Cụm tin quốc tế tối 05/06: Triều Tiên phóng 8 tên lửa đạn đạo ngay sau khi Hàn Quốc và Mỹ kết thúc tập trận quân sự

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo; Ukraine tiến hành tái thiết; Nam Phi tạm thời ngừng đánh thuế nhiên liệu; Người dân Mexico hưởng ứng chương trình giao nộp vũ khí... là những thông tin có trong cụm tin quốc tế tối 5/6.

TRIỀU TIÊN PHÓNG TÊN LỬA ĐẠN ĐẠO

Ngày 05/06, Triều Tiên đã phóng 8 tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển phía Đông nước này. Đáng chú ý, vụ phóng diễn ra chỉ một ngày sau khi Hàn Quốc và Mỹ kết thúc cuộc tập trận quân sự đầu tiên có sự tham gia của tàu sân bay trong hơn 4 năm qua.

Theo Hội đồng tham mưu trưởng Hàn Quốc, các tên lửa được phóng từ khu vực Sunan, thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, phạm vi bay từ 110km đến 600km, ở độ cao từ 25km đến 90km.
Trong phản ứng mới nhất, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã chỉ thị các quan chức nước này tiếp tục củng cố phòng thủ chung giữa Hàn Quốc-Mỹ, bao gồm các cuộc tập trận phòng thủ tên lửa. Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Kishida Fumio đã lên tiếng phản đối hành động của Bình Nhưỡng.

Thủ tướng Nhật Bản KISHIDA FUMIO: “Triều Tiên đã nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo từ đầu năm nay, trong đó có loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới. Những hành động đó đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực và cộng đồng quốc tế.”

Vụ phóng mới nhất của Bình Nhưỡng diễn ra sau khi Hàn Quốc và Mỹ vừa hoàn tất đợt tập trận chung quy mô lớn kéo dài 3 ngày, trong đó triển khai tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017 một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân được triển khai tham gia một cuộc tập trận chung của hai nước đồng minh này.

UKRAINE TIẾN HÀNH TÁI THIẾT 

Ukraine đã bắt đầu công việc tái thiết sau xung đột ở một số khu vực. Đây là thông báo vừa được Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đưa ra tại một cuộc họp nội các.

Theo đó, ở giai đoạn phục hồi đầu tiên, giới chức Ukraine sẽ đánh giá những thiệt hại do xung đột gây ra, chuẩn bị tài liệu kỹ thuật cho các dự án tái thiết và tiến hành sửa chữa các cơ sở quan trọng. Thủ tướng Shmyhal nhấn mạnh, nhiệm vụ của chính phủ là khôi phục hầu hết các cơ sở trọng yếu bị hư hỏng vào mùa thu tới. Theo giới chức Ukraine, cuộc xung đột đã phá hủy khoảng 300 cây cầu và 24.000km đường bộ, đồng thời khiến gần 14 triệu người ở Ukraine phải đi sơ tán. 

NAM PHI TẠM THỜI NGỪNG ĐÁNH THUẾ NHIÊN LIỆU

Trước bối cảnh giá xăng, dầu liên tục lập đỉnh, nhiều quốc gia đã phải ban hành các biện pháp khẩn cấp để ứng phó. Trong động thái mới nhất, chính phủ Nam Phi đã quyết định tạm ngừng thu thuế nhiên liệu thêm hai tháng, nhằm giảm bớt sức ép đối với người tiêu dùng do chi phí năng lượng tăng cao.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu ở mức cao kỷ lục, nhiều người dân Nam Phi đang phải vật lộn để trang trải cuộc sống. Xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá dầu thế giới lên cao, gây tác động nặng nề tới sinh hoạt của người dân.

Ông LAYTON BEARD - Người phát ngôn Hiệp hội ô tô SA: "Mặc dù các biện pháp trợ giá đang được áp dựng nhưng chính phủ vẫn đang tìm cách giảm thiểu chi phí nhiên liệu. Nhưng Nam Phi không phải nạn nhân quy nhất của tình trạng này, chi phí nhiên liệu tăng là vấn đề trên toàn thế giới. Đó là một vấn đề toàn cầu”.

Trước tình trạng này, chính phủ Nam Phi đã quyết định gia hạn việc tạm ngừng thu thuế nhiên liệu thêm hai tháng, nhưng giới phân tính cho rằng, đây là một biện pháp kém bền vững. Các nhóm vận động hành lang đang kêu gọi chính phủ xem xét lại thuế nhiên liệu và tìm kiếm các giải pháp lâu dài bền vững hơn.

Ông VASVIN REDDY - Tổ chức Những người chống tăng giá xăng dầu: "Chúng tôi kêu gọi xóa bỏ hoàn toàn tất cả các loại thuế và các khoản thu, điều này sẽ làm giảm giá nhiên liệu xuống 38%. Và chúng tôi kêu gọi chính phủ Nam Phi cần phải bãi bỏ quy định giá xăng dầu trong nước và giới hạn giá ở mức dưới 10 Rands”.

Giá nhiên liệu tại Nam Phi tăng cao trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng lên mức kỷ lục trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn gây ảnh hưởng nặng nề với quốc gia này. 

NGƯỜI DÂN MEXICO HƯỚNG ỨNG CHƯƠNG TRÌNH GIAO NỘP VŨ KHÍ

Tuần qua, hàng nghìn người dân tại thủ đô Mexico City của Mexico đã tới giao nộp súng cho chính quyền, như một phần của chương trình giải trừ vũ khí được chính phủ phát động nhằm chống lại tình trạng bạo lực tại quốc gia Bắc Mỹ này.

Kể từ khi chương trình “Nói có với giải trừ vũ khí, nói có với hòa bình” bắt đầu được triển khai vào năm 2019, các nhà chức trách đã thu được khoảng 6.320 khẩu súng nội địa ở thủ đô Mexico. Chương trình cũng nhắm mục tiêu đến trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức của các em về một môi trường an toàn, không có bạo lực và không sử dụng các loại đồ chơi mang tính chất bạo lực.

Ông MARTI BATRES - Giới chức Mexico City: "Những chương trình này giúp kiềm chế tình trạng bạo lực ở Mexico và các vùng lân cận. Chúng giúp hạn chế các vụ giết người và thương tích do súng gây ra, như có thể thấy từ số liệu thống kê trong ba năm rưỡi qua. Ngoài ra, điều quan trọng là phải được giáo dục để chống lại bạo lực. Đây là lý do tại sao trẻ em phải giao nộp súng đồ chơi. Đó là một hành động mang tính biểu tưởng. Trẻ em giao súng đồ chơi và người lớn giao súng mà họ có ở nhà."

Chiến dịch ở Mexico diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ một lần nữa tranh luận về vấn đề kiểm soát súng, sau một loạt các vụ xả súng xảy ra trong những tuần gần đây, gây rúng động quốc gia láng giềng.

NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI QUAY LẠI CHỦ ĐỀ “CHỈ MỘT TRÁI ĐẤT”

Hôm nay 5/6 là Ngày Môi trường Thế giới, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Chỉ một trái đất” với mục đích truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt nhiều thách thức về môi trường, trong đó phải nhắc tới 3 cuộc khủng hoảng toàn cầu là biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học, Liên hợp quốc đã lựa chọn lại khẩu hiệu “Chỉ có một trái đất” của Hội nghị Stockholm năm 1972 làm chủ đề Ngày Môi trường thế giới 2022, như một cách làm sống dậy động lực cùng hành động và khẳng định vai trò quyết định của con người trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất.

Tổng thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES: "Các nhà khoa học gần đây đã cảnh báo rằng, chúng ta có thể vi phạm cam kết giới hạn 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris trong 5 năm tới. Chúng ta không thể để điều đó xảy ra. Chúng ta phải cắt giảm 45% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 để đạt được mục tiêu net-zero vào năm 2050. Và các quốc gia phát triển phải hỗ trợ gấp đôi cho các quốc gia đang phát triển để họ có thể thích ứng và xây dựng khả năng chống chịu với tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra".

Năm nay, Đại hội đồng LHQ đã quyết định tổ chức hội nghị cấp cao: “Stockholm+50: Một hành tinh khỏe mạnh cho sự thịnh vượng của tất cả mọi người - trách nhiệm của chúng ta, cơ hội của chúng ta”, nhằm xác định những hành động cấp bách và cụ thể mà con người cần triển khai để bảo vệ hành tinh.

Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết, các cuộc khủng hoảng môi trường và khí hậu ảnh hưởng đến toàn bộ nhân loại và những người nghèo nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bà khẳng định, quá trình chuyển đổi xanh toàn diện về mặt xã hội không phải là một lựa chọn, mà là nghĩa vụ đạo đức để đảm bảo không có quốc gia nào hoặc người bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng Thụy Điển MAGDALENA ANDERSSON: "Mục đích của cuộc họp hôm nay là chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa và nhanh hơn nữa. Đây không phải là lúc chúng ta đưa ra các cam kết mới. Đây là lúc chúng ta thực hiện những lời hứa mà chúng ta đã đưa ra”.

Hội nghị năm nay diễn ra tròn 50 năm sau khi Thụy Điển đăng cai tổ chức Hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về môi trường và con người vào năm 1972. Đó là cũng là lần đầu tiên môi trường trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu.

Đinh Giang