Điểm báo Quốc tế 14/08: Thượng đỉnh Mỹ - Trung có thể diễn ra vào tháng 11

Tờ The Strait Times cho hay các quan chức ngoại giao Trung Quốc và Mỹ đã hé lộ khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo 2 nước vào tháng 11 tới tại Đông Nam Á.

THƯỢNG ĐỈNH MỸ-TRUNG CÓ THỂ DIỄN RA VÀO THÁNG 11

Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến tham gia hội nghị G20 tại Bali trong ngày 15 và 16 tháng 11, sau đó sẽ đến Bangkok để tham dự hội nghị Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC. 2 nhà lãnh đạo có khả năng gặp nhau bên lề 2 hội nghị này. Trước đó, trong cuộc điện đàm hồi tháng trước, 2 nhà lãnh đạo đã trao đổi về một cuộc gặp trực tiếp. 

NHIỀU CHÍNH TRỊ GIA NHẬT BẢN CÓ LIÊN HỆ VỚI GIÁO HỘI THỐNG NHẤT 

Tiếp tục có thêm các thành viên nội các của thủ tướng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida được cho là có mối liên hệ với Giáo hội thống nhất, tổ chức tôn giáo đã thu hút sự chú ý sau vụ ám sát cựu thủ tướng Abe Shinzo. 

Thông tin từ Japan Times cho hay, ít nhất 20 nhà lập pháp được bổ nhiệm cấp phó trong nội các mới có liên quan tới tổ chức nói trên. Điều này đang gây ra tác động tới sự ủng hộ của người dân. Trước đó, Thủ tướng Kishida đã yêu cầu quá trình chuẩn bị nhân sự cho nội các mới cần phải rà soát nghiêm ngặt  mối quan hệ cá nhân của từng ứng cử viên với tổ chức tôn giáo này. 

CÁC CON SÔNG TẠI CHÂU ÂU CẠN KIỆT NƯỚC

Châu Âu đang đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 500 qua, gây thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường và kinh tế. 

Theo tờ The Guardian, trên khắp Châu Âu, hạn hán đang làm giảm mực nước tại các con sông, tác động nghiêm trọng đối với nhiều ngành công nghiệp, vận tải hàng hóa, năng lượng và sản xuất lương thực. Dưới tác động bởi biến đổi khí hậu, mùa đông và mùa xuân đã trở nên khô hạn bất thường, nhiệt độ mùa hè đạt ngưỡng kỷ lục cùng các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại đã khiến các tuyến đường thủy thiết yếu của châu Âu trở nên khô hạn và quá nóng. 

CÁC HÃNG HÀNG KHÔNG CHẬM ĐẠT MỤC TIÊU GIẢM PHÁT THẢI CO2

Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, ngành hàng không hiện đang gây ra từ 2 đến 3% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Các cam kết cắt giảm khí thải của ngành này hiện đang được thực thi hết sức chậm chạp.   

Tờ Brussels Times cho biết, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), tổ chức tập hợp đại đa số các hãng hàng không và dịch vụ vận tải hàng hóa đường không đã cam kết giảm lượng khí thải CO2 ròng xuống 0% vào năm 2050. Hiện tại, ngành hàng không vẫn đang dựa vào những cải tiến về công nghệ và cơ sở hạ tầng để đạt mục tiêu này. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, tất cả những cải tiến công nghệ chỉ có thể giúp ngành này đạt được gần một nửa mục tiêu đề ra. 

MƯA LŨ BỘC LỘ KHOẢNG CÁCH GIÀU NGHÈO Ở HÀN QUỐC

Vừa qua thành phố Seoul (Sơ un) thủ đô Hàn Quốc đã trải qua mưa lũ nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ. Ngập lụt đã hé lộ khoảng cách giàu nghèo lớn, khi những người sống trong các căn hộ bán ngầm chịu thiệt hại nặng nề, thậm chí mất mạng. Sau trận mưa lũ này, chính quyền thành phố Seoul đã quyết định loại bỏ các loại hình nhà ở này do các lo ngại về an toàn. 

Trang The Korea Herald đưa tin, nhà ngầm hoặc bán ngầm là loại hình nhà ở vô cùng phổ biến tại Seoul, với khoảng 95% tổng số các căn hộ ngầm và bán ngầm là ở thành phố này.

Năm 2012, Hàn Quốc ban hành đạo luật trong đó cấm việc xây dựng thêm các loại hình nhà ở ngầm dưới đất hoặc bán ngầm song các tổ hợp căn hộ và nhà ở theo thể loại này vẫn được thi công do tận dụng các lỗ hổng trong hệ thống pháp luật Hàn Quốc.

Thị trưởng thành phố Seoul cho rằng cấu trúc nhà bán ngầm có thể đe dọa đến tính mạng người ở và cần phải được loại bỏ. Tuy nhiên đối với các cư dân hiện đang sinh sống trong các căn hộ bán ngầm thì việc di dời không phải lựa chọn mà ai cũng có thể đưa ra. 

Trong một bài phân tích khác về nguyên do và tác động của việc loại bỏ các loại hình căn hộ ngầm và bán ngầm tại Seoul trên trang CNN, tác giả đã đưa ra nhận định về các đặc điểm của loại hình nhà ở này bao gồm khả năng thông gió và thoát nước kém, rò rỉ nước, thiếu lối thoát hiểm và sự xâm nhập của côn trùng cùng với vi khuẩn. Tác giả bài viết cũng đánh giá các thay đổi sắp tới trong công tác quản lý cơ sở hạ tầng nhà ở do chủ trương loại bỏ loại hình nhà ở này của Seoul sẽ khiến những đối tượng có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt cao khiến khoảng cách giàu nghèo ở Hàn Quốc ngày càng trở rộng hơn, điều này được cho là sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách tại Hàn Quốc. 

Anh Tuấn