Cuốn sách tôi chọn: Vàng Xưa - tiểu thuyết cô đặc lại trong hình hài một truyện ngắn

Chuyên mục Cuốn sách tôi chọn hôm nay xin giới thiệu tập truyện ngắn từng đạt Giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhận xét riêng về truyện ngắn tiêu biểu nhất trong tập sách này, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Vàng xưa như là tiểu thuyết được cô đặc lại trong hình hài một truyện ngắn”. Và bây giờ, chúng tôi mời khán giả cùng chia sẻ về tập Vàng Xưa.

Mời quý vị cùng nghe chia sẻ của tác giả Nguyễn Văn Thọ về tập Vàng xưa.

Thực ra tập “Vàng xưa” ấy là suy nghĩ đến gần 20 năm, tôi viết trong khoảng 4 tháng là xong. Một câu chuyện rất đơn giản, tức là một đơn vị bộ đội đánh nhau ở trong rừng, tìm được vùng sa khoáng, đãi được mấy chục cân vàng; nhưng mà vàng ở trong chiến tranh thì chẳng làm được gì cả. Nhưng mà khi thời bình rồi, người ta chợt nhớ đến, và người ta tổ chức đi tìm. Trải qua rất nhiều chuyện rồi người ta cũng tìm được khối vàng ấy, nhưng cuối cùng chỉ vì lòng người ly loạn, không được như trước nữa, nó không phải là một khối đoàn kết… Thì ở đây tác giả có ý muốn nói gì? Đây là những giá trị tốt đẹp, tử tế nhất trong cuộc chiến mà những người Việt, những người lính đã cô kết, để làm nên cuộc chiến thắng này. Cái đoàn người này chính là đi tìm lại cái giá trị ấy. Nó nằm ở thẳm sâu trong mỗi con người, nó kết cấu trở thành sức mạnh, thì giá trị ấy chính là “Vàng xưa”.

Và nó còn rất nhiều câu chuyện khác nữa. Cái “Tấm chăn màu huyết dụ” xuất phát từ một câu chuyện có thật. Khi mà chúng tôi đóng quân đánh chiến dịch Lam Sơn 719 của địch khi địch định đánh để cắt đứt đường Trường Sơn ấy, trong đó có lực lượng thanh niên xung phong. Quần áo lội suối, qua 7-8 con suối rồi, những người lính bị quần áo rách hết, thì các cô ấy bảo là cởi ra để các cô ấy vá lại cho. Những người lính sau chiến dịch được bổ sung quân trang, thì lại tặng, chính cái tấm chăn ấy là để tặng cho các cô ấy, nhưng mà các cô ấy cũng biết hy sinh. Cô ấy giữ suốt mấy năm liền, và đến khi các cô ấy bị sốt rét nặng quá, được ra an dưỡng ở Gia Lâm, thì cô ấy mang tấm chăn và cái dù pháo sáng để mang về tặng cho mẹ tôi. Khi mẹ tôi mất rồi thì tôi mới về, và mẹ tôi (trong câu chuyện thật) có dặn là chăn này để cho thằng Thọ về, nó lấy vợ rồi nó đắp. Tôi nhớ chi tiết rất quan trọng là khi tôi cắt tấm vải xi-măng ra thì tấm chăn màu huyết dụ nó đổ òa trên mặt sàn thế này! Và lúc bấy giờ, đôi mắt của người lính chói lòa màu đỏ. Cái màu ấy nó đã được tưới đẫm bằng tình cảm của những người ở trong mặt trận với nhau. Hóa ra từ một việc rất nhỏ thôi, từ một cái lưu vật rất nhỏ thôi, nó có thể chứng minh cho toàn bộ sức mạnh rất quan trọng, đấy là những con người ở trong cuộc chiến như thế nào… 

Cái tinh thần, hồn cốt của câu chuyện, thông điệp rất quan trọng là nó có thể lý giải được, trong cuộc chiến tại sao chúng ta chiến thắng, chính là ở lòng người, cả khối lòng người thương yêu nhau, sống vì nhau. Một tấm chăn tặng cho mà cô ấy giữ suốt mấy năm trời, để cô ấy mang về đưa cho người mẹ, bởi vì cô ấy nghĩ rằng anh ấy có thể đã chết rồi, cho nên cô ấy mang về kỷ vật của người lính. Tôi viết truyện này tôi cũng khóc, bởi vì tôi nhớ đến tấm lòng của đồng đội tôi, nhớ những chia bùi sẻ ngọt ở chiến trường.

Trong suốt cả cuộc chiến đấu ấy thì sức mạnh ở đâu? Cũng giống như một nhà báo Mỹ khi đến Việt Nam, người ta nói là ở Việt Nam, tinh thần chống ngoại xâm, tinh thần bất khuất của một dân tộc nó được tôn trọng như một đạo giáo, được coi như một thứ tôn giáo. Và người ta triết luận rằng sự bất khuất của tinh thần người Việt nó như một tôn giáo, mà tinh thần dân tộc ấy nó thể hiện bằng ngôn ngữ cụ thể, cũng là thông điệp để lý giải vấn đề rất lớn mà nó nói bằng hình tượng văn học, cái thông điệp nó ngầm dưới những tầng chữ. Và đây cũng là một trong những tinh thần mà tôi muốn gửi gắm trong cách phản ánh về người lính.
 

Thiện Đoan