Cuộc đời và những dấu ấn sự nghiệp của cựu Thủ tướng Abe Shinzo

Với 4 nhiệm kỳ, cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo được xem là Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Ở vị trí này, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong hoạch định chính sách, đồng thời đạt nhiều thành tựu trong công tác đối ngoại, nâng cao vị thế của Nhật Bản.

Ông Abe Shinzo sinh ngày 21/9/1954 tại Tokyo, trong một gia đình có truyền thống làm chính trị với ông ngoại là Kishi Nobusuke-Thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 1957-1960 và cha là Abe Shintaro từng giữ chức Ngoại trưởng. Sau khi bước chân vào chính trường Nhật Bản vào năm 1993, ông đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ và Đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Tháng 9/2006, ông được bầu làm Chủ tịch LDP và được Quốc hội bầu làm thủ tướng thứ 90 của Nhật Bản vào ngày 26/9 năm đó. Khi đó, ông mới 52 tuổi và là vị thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến. Tuy nhiên, nhiệm kỳ Thủ tướng lần đầu tiên này của ông Abe chỉ kéo dài được một năm khi tháng 9/2007, ông đột ngột từ chức vì bệnh viêm loét đại tràng. Khi bệnh tình có những biến chuyển tích cực, ông Abe đã có sự trở lại ngoạn mục trên chính trường Nhật Bản vào tháng 12/2012 sau khi đảng LDP giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện.

NHỮNG DẤU ẤN TRÊN CHÍNH TRƯỜNG NHẬT BẢN

Chính sách Abenomics 

Trong suốt thời gian dẫn dắt đất nước từ năm 2012, Thủ tướng Abe đã góp phần quan trọng trong việc định hình đất nước Nhật Bản thời hiện đại, phục hưng nền kinh tế thông qua kế hoạch Abenomics. Việc triển khai Abenomics đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ như đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi vòng xoáy giảm phát và tăng trưởng liên tục trong vòng 71 tháng, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 26 năm…

Đất nước Nhật Bản cũng chống chọi hiệu quả với những biến cố lớn suốt hai thập kỷ, trong đó có thảm họa động đất và sóng thần hồi năm 2011 hay cuộc “khủng hoảng kép” kinh tế và y tế do COVID-19 gây ra…

Sửa đổi Hiến pháp

Thủ tướng Abe đã giúp củng cố và nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước. Ông cũng đóng góp rất lớn vào việc thay đổi cách diễn giải trong Hiến pháp hiện hành nhằm cho phép Lực lượng Phòng vệ (SDF) tham gia hoạt động phòng thủ tập thể để bảo vệ đồng minh trước các cuộc tấn công vũ trang và mở rộng vai trò của SDF trong luật an ninh mới. Đây được coi là những bước ngoặt quan trọng trong chính sách an ninh của Nhật Bản thời hậu chiến.

Thúc đẩy ngoại giao

Thủ tướng Abe đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có việc củng cố quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, và tăng cường quan hệ của Nhật Bản với nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, ông đã giúp nâng cao vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế thông qua các hoạt động và sáng kiến an ninh khu vực quan trọng như Đối thoại An ninh Bốn bên (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), hay ý tưởng về “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).