Điểm báo quốc tế ngày 21/03: Khai mạc Đại hội đồng IPU 144

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 144 và các cuộc họp liên quan đã chính thức khai mạc tại Bali của Indonesia. Chủ đề của IPU thứ 144 là “Hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 - Quốc hội tham gia hành động về vấn đề biến đổi khí hậu”

Khai mạc Đại hội đồng IPU 144

Trang mạng tờ Tempo (Indonesia) đưa tin Đại hội đồng IPU sẽ đề cập đến một loạt các vấn đề nóng và cấp thiết, trong đó có tình hình tại Ukraine. Các đại biểu cũng sẽ thông qua nghị quyết về chủ đề khẩn cấp cũng như nghị quyết về “Tư duy và định hình lại quan điểm về các tiến trình hòa bình nhằm củng cố hòa bình bền vững” và “Ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy giáo dục trong thời kỳ đại dịch”. 

Áo công bố gói trợ giá năng lượng 2 tỷ EURO

Theo tin trên trang Bloomberg, các biện pháp bao gồm giảm nửa giá vé phương tiện công cộng, cắt giảm 90% giá điện và khí đốt tự nhiên đến giữa năm 2023 và tăng trợ cấp cho người lao động với tổng trị giá 400 triệu euro. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ các công ty bằng cách trì hoãn một số khoản thuế phải nộp và cung cấp 250 triệu euro hỗ trợ đầu tư, giúp giảm bớt sự phụ thuộc năng lượng khí đốt của Nga. 

Học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng tâm lý học sinh

Bài viết lấy đẫn chứng về Asher, 11 tuổi là một học sinh mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn thách thức chống đối. Học trực tuyến kéo dài khiến e gặp bất ổn về mặt tâm lý khi thỉnh thoảng lại tỏ ra ủ rũ, la hét và có những hành động đập phá vào buổi tối. Theo một chuyên gia về tâm thần học, mức độ căng thẳng ở các bậc phụ huynh cũng tăng lên khi họ phải đồng thời vừa chăm sóc con và làm việc tại nhà. Trường hợp các gia đình tìm kiếm sự giúp đỡ tâm lý từ các chuyên gia đã tăng 20% sau 2 năm đại dịch covid-19.  

Mạng xã hội và cuộc xung đột Nga - Ukraine

Với tiêu đề “Xung đột, góc nhìn của một thiếu niên Ukraine, phát trực tiếp trên TikTok”, bài viết trên báo Forbes đăng tải câu chuyện của Veronica Khomenko, 16 tuổi. Em là một trong những người dân Ukraine ở lại đất nước mình, sử dụng TikTok, cùng các nền tảng truyền thông xã hội khác để cập nhật tình hình xung đột. Bài viết nhận xét " Họ cung cấp những hình ảnh, thông tin mà các hãng tin tức không thể nào tiếp cận được".

Tuy nhiên, một bài viết trên The Guardian thì đánh giá, các tính năng cốt lõi của TikTok cho phép người dùng tải lên các video không cần xác minh nguồn gốc, đã gây ra một sự bùng nổ về thông tin sai lệch và thông tin xuyên tạc, gây nhiễu loạn thông tin. Do vậy, TikTok, cũng giống như nhiều công ty truyền thông xã hội khác, đã cải tiến và thêm một số tính năng để giúp người dùng đánh giá và đưa ra quyết định về nội dung trực tuyến.

Tình hình tại Ukraine đã buộc những gã khổng lồ truyền thông xã hội phải làm một điều mà chưa bao giờ có thể xảy ra, đó là từ bỏ đặc tính tự do ngôn luận của mình và chọn đứng về một phía trong cuộc xung đột này. Đây cũng là nội dung được tờ Politico đăng tải với tiêu đề “Các phương tiện truyền thông bước vào một cuộc chiến”. Những lời kêu gọi đến từ các nhà lãnh đạo Ukraine, châu Âu và nhiều nơi khác đã dẫn đến những tranh luận gay gắt trong nội bộ các công ty về việc liệu họ có phản bội cam kết tự do ngôn luận của mình nếu cấm các phương tiện truyền thông của Nga hay không. Bài viết cũng nhận định hệ lụy đi kèm sẽ "lâu dài". 
 

Ngọc Anh