Nga, Mỹ chưa thể đối thoại về vấn đề hạt nhân; Pháp dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2022; Mỹ cân nhắc về nhập khẩu pin năng lượng mặt trời; Indonesia: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo bảo vệ san hô... là những thông tin trong cụm tin quốc tế sáng 7/6.
NGA, MỸ CHƯA THỂ ĐỐI THOẠI VỀ VẤN ĐỀ HẠT NHÂN
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết Nga mong muốn đàm phán với Mỹ về vấn đề vũ khí hạt nhân, tuy nhiên việc này khó có thể diễn ra trong tình hình hiện nay.
Ông Peskov đã tuyên bố như trên sau khi Đại sứ Mỹ tại Moskva John Sullivan cho biết không có nhiều khả năng nối lại đối thoại giữa Moskva và Washington về vấn đề "quan trọng với cả hai bên" này vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên ông Peskov nhấn mạnh Nga muốn cuộc đàm phán này diễn ra và hai bên cần tiếp tục thảo luận về chủ đề này, đặc biệt sau những thay đổi lớn trong môi trường an ninh châu Âu và thế giới.
PHÁP DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC TRONG NĂM 2022
Bộ trưởng Tài chính Pháp cho biết, ông tin tưởng vào đà tăng trưởng tích cực của nền kinh tế nước này trong năm nay, bất chấp những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Ukraine hay tình trạng lạm phát leo thang.
Ông Bruno Le Maire dự kiến Pháp sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2022, nhưng sẽ điều chỉnh các dự báo kinh tế vào đầu tháng 7.
Ông BRUNO LE MAIRE - Bộ trưởng Tài chính Pháp: “Rõ ràng là với cuộc xung đột ở Ukraine, lạm phát, tất cả những điều đó sẽ đặt ra câu hỏi về các dự báo, nhưng chúng tôi sẽ có tăng trưởng tích cực vào năm 2022”.
Dự báo hiện tại cho thấy nền kinh tế tăng trưởng 4% vào năm 2022. Tổng thống mới tái đắc cử Emmanuel Macron, người phải đối mặt với cuộc bầu cử quốc hội vào tháng này, đang chịu áp lực bảo vệ người tiêu dùng chống lại lạm phát và giá năng lượng tăng cao do cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga, cùng với sự cố chuỗi cung ứng, khiến chi phí sinh hoạt tăng mạnh cao hơn.
MỸ CÂN NHẮC VỀ NHẬP KHẨU PIN NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI
Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ tuyên bố miễn thuế 24 tháng đối với các tấm pin năng lượng mặt trời được sản xuất từ 4 quốc gia Đông Nam Á. Trước đó, các cuộc điều tra nhằm truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã gây đình trệ việc nhập khẩu mặt hàng trên và ảnh hưởng đến các dự án tại Mỹ.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về tác động của cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng qua của Bộ Thương mại về việc nhập khẩu các tấm pin mặt trời từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Giới chức Mỹ nghi ngờ các nhà sản xuất của Trung Quốc lách thuế bằng việc gửi linh kiện tới các nước nói trên để lắp ráp, trước khi vận chuyển thành phẩm sang Mỹ. Các nhà nhập khẩu đã phải trích lập dự phòng hàng tỷ USD để trả các mức thuế tiềm năng trong tương lai, với mức truy thu thuế lên đến 250%.
Cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ vẫn sẽ được tiếp tục triển khai, tùy thuộc vào kết quả, thuế quan có thể được áp dụng đối với các tấm pin được nhập khẩu sau thời hạn 24 tháng.
INDONESIA: ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO BẢO VỆ SAN HÔ
Bằng cách sử dụng các cảm biến sóng âm dưới nước và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các nhà khoa học Indonesia đã tìm ra một phương thức mới để “lắng nghe” mọi hoạt động và theo dõi điều kiện phát triển của các rạn sạn hô ngoài khơi bờ biển nước này. Việc ứng dụng công nghệ này được kỳ vọng có thể hỗ trợ công tác bảo tồn san hô không chỉ ở Indonesia và trên toàn thế giới.
Các nhà khoa học đã ghi lại hàng trăm đoạn âm thanh bằng các micro dưới nước. Các âm thanh này sẽ được sử dụng để chẩn đoán sức khỏe của san hô. Âm thanh sống động có nghĩa là san hô đang khỏe mạnh và ngược lại. Tất cả được xử lý bởi môt hệ thống trí tuệ nhân tạo có tên là PAM, nghĩa là Hệ thống giám sát âm thanh thụ động. Hệ thống này có thể nhận diện được khi nào các rạn san hô đang khỏe mạnh hoặc đang thoái hóa với độ chính xác đến 92%.
Ông BEN WILLIAM Trưởng nhóm nghiên cứu: “Chúng tôi đặt các micro dưới nước để 'lắng nghe' nhịp sống của các rạn san hô. Hệ thống micro có thể hoạt động dưới nước trong vài tuần, vài tháng, thậm chí là lâu hơn. Chúng đóng vai trò như ‘đôi tai’ giúp các nhà khoa học thu thập rất nhiều dữ liệu.”
Các rạn san hô bao phủ chưa đến 1% diện tích đáy đại dương, tuy nhiên, chúng đóng vai trò to lớn trong bảo tồn đa dạng sinh học biển, cung cấp nơi sinh sống cho 25% số loài sinh vật biển, bao gồm rùa, cá và tôm hùm. Tuy nhiên, nhiều quần thể san hô hiện nay đang đối mặt với nguy cơ bị tẩy trắng do sự ấm lên của nước biển. Các nhà khoa học hy vọng, hệ thống trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng tại Indonesia có thể hỗ công tác bảo tồn san hô trên toàn thế giới.
HOẠT ĐỘNG LÀM SẠCH BIỂN QUY MÔ LỚN TẠI HY LẠP
Các tổ chức bảo tồn biển quốc tế đã thu được hơn 23 tấn chất thải, bao gồm khoảng hai chục tấm lưới khổng lồ, từ vùng biển xung quanh đảo Ithaca của Hy Lạp, trong một hoạt động làm sạch biển quy mô lớn để bảo vệ sinh vật biển.
Ngày Đại dương Thế giới 8 tháng 6 là một sự kiện quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về tác động của hành động của con người đối với đại dương. Nhằm kỷ niệm ngày này, 23,5 tấn chất thải, bao gồm 25 lưới và thiết bị nuôi cá lớn, đã được thu gom bởi các thợ lặn tình nguyện từ Vương quốc Anh, Hà Lan, Lebanon, Hungary và Hy Lạp trong hai tuần qua. Ngư dân địa phương cũng tham gia vào nỗ lực này.
Những chiếc lưới bỏ đi, hay còn gọi là “lưới ma” đang làm nhiều động vật biển sa bẫy và chết hàng năm. Sau khi được thu gom, chúng sẽ được công ty dệt Aquafil đem đi tái chế và biến thành sợi dùng để sản xuất các sản phẩm như quần áo và thảm.
Theo Tổ chức môi trường Healthy Seas, phần lớn chất thải bị bỏ lại sau khi một trang trại nuôi cá đóng cửa. Healthy Seas cho biết khoảng 640.000 tấn ngư cụ bị mất hoặc bị bỏ đi hàng năm trên các vùng biển và đại dương, rác thải nhựa gây hại cho sinh vật biển và để lại các hạt vi nhựa trong nước, những hạt vi nhựa này cuối cùng đi vào chuỗi thức ăn.
Thực hiện : Vân Hương