Trung Quốc đẩy nhanh giải mã hộp đen thứ hai của máy bay gặp nạn; Cộng hòa Luhansk tự xưng có thể sẽ trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga; Mỹ và Israel hợp tác về vấn đề hạt nhân Iran;... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 28/03/2022.
Trung Quốc đẩy nhanh giải mã hộp đen thứ hai của máy bay gặp nạn
Thông tin liên quan đến vụ tai nạn máy bay hôm 21/03 vừa qua tại Trung Quốc, giới chức nước này cho biết đang thúc đẩy quá trình giải mã hộp đen thứ hai – thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay - được tìm thấy tại hiện trường, từ đó sớm xác định nguyên nhân vụ tai nạn.
Tại buổi họp báo thông tin về tiến trình điều tra vụ tai nạn máy bay, cơ quan chức năng cho biết, chiếc hộp đen thứ hai của máy bay Boeing 737 gặp nạn thuộc hãng hàng không China Eastern Airlines vẫn giữ được hình dáng nguyên vẹn. Hộp đen này được thu hồi vào khoảng 9:20 phút hôm qua và đã được gửi đến Bắc Kinh để giải mã. Hộp đen thứ hai được tìm thấy cách hiện trường vụ tai nạn khoảng 40 mét, cách mặt đất 1,5 mét. Trước đó, nhà chức trách Trung Quốc đã tìm thấy chiếc hộp đen đầu tiên của máy bay - thiết bị ghi âm buồng lái. Tuy nhiên, thiết bị này được phát hiện trong tình trạng hư hỏng nặng.
Cộng hòa Luhansk tự xưng có thể sẽ trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga
Theo đó, Người đứng đầu nước cộng hòa tự xưng này bày tỏ tin tưởng một cuộc trưng cầu dân ý chắc chắn sẽ diễn ra, mọi người sẽ thực hiện quyền hiến pháp và bày tỏ ý kiến về việc gia nhập Nga. Hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (Đô-nhét) và Luhansk (Lu-han) tuyên bố độc lập khỏi Ukraine vào năm 2014. Các nỗ lực của quân đội Ukraine nhằm giành lại khu vực này bằng vũ lực đã thất bại. Sau đó, các bên ngừng bắn theo các thỏa thuận được ký kết ở Minsk (Min-sk), Belarus (Bê-la-rút). Ngày 21/2 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận chủ quyền cho Donetsk (Đô-nhét) và Luhansk (Lu-han), với lý do Ukraine đã công khai không tuân thủ các thỏa thuận Minsk (Min-sk). Cũng theo Tổng thống Nga, chiến dịch quân sự đặc biệt được Nga tiến hành tại Ukraine từ ngày 24/2 là để đáp lại yêu cầu của các nhà lãnh đạo vùng Donbass.
Mỹ và Israel hợp tác về vấn đề hạt nhân Iran
Cuộc họp báo diễn ra sau cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng nhân chuyến thăm Trung Đông của ông Blinken và trước thềm hội nghị cấp cao giữa ngoại trưởng 6 nước gồm Mỹ, Israel, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Maroc và Ai Cập.
Ngoại trưởng Mỹ ANTONY BLINKEN: “Chúng tôi đều cam kết và xác định rằng Iran sẽ không bao giờ có được vũ khí hạt nhân. Mỹ tin rằng việc quay trở lại thực hiện đầy đủ kế hoạch hành động chung toàn diện là cách tốt nhất để đưa chương trình hạt nhân của Iran quay trở lại điểm khởi đầu. Nhưng dù có thỏa thuận hạt nhân hay không, thì nguyên tắc của chúng tôi về việc Iran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân là không thể lay chuyển. Và chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Israel về vấn đề này.”
Ngoại trưởng Israel YAIR LAPID: “Chúng tôi có những bất đồng về thỏa thuận hạt nhân Iran và những tác động của nó, nhưng đối thoại cởi mở và chân thành là một phần trong sức mạnh của tình bạn giữa chúng tôi. Israel và Mỹ sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để ngăn ngừa một Iran với vũ khí hạt nhân.”
Hiện việc “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc phương Tây được kỳ vọng sẽ mở ra hướng giải quyết cho vấn đề hạt nhân Iran, tuy nhiên, theo đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Iran Robert Malley, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại.
Ông ROBERT MALLEY - Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Iran: “Chúng ta đã khá gần với một thỏa thuận, nhưng chúng ta đã tiến gần tới việc đạt được thỏa thuận một thời gian rồi. Điều đó cho chúng ta thấy rằng khó khăn liên quan đến những vấn đề còn tồn đọng.”
Trong khi đó, theo các chuyên gia, mấu chốt để đạt được thỏa thuận hạt nhân nằm ở phía Mỹ và quan trọng là Washington phải loại bỏ Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran khỏi danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài.
Ông KAMAL KHARRAZI - Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại chiến lược Iran: “Đúng là thỏa thuận đã gần đạt được nhưng nó phụ thuộc vào ý chí chính trị của Mỹ, chính Mỹ đã rút ra khỏi thỏa thuận này. Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran là quân đội quốc gia và không thể bị liệt vào danh sách khủng bố. Đây chắc chắn là điều không thể chấp nhận được và là điều rất quan trọng đối với người dân Iran.”
Trong khi đó, Mỹ cho biết sẽ duy trì lệnh trừng phạt nhằm vào Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) kể cả khi các bên đạt được thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
Australia cần nâng cao cảnh giác với dịch cúm sau Covid-19
Số ca nhiễm cúm ở mức thấp vào năm 2021 được cho là nhờ các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Tuy nhiên, dịch cúm sẽ trở lại Australia trong năm 2022 và được dự báo ở mức độ thấp đến vừa phải. Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng miễn dịch tự nhiên của người dân Australia đối với cúm mùa có thể đã suy giảm trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành. Chính vì vậy, cơ quan chức năng Australia đang hối thúc người dân đi tiêm chủng để bảo vệ hệ thống y tế nước này, phòng ngừa nguy cơ cùng lúc phải ứng phó với 2 dịch bệnh. Chương trình tiêm phòng cúm quốc gia của Australia dự kiến sẽ được triển khai vào ngày 4/4 tới.