Cụm tin Quốc tế tối 08/06: Hàn - Mỹ - Nhật hối thúc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán hạt nhân

Hàn - Mỹ - Nhật hối thúc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán hạt nhân; Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022; Nga đưa ra giải pháp phục hồi nền kinh tế; NASA lần đầu phóng tên lửa tại cơ sở bên ngoài lãnh thổ Mỹ... là những tin chính trong cụm tin quốc tế tối 8/6.

HÀN – MỸ - NHẬT HỐI THÚC TRIỀU TIÊN TRỞ LẠI BÀN ĐÀM PHÁN HẠT NHÂN 

Trong ngày hôm nay, các quan chức ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản nhóm họp tại Seoul (Hàn Quốc) nhằm đánh giá các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên là 'nghiêm trọng', đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.

Cuộc hội đàm giữa các quan chức ngoại giao cấp cao Hàn-Mỹ-Nhật diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên ngày 5/6 phóng 8 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông. Sau đó, Hàn Quốc và Mỹ cũng phóng 8 tên lửa đạn đạo ra vùng biển này sáng 6/6. 

Ông CHO HYUN-DONG - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc: "Chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế để Triều Tiên có thể chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp và quay trở lại bàn đối thoại. ”

Ông TAKEO MORI - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản: "Để phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên, chúng tôi đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn từ góc độ ngoại giao với phản ứng của Liên hợp quốc, bao gồm cả Hội đồng Bảo an, và tăng cường khả năng răn đe trong khu vực."

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, Hàn Quốc và Mỹ hôm 7/6 đã tổ chức một cuộc trình diễn sức mạnh không quân chung nhằm chứng tỏ khả năng và quyết tâm mạnh mẽ trong việc phối hợp phản ứng nhanh chóng trước bất kỳ hành động khiêu khích nào từ phía Triều Tiên. Cuộc trình diễn sức mạnh không quân với sự tham gia của 20 máy bay chiến đấu, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình F-35A. 

Bà WENDY SHERMAN - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ: “Bất kỳ vụ thử hạt nhân nào cũng sẽ hoàn toàn vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Sẽ có một phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ đối với một vụ thử như vậy, bởi như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã cho biết, hiện có mối lo ngại rằng Triều Tiên có thể sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân. Điều này sẽ gây mất ổn định đối với an ninh thế giới”.

Triều Tiên gần đây đã tổ chức một loạt vụ thử tên lửa và một số nhà phân tích tin rằng, nước này đang chuẩn bị tiếp tục thử vũ khí hạt nhân sau 5 năm gián đoạn. Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Sung Kim ngày 7/6 cho rằng Triều Tiên dường như đã hoàn tất việc chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 và hành động này có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Ông Sung Kim cũng nhắc lại rằng Mỹ sẵn sàng can dự ngoại giao với Triều Tiên và giải quyết các vấn đề quan ngại đối với Bình Nhưỡng.

NGÂN HÀNG THẾ GIỚI HẠ DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG TOÀN CẦU NĂM 2022

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu công bố ngày 7/6, Ngân hàng Thế giới cho rằng nền kinh tế thế giới có thể trải qua giai đoạn giảm tốc mạnh nhất. Ngân hàng Thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 thêm 1,2 điểm phần trăm, xuống còn 2,9%, đồng thời cảnh báo nguy cơ nhiều nước có thể rơi vào suy thoái nghiêm trọng. 

Theo Ngân hàng Thế giới, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá các mặt hàng, trong đó có dầu và ngũ cốc, tăng vọt. Báo cáo nhấn mạnh xung đột cùng những tác động của đại dịch COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài và lạm phát gia tăng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lạm phát đình trệ, cùng những hậu quả đối với các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình và thấp. 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo nguy cơ của việc khống chế lạm phát gia tăng bằng biện pháp kiểm soát giá cả hoặc hạn chế xuất khẩu. Người đứng đầu WB khẳng định tính cấp thiết của việc khuyến khích sản xuất và tránh các hạn chế thương mại. Theo ông, để giảm thiểu rủi ro, các nhà hoạch định chính sách cần phối hợp đối phó với việc tăng giá dầu và lương thực, tăng cường xóa nợ cũng như nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19.

NGA ĐƯA RA GIẢI PHÁP PHỤC HỒI NỀN KINH TẾ

Trước nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu chính phủ nước này đưa ra các quy định ngân sách mới vào cuối tháng 7 tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng và bảo vệ nền kinh tế. 

Phát biểu trong cuộc họp ngày 7/6, Tổng thống Nga Putin nêu rõ các cơ quan chức năng đã bắt đầu xem xét ngân sách liên bang cho 3 năm tiếp theo. Ông nhấn mạnh vấn đề cơ bản là phải xây dựng được quy định ngân sách, không những đảm bảo được sự ổn định của tài chính công, mà còn phải góp phần đưa kinh tế Nga tăng trưởng. 

Tuy không nêu chi tiết về các quy định mới, song ông Putin cho biết các quy định có thể được nới lỏng hơn để cho phép có thêm quỹ để khôi phục hoạt động kinh tế. Quy định hiện nay đặt ra giới hạn về cách thức và các lĩnh vực mà Quỹ Đầu tư quốc gia (NWF), trị giá 198 tỷ USD của Nga, có thể được sử dụng trong bối cảnh chính phủ cần tăng lượng tiền mặt để đáp ứng cam kết về việc tăng lương hưu, thanh toán xã hội và hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn.

NASA LẦN ĐẦU PHÓNG TÊN LỬA TẠI CƠ SỞ BÊN NGOÀI LÃNH THỔ MỸ

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ - NASA dự kiến sẽ phóng 3 tên lửa vào vũ trụ trong thời gian tới nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Đây cũng là lần đầu tiên NASA đưa tên lửa vào không gian, thông qua một cơ sở phóng tư nhân ngoài lãnh thổ nước Mỹ.

Các tên lửa được NASA phóng vào không gian sẽ nhận nhiệm vụ thám hiểm và nghiên cứu các sự kiện thiên văn học và hiện tượng khoa học chỉ có thể được theo dõi từ Nam bán cầu. Dự kiến tên lửa đầu tiên sẽ rời bệ phóng vào cuối tháng này. 2 tên lửa còn lại dự kiến sẽ được đưa vào không gian lần lượt vào ngày 4 và ngày 12 tháng 7 tới.

Thủ tướng Australia ANTHONY ALBENESE: Đây không chỉ đơn thuần là một nhiệm vụ phóng tên lửa vào không gian, mà sự kiện này còn gửi thông điệp đến những công dân Australia trẻ tuổi về tầm quan trọng của khoa học vũ trụ, bởi lẽ nó là một phần của tương lai của đất nước. Tôi hi vọng sự kiện này sẽ thành công tốt đẹp.”

Thủ tướng Australia cũng cho biết, chính phủ nước này đã chính thức phê duyệt, cho phép phóng tên lửa từ Trung tâm nghiên cứu vũ trụ Arnhem, một cơ sở nghiên cứu tư nhân nằm ở phía bắc đất nước. 

Ông RUSSELL SHAW Tổng giám đốc Equatorial Launch: Chúng tôi đã làm việc với NASA trong một vài năm để đạt được những mục tiêu này. Trung tâm Vũ trụ Arnhem có vị trí lý tưởng ngay phía nam của đường xích đạo, phù hợp với mọi loại quỹ đạo vào không gian.”

Theo đó, sau 2 năm đánh giá, Trung tâm Vũ trụ Arnhem mới đây đã chính thức được NASA cấp giấy phép đạt tiêu chuẩn về cơ cở vật chất cho các vụ phóng tên lửa phục vụ cho các chiến dịch của NASA.

Bùi Thảo