Cụm tin quốc tế 7/5: Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine

Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine vì điều này không phù hợp với nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt; Hungary không ủng hộ gói trừng phạt Nga của EU; Đức cảnh báo nguy cơ cạn kiệt xăng dầu; Australia thử nghiệm tiêm mũi tăng cường phòng Covid-19 liều thấp; Chim cánh cụt hoàng đề đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý sáng 7/5/2022.

Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine vì điều này không phù hợp với nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt

Đây là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaisev. Ông Zaisev khẳng định Nga giữ vững nguyên tắc, theo đó trong chiến tranh hạt nhân sẽ không có bên chiến thắng vì vậy không được phép khơi mào chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, ông Zaisev nhấn mạnh Nga cần phải sẵn sàng với mọi diễn biến tình hình trong không gian truyền thông cũng như trên thực địa.

Hungary không ủng hộ gói trừng phạt Nga của EU

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, Hungary không thể ủng hộ gói trừng phạt mới của Liên minh Châu Âu, bao gồm lệnh cấm vận nhập khẩu dầu của Nga.

Thủ tướng Orban cho rằng đề xuất hiện tại của Ủy ban Châu Âu cấm nhập khẩu dầu của Nga sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế Hungary và quốc gia này sẽ không có đủ thời gian để thích nghi. Hungary sẵn sàng đàm phán nếu thấy một đề xuất mới đáp ứng được lợi ích của Hungary.

Thủ tướng Hungary VIKTOR ORBAN: "Chúng tôi biết chính xác những gì chúng tôi cần, trước hết chúng tôi cần 5 năm để hoàn thành toàn bộ quá trình chuyển đổi này. 1-1,5 năm là không đủ. Sau đó, chúng tôi cần tiền để thay đổi các nhà máy lọc dầu và chúng tôi cần vài nghìn tỷ Forints để thay đổi hệ thống giao thông năng lượng của Hungary. Chúng tôi không có tiền cho việc này.”

Liên minh Châu Âu hôm thứ Tư 4/5 vừa qua đã đề xuất gói trừng phạt cứng rắn nhất đối với Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine, nhưng một số quốc gia lo lắng về tác động của việc cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga đã cản trở thỏa thuận. Thủ tướng Hungary cho biết quốc gia này đang chờ một đề xuất mới có lợi cho họ hơn từ Ủy ban Châu Âu.

Đức cảnh báo nguy cơ cạn kiệt xăng dầu

Bộ Kinh tế Liên bang Đức cảnh báo miền Đông nước này sẽ đối mặt với tình trạng cạn kiệt xăng, dầu nếu như EU thông qua lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia EU đang chuẩn bị bỏ phiếu về đề xuất loại bỏ dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga trong vòng 6 tháng vào cuối năm nay. Biện pháp này là một phần của vòng trừng phạt mới nhất nhằm vào Moskva liên quan đến tình hình ở Ukraine.

Chính phủ Đức không đồng tình với việc loại bỏ hoàn toàn dầu Nga và đang nỗ lực để đảm bảo điều đó không xảy ra. Miền Đông Đức đang sử dụng nguồn nhiêu liệu do nhà máy lọc dầu Schwedt cung cấp. Đáng chú ý, nơi đây hoạt động hoàn toàn bằng nguồn nhập khẩu của Nga. Schwedt là một trong những cơ sở chế biến dầu thô lớn nhất ở Đức và cung cấp 90% lượng xăng, dầu diesel và dầu nhiên liệu được sử dụng ở Berlin và bang Brandenburg.

Australia thử nghiệm tiêm mũi tăng cường phòng Covid-19 liều thấp

Một cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với tiêm mũi tăng cường vaccine phòng Covid-19 liều lượng thấp quy mô toàn cầu chuẩn bị được triển khai ở bang Victoria của Australia. Cuộc thử nghiệm này nhằm củng cố hệ miễn dịch, giúp giảm các tác dụng phụ và đảm bảo nguồn cung vaccine dồi dào.  

Theo kế hoạch, sẽ có 3.800 tình nguyện viên  từ các nước Australia, Indonesia, Mông Cổ tham gia chương trình thử nghiệm mũi tăng cường liều thấp quy mô lớn này. Người phụ trách chương trình cho rằng, cuộc thử nghiệm này sẽ đánh giá cách thức tốt nhất để tiêm các mũi tăng cường cho người dân và khoảng cách giữa các mũi tăng cường sau này. Cuộc thử nghiệm không chỉ cho phép các nước đảm bảo nguồn cung vaccine và giảm chi phí mà còn có thể hiểu hơn về các phản ứng phụ trong trường hợp tiêm liều lượng thấp.

Chim cánh cụt hoàng đế đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng

Hiện tượng trái đất nóng lên đang khiến cho loài chim cánh cụt hoàng đế suy giảm số lượng cá thể nghiêm trọng, thậm chí đối mặt với nguy cơ "gần như tuyệt chủng" chỉ trong vòng 30-40 năm nữa.

Không giống như loài chim cánh cụt thông thường, chim cánh cụt hoàng đế sinh sản trên băng biển. Với tốc độ tan băng tan nhanh, mưa bất thường và khí hậu nóng lên ở nam cực, loài chim này sẽ không còn môi trường thích hợp để sinh sản. 

Bà MARCELA LIBERTELLI, nhà sinh vật học Viện Nam Cực Argentina: “Khi nền băng mất đi sự ổn định, những con chim cánh cụt nhỏ - những con đang lớn, không thể tồn tại ở biển vì chúng chưa mọc lông. Mặt băng mới là nơi sinh sống của chúng. Nếu các mặt bằng này vỡ ra và nước tràn tới, chúng sẽ chết vì lạnh và chết đuối.”

Tình trạng trên đã xảy ra với loài cánh cụt hoàng đế ở biển Weddell, trong ba năm qua, tất cả những con chim cánh cụt hoàng đế con sinh ra đều chết. Vào đầu tháng 4/2022, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã cảnh báo về nhiệt độ khắc nghiệt hơn, tình trạng mưa bất thường và trượt băng đang xảy ra rất nhanh ở Nam Cực.

Bá Hiệp