Cụm tin quốc tế ngày 10/08: Thủ tướng Nhật Bản cải tổ nội các sâu rộng

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tiến hành cải tổ Nội các, trong nỗ lực thiết lập một bộ máy mới nhằm thúc đẩy những chính sách đối nội, đối ngoại quan trọng của nước này thời gian tới, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động bởi đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, mâu thuẫn giữa các cường quốc lớn có xu hướng gia tăng

Trong cuộc cải tổ Nội các đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản chỉ giữ lại 5 vị trí chủ chốt và bổ sung thêm 9 gương mặt mới lần đầu tiên có mặt trong bộ máy chính phủ. Đáng chú ý, ông Kishida đã quyết định đưa Hạ nghị sĩ Yasukazu Hamada - người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong giai đoạn 2008-2009, trở lại vị trí này thay cho ông Nobuo Kishi, người sẽ đảm nhiệm vị trí cố vấn đặc biệt của Thủ tướng về các vấn đề an ninh quốc gia.

Danh sách Nội các mới dự kiến sẽ được Nhật hoàng Naruhito phê chuẩn, sau đó, các thành viên trong Nội các mới sẽ tuyên thệ nhậm chức.

CĂNG THẲNG MỸ - TRUNG CHƯA SỚM HẠ NHIỆT

Liên quan đến tình hình trên eo biển Đài Loan, nhiều tờ báo lớn trên thế giới hôm nay đề cập đến một dự luận mang tên Chính sách Đài Loan (Trung Quốc) đang được đệ trình ở Mỹ. Trong khi đó, hôm nay Trung Quốc công bố Sách trắng về vấn đề Đài Loan, lần thứ 3 kể từ năm 1993. Những động thái này dự báo căng thẳng Mỹ, Trung Quốc xung quanh vấn đề Đài Loan sẽ chưa sớm hạ nhiệt.

TỪ “SÁCH TRẮNG VỀ VẤN ĐỀ ĐÀI LOAN”…

 Hôm nay, Trung Quốc công bố Sách Trắng thứ 3 về vấn đề Đài Loan, trong đó khẳng định mạnh mẽ việc không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực trong vấn đề này.

Đây là Sách Trắng thứ 3 về vấn đề Đài Loan được Trung Quốc phát hành kể từ năm 1993, nhằm tiếp tục tái khẳng định một thực tế và hiện trạng rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Sách Trắng khẳng định, nguyên tắc Một Trung Quốc là đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế, và Đài Loan là một phần của Trung Quốc không thể chối cãi.

Sách Trắng cũng nhấn mạnh, “thống nhất trong hòa bình và một quốc gia, hai chế độ” là phương châm cơ bản trong giải quyết vấn đề Đài Loan và là cách tiếp cận tốt nhất để thực hiện thống nhất đất nước. Tuy nhiên Trung Quốc “sẽ không để bất kỳ khoảng trống nào” cho các hoạt động ly khai đòi “Đài Loan độc lập”, “không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực và bảo lưu lựa chọn thực hiện mọi biện pháp cần thiết, nhằm vào sự can thiệp của các thế lực bên ngoài và thiểu số các phần tử ly khai đòi ‘Đài Loan độc lập’ và các hoạt động ly khai”, nhấn mạnh “phương thức phi hòa bình sẽ là biện pháp cuối cùng được thực hiện trong trường hợp bắt buộc”.

Như vậy, Sách Trắng của Trung Quốc đã khẳng định sẽ mạnh tay đối với các thế lực bên ngoài can thiệp vào vấn đề Đài Loan, động thái được giới phân tích đánh giá là nhằm vào Mỹ trong bối cảnh Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vừa tới thăm hòn đảo này.

 ĐẾN “DỰ LUẬT CHÍNH SÁCH ĐÀI LOAN (TRUNG QUỐC)”

Cùng lúc Trung Quốc công bố Sách Trắng, truyền thông quốc tế hôm nay liên tục nhắc đến Dự luật Chính sách Đài Loan (Trung Quốc) về nâng cấp quan hệ với hòn đảo này. Dù vậy tờ South China Morning Post đưa tin, để tránh leo thang khủng hoảng hơn nữa với Bắc Kinh, Nhà Trắng đang cố trì hoãn việc thông qua Dự luật này.

Được ca ngợi là “sự tái cấu trúc toàn diện nhất chính sách của Mỹ đối với Đài Loan (Trung Quốc)” từ khi Bắc Kinh và Washington thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979, dự luật đề ra mục tiêu tăng cường năng lực quân sự cho Đài Bắc với gói viện trợ an ninh trị giá 4,5 tỷ USD và hỗ trợ Đài Bắc tham gia các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, phần gây chú ý nhất trong dự luật là đề xuất coi Đài Loan (Trung Quốc) là “một đồng minh lớn ngoài NATO”, nghĩa là Đài Loan sẽ trở thành một trong những đối tác toàn cầu gần gũi nhất của Mỹ, đặc biệt trong hợp tác thương mại và an ninh. Theo phân tích của các chuyên gia, điều này “sẽ tương đương với việc công nhận chủ quyền của Đài Loan”, nghĩa là Mỹ sẽ từ bỏ hoàn toàn chính sách Trung Quốc lâu nay của họ. 

Kể từ khi được giới thiệu vào tháng 6 năm nay, dự luật này đã bị trì hoãn nhiều lần do lo ngại nếu được thông qua có thể đẩy quan hệ giữa hai nước Mỹ - Trung xuống rất thấp. 

NỔ LỚN TẠI CRIMEA

Các quan chức hàng đầu chính quyền bán đảo Crưm mà Nga sáp nhập năm 2014 vừa lên tiếng xác nhận một vụ nổ lớn ở một căn cứ không quân ở quận Saki, tuy nhiên bác bỏ thông tin cho rằng chính quyền Crưm đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày sau vụ việc.

Hãng thông tấn RIA dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vụ nổ xảy ra ở căn cứ quân sự tại Crưm là do nổ đạn dược, song không gây thương vong. Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin căn cứ bị tấn công, đồng thời khẳng định, không có một thiết bị quân sự nào bị hư hại sau vụ việc.

Trước đó, truyền thông Ukraine đưa tin, người đứng đầu chính quyền Crưm đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Các nhân chứng gần hiện trường cho biết đã nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn, trong khi nhiều cột khói đen bốc lên từ căn cứ này.

Anh Tuấn