của vấn đề, thực chất của câu chuyện.

Cuốn sách của mình tôi muốn tôn vinh những con người, những nhân vật đã nỗ lực cống hiến, có những người đã không màng tới cả sức khỏe, cuộc sống của chính mình để lo cho người khác. Quyển sách này cũng là cách để chúng ta có thể nhìn lại, nhìn lại một giai đoạn, nhìn lại một quá trình cả dân tộc chúng ta cùng đồng hành gắn bó, đã trở thành một khối kết đoàn như thế nào để chúng ta bảo vệ tổ quốc trước những nguy cơ an ninh phi truyền thống, và đặc biệt thiên tai và dịch bệnh. Chúng ta đều đã vượt qua được vậy thì những khó khăn trước mắt chỉ cần đoàn kết và chỉ cần chúng ta tin tưởng vào con đường mà chúng ta đã chọn thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công." 

Linh Chi – Hải Linh