Cúng rừng – Nét văn hóa tâm linh để giữ rừng

Cúng rừng là lễ hội độc đáo, là nét văn hóa truyền thống tâm linh của người dân vùng cao. Các khu rừng cấm được coi là đất thiêng, được Nhân dân gìn giữ từ đời này qua đời khác, tất cả mọi người đều không được vào rừng khai thác, chặt phá.

Lễ hội được tổ chức vào ngày Thìn tháng 6 âm lịch, với mong muốn, một năm mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Cầu thần rừng trong năm không nổi giận, để những cánh rừng sinh sôi nảy nở nuôi sống con người. Nuôi vật được thịnh, cây trồng được quả, bội thu, dân được bình yên, bệnh dịch lùi xa, nhà nhà no ấm, thuận hòa, bình an, muôn dân hạnh phúc.

Ông LÝ XUÂN THÀNH, Phó Chủ tịch UBND huyện Simacai, tỉnh Lào Cai: “Lễ cúng rừng của người dân Simacai thì đã được gìn giữ bao đời nay. Ngoài ý nghĩa linh thiêng cầu cho mùa màng tốt tươi thì còn có ý nghĩa khác là góp phần giáo dục cho con cháu cũng như là đồng bào gìn giữ bảo vệ rừng, cũng như là giữ gìn nguồn nước và các nét đẹp văn hóa. Lễ hội cúng rừng ở Simacai đã được Bộ Văn hóa công nhận là di sản phi vật thể cấp Quốc gia.”

Sau phần nghi lễ, người dân các thôn đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất ký cam kết thực hiện các quy ước, hương ước về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
 

Hồng Ngọc