Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Trung: Hàn gắn những rạn nứt

Trong ngày 14/11, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại Bali, Indonesia, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ.

Diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai cường quốc đang gặp nhiều sóng gió xoay quanh những tranh cãi về nhân quyền, thương mại cùng nhiều vấn đề khác, giới chuyên gia đánh giá, cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo sẽ là cơ hội để tháo gỡ những bất đồng và hạ nhiệt căng thẳng. 

Một bài viết trên tờ The Guardian của Anh có nhan đề “5 điểm chính rút ra từ cuộc gặp đầu tiên của Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình”. Theo bài viết, có 5 điểm chính trong cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo. Đầu tiên là sự tiếp xúc gần gũi, cũng như nụ cười trước ống kính của Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thể hiện thiện chí và mong muốn một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa 2 bên. Thứ 2 là việc Ông Biden phản đối các hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan, điều mà ông cho rằng sẽ làm suy yếu hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, gây nguy hiểm cho sự thịnh vượng toàn cầu. Tuy nhiên, ông vẫn trấn an Trung Quốc rằng cam kết của Mỹ với chính sách “Một Trung Quốc” không thay đổi.

Vấn đề tiếp theo là về hợp tác khí hậu. Hai bên sẽ cùng nhau hợp tác để giải quyết khủng hoảng khí hậu, duy trì ổn định tài chính, y tế và lương thực toàn cầu. Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo nhất trí không bào giờ nê tiến hành “một cuộc chiến tranh hạt nhân”, đồng thời nhấn mạnh sự phản đối trong việc “sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine”

Cuộc gặp tại G20 giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt một bước tiến lớn”. Đây là nội dung của một bài viết được hãng tin DW đăng tải. Theo tác giả bài viết, cái bắt tay giữa Tổng thống Biden và ông Tập Cận Bình có thể làm nên điều kỳ diệu trong việc sửa chữa các mối quan hệ bị tổn hại, xây dựng lòng tin và duy trì sự hợp tác. Theo tác giả, cuộc gặp tại Bali đã mang lại kết quả tích cực khi cả 2 bên đồng ý duy trì các kênh liên lạc cởi mở, thông qua các cuộc gặp cấp cao trực tiếp và hợp tác về các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.

Đối với Tổng thống Biden, động thái này sẽ giúp các đồng minh của ông ở Châu Á có thể yên tâm và “thở phào nhẹ nhõm” khi luôn lo sợ về một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc. Còn với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông đã cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thấy sự sẵn sàng hợp tác với Washington để giảm căng thẳng địa chính trị vào thời điểm kinh tế nước này đang khó khăn.