Cụm tin quốc tế 8/8: Trung Quốc sẽ tập trận thường xuyên gần eo biển Đài Loan

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp về tình hình ở Dải Gaza; Trung Quốc sẽ tập trận thường xuyên gần eo biển Đài Loan; Ukraine điều tra gần 26.000 trường hợp nghi tội phạm chiến tranh; Ngoại trưởng Mỹ công du châu Phi; Hạn hán lịch sử đe dọa làm cạn kiệt nguồn nước... là những tin tức quốc tế đáng chú ý sáng 8/8.

HỘI ĐỒNG BẢO AN LHQ SẼ HỌP VỀ TÌNH HÌNH Ở DẢI GAZA

Hội đồng Bảo an LHQ có thể sẽ nhóm họp để thảo luận về tình hình đang diễn ra tại Dải Gaza vào ngày hôm nay. Trước đó, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực sau khi Israel tiến hành không kích dải Gaza.  

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Trung Quốc, Pháp, Ireland và Na Uy đã đề xuất đưa vấn đề trên vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an LHQ. Bộ Y tế Palestine cho biết ít nhất 24 người Palestine đã thiệt mạng và 203 người khác bị thương do những cuộc không kích của quân đội Israel nhằm vào Dải Gaza trong chiến dịch Hừng Đông. Sau những cuộc không kích của Israel, ông Ziyad Nakhalah - thủ lĩnh phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) đe dọa sẽ trả đũa bằng cách tiến hành 1 cuộc tấn công bằng tên lửa vào thành phố Tel Aviv. Israel đã ban bố tình trạng khẩn cấp và sau đó đẩy lùi những cuộc tấn công bằng rocket, trong khi tiếp tục tiến hành các hoạt động không kích mới nhằm vào Dải Gaza.

TRUNG QUỐC SẼ TẬP TRẬN THƯỜNG XUYÊN GẦN EO BIỂN ĐÀI LOAN

Theo truyền thông Trung Quốc, quân đội nước này sẽ tiến hành các cuộc tập trận "thường xuyên" ở phía đông đường trung tuyến của eo biển Đài Loan. 

Đường trung tuyến ở eo biển hẹp giữa đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục là đường kiểm soát không chính thức mà máy bay quân sự và chiến hạm của hai bên thường không vượt qua. Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, đường trung tuyến chưa bao giờ được công nhận về mặt pháp lý và do quân đội Mỹ đặt ra cho các yêu cầu chiến đấu của họ trong thế kỷ trước.  

IAEA CẢNH BÁO THẢM HỌA HẠT NHÂN TẠI NHÀ MÁY ZAPORIZHZHIA

IAEA đã kêu gọi ngừng ngay các hành động thù địch gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine sau khi nhà máy này bị pháo kích, dẫn đến việc đóng cửa một trong các lò phản ứng. 

IAEA đề nghị cử một nhóm chuyên gia đến thăm nhà máy, để đánh giá và bảo vệ khu vực này. Phái đoàn sẽ tiến hành các hoạt động xác minh thiết yếu tại nhà máy, cung cấp thiết bị an toàn và an ninh hạt nhân. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, IAEA sẽ yêu cầu sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, cũng như "sự hợp tác, hiểu biết và tạo điều kiện thuận lợi" từ cả Mátxcơva và Kiev. Kiev đã cáo buộc các lực lượng Nga tàng trữ vũ khí hạng nặng và tiến hành các cuộc tấn công từ nhà máy mà họ đã tiếp quản vào đầu tháng 3 và vẫn đang chiếm đóng. Trong khi đó, Moscow tuyên bố quân đội Ukraine đang nhắm vào khu phức hợp này. 

UKRAINE ĐIỀU TRA GẦN 26.000 TRƯỜNG HỢP NGHI TỘI PHẠM CHIẾN TRANH

Ukraine đang điều tra gần 26.000 trường hợp nghi ngờ tội phạm chiến tranh kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này. 135 người đã bị buộc tội.

Ông Yuriy Bilousov, người đứng đầu bộ phận tội phạm chiến tranh của Văn phòng Tổng công tố Ukraine cho biết trong số những người bị buộc tội, khoảng 15 người đang bị Ukraine giam giữ và 120 người còn lại vẫn được tự do. Theo ông 13 trường hợp đã được đệ trình lên tòa án và 7 bản án đã được ban hành.

Ông YURIY BILOUSOV, Văn phòng Tổng công tố Ukraine: "Nếu nói về các trường hợp tội phạm chiến tranh, có gần 26.000 vụ. Và chúng tôi có 135 cáo buộc. Đó là sơ bộ, không phải là một vụ án đã được gửi đến tòa án, nhưng chúng tôi đã chính thức buộc tội họ."

Vào tháng 5, một người lính Nga 21 tuổi bị bắt đã trở thành người đầu tiên bị kết án trong một phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh ở Ukraine kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Anh ta bị kết án tù chung thân vì giết một thường dân không vũ trang.

NGOẠI TRƯỞNG MỸ CÔNG DU CHÂU PHI

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Nam Phi, bắt đầu chuyến công du 3 nước châu Phi. Đây là lần thứ hai, ông Blinken công du châu Phi kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm 2021. 

Điểm dừng chân đầu tiên của ông Blinken là Nam Phi. Sau Nam Phi, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới Cộng hòa Congo và Rwanda. Đến CH Congo, ông Blinken muốn thúc đẩy hỗ trợ quốc gia lớn nhất vùng phía Nam sa mạc Sahara đang chật vật tìm cách thoát khỏi tình trạng xung đột liên miên kéo dài nhiều thập kỷ qua. Rwanda là điểm dừng chân cuối cùng của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du châu Phi lần này. Nước này và nước láng giềng Cộng hòa Congo cũng đang trong tình trạng căng thẳng leo thang vì cáo buộc ủng hộ khủng bố. 

HẠN HÁN LỊCH SỬ ĐE DỌA LÀM CẠN KIỆT NGUỒN NƯỚC

Pháp đang trải qua trận hạn hán lịch sử, nguồn nước đang dần cạn kiệt. Nhiều tỉnh thành tại nước này đã ban hành các sắc lệnh hạn chế sử dụng nước.

Hạn hán đang ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực đất liền của nước Pháp. Trong tháng 7, lượng mưa tại quốc gia này chỉ đạt 0,38 inch, chạm mức khô nhất được ghi nhận kể từ tháng 3/1961. Theo số liệu mới được giới chức Pháp công bố, 93/96 tỉnh thành tại Pháp đã ban hành các sắc lệnh hạn chế sử dụng nước, với quy định cấm sử dụng nước để tưới cỏ, rửa xe và canh tác.

Ông FLORIAN HORTOLA, Cơ quan Khí tượng quốc gia Pháp Meteo France: "Chúng tôi đang chứng kiến mức hạn hán kỷ lục. Chúng tôi chưa bao giờ thấy mặt đất khô như lúc này. Trong những ngày tới cũng như trong tuần tới, chúng tôi vẫn dự đoán thời tiết khắc nghiệt trên khắp đất nước, không có mưa và do đó, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc đợt hạn hán này."

Nhiều người lo ngại hạn hán kéo dài và những hệ quả kéo theo sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh lương thực vốn đã rất nghiêm trọng ở châu Âu. Hạn hán sẽ làm giảm năng suất cây trồng trong năm nay. Với việc nhập khẩu từ Ukraine và Nga đã giảm hơn nhiều so với bình thường, dự báo giá lương thực còn tăng cao hơn nữa.

Vân Hương