Cụm tin quốc tế ngày 3/6: Mỹ cân nhắc đánh thuế đối với lợi nhuận từ dầu mỏ và khí đốt

Trung Đông, Châu Phi kêu cứu do khủng hoảng lương thực toàn cầu; Bệnh đậu mùa khỉ lây lan âm thầm - lời cảnh tỉnh cho ngành y tế toàn cầu; Tiêm vaccine trong thai kỳ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở trẻ sơ sinh... là những tin tức có trong cụm tin quốc tế ngày 3/6.

MỸ CÂN NHẮC ĐÁNH THUẾ ĐỐI VỚI LỢI NHUẬN TỪ DẦU MỎ VÀ KHÍ ĐỐT

Nhà Trắng hiện đang cân nhắc các đề xuất của Thượng viện và Hạ viện trong việc đánh thuế đối với lợi nhuận từ dầu mỏ và khí đốt của các công ty sản xuất năng lượng để trợ cấp cho người tiêu dùng.

Theo một đề xuất nhận được sự ủng hộ của 15 thượng nghị sĩ Dân chủ và nhiều thành viên trong Hạ viện, một mức thuế mới sẽ được áp dụng hàng quý đối với các công ty dầu lớn cho lượng dầu thô được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Doanh thu từ loại thuế này sẽ được chi trả cho người tiêu dùng có thu nhập dưới một mức nhất định dưới dạng hoàn thuế, và số tiền trợ cấp này có thể lên đến vài trăm USD mỗi năm. 

Nhưng dự thảo này đang đối mặt với triển vọng bất ổn tại Quốc hội Mỹ. Những cuộc thảo luận về vấn đề này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Biden đang chịu áp lực mạnh mẽ phải xoa dịu tác động từ lạm phát, nhất là giá xăng, trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.

TRUNG ĐÔNG, CHÂU PHI KÊU CỨU DO KHỦNG HOẢNG LƯƠNG THỰC TOÀN CẦU

Xung đột Nga - Ukraine đang làm trầm trọng khủng hoảng lương thực toàn cầu, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia. Và Trung Đông, Châu Phi - những khu vực “khô cằn, nắng nóng”, nông nghiệp kém phát triển, phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu lương thực - đã phải lên tiếng kêu cứu.

Cộng hòa Chad đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về lương thực, kêu gọi quốc tế hỗ trợ khẩn cấp. Theo Liên hợp quốc 5,5 triệu người Chad, tương đương 1/3 dân số nước này cần tới hỗ trợ nhân đạo trong năm nay. Các quốc gia nghèo tại châu Phi và Trung Đông cũng chịu chung cảnh ngộ với Chad. 

Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P nhận định, Trung Đông và Bắc Phi sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do giá lương thực tăng cao và nguồn cung thiếu hụt. Các quốc gia này đang tìm mọi cách để có nguồn cung thay thế trước mắt, cũng như chuyển đổi chính sách phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai. Hiện Liên hợp quốc đang thúc đẩy các cuộc đàm phán để đưa các mặt hàng nông nghiệp của Nga và Ukraine trở lại thị trường và coi đây là giải pháp “hiệu quả duy nhất” trong bối cảnh hiện nay.

BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ LÂY LAN ÂM THẦM - LỜI CẢNH TỈNH CHO NGÀNH Y TẾ TOÀN CẦU
 
Với hơn 643 ca bệnh ở hàng chục quốc gia trên thế giới, những nơi đậu mùa khỉ không phải bệnh đặc hữu, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng “sự xuất hiện đột ngột của bệnh đậu mùa khỉ tại nhiều quốc gia vào cùng một thời điểm cho thấy có thể đã có sự lây truyền chưa được phát hiện trong một thời gian”. Điều này khiến giới chức y tế toàn cầu phải cảnh giác cao độ.
 
Theo nghiên cứu, trình tự gene cho thấy các ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trong năm nay dường như bắt nguồn từ đợt bùng phát gây ra các ca bệnh tại Singapore, Israel, Nigeria và Vương quốc Anh từ năm 2017-2019. Trong khi đó, Giáo sư Michael Worobey, Đại học Arizona (Mỹ) nhận định điều này cho thấy thế giới đã thất bại trong việc kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ ở những khu vực mà bệnh này là bệnh đặc hữu, và không thể ngăn chặn virus gây bệnh ở nguồn lây trước khi lan truyền ra toàn cầu. 
 
Dù các nhà khoa học đã biết về bệnh này từ nhiều thập kỷ trước, nhưng đợt bùng phát mới xảy ra ở những địa điểm mới cho thấy giới chuyên gia cần tiếp tục nghiên cứu kỹ về virus gây bệnh đậu mùa khỉ.
 
TIÊM VACCINE TRONG THAI KỲ GIÚP GIẢM NGUY CƠ LÂY NHIỄM COVID-19 Ở TRẺ SƠ SINH
 
Theo một nghiên cứu được thực hiện ở Na Uy, việc tiêm vaccine COVID-19 trong khi mang thai giúp giảm nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở trẻ sơ sinh. Các nhà nghiên cứu tại Na Uy đã theo dõi 9.739 trẻ có mẹ được tiêm liều thứ hai hoặc thứ ba vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna khi đang mang thai và 11.904 trẻ có mẹ không tiêm phòng trước hoặc trong thai kỳ. 
 
Nhìn chung, việc nhiễm COVID-19 là rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Các nhà nghiên cứu cho rằng trẻ sơ sinh nhận được một loại kháng thể khác từ sữa mẹ và có thể là do các kháng thể có được từ việc cho con bú hoặc do các bà mẹ được tiêm chủng ít có khả năng bị nhiễm COVID-19 và truyền sang con của họ.

Vân Hương