Cụm tin quốc tế 3/8: Phản ứng trái chiều quanh chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi

Phản ứng trái chiều quanh chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi; Trừng phạt kinh tế: Đòn đáp trả mạnh mẽ của Trung Quốc; Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55; Thượng viện Mỹ bỏ phiếu về việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển; Nga bảo vệ "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukriane; Tia hy vọng trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu... là những tin tức quốc tế nổi bật tối 3/8

PHẢN ỨNG TRÁI CHIỀU QUANH CHUYẾN THĂM ĐÀI LOAN CỦA BÀ PELOSI

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đặt chân tới Đài Loan (Trung Quốc) vào tối ngày hôm qua, chấm dứt những phỏng đoán xung quanh việc bà có thực hiện chuyến đi hay không trước phản ứng gay gắt của Trung Quốc. Đài Loan không nằm trong lịch trình chính thức chuyến thăm châu Á của bà Pelosi, nhưng lại được nhắc đến nhiều nhất, và cũng gây tranh cãi nhất.   

Bước xuống từ chuyến bay được theo dõi gắt gao nhất tối qua, Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi xuất hiện trẻ trung trong trang phục màu hồng.  

Dù đã 82 tuổi, song dường như tuổi tác không ảnh hưởng nhiều đến bà Pelosi, với một lịch trình dày đặc trong chưa đầy một ngày ở Đài Loan (Trung Quốc). Sau bài phát biểu tại cơ quan lập pháp Đài Loan, bà có cuộc gặp với người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn, khẳng định mong muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực an ninh, phát triển kinh tế và chuỗi cung ứng. Ngay chiều nay, bà đã rời Đài Loan. 

Đã 25 năm rồi, mới có một chủ tịch Hạ Viện Mỹ thăm hòn đảo này. 

Và như đã cảnh báo từ trước, Trung Quốc hôm nay đã ngay lập tức thông báo tiến hành các cuộc tập trận quân sự quan trọng và các hoạt động huấn luyện, gồm cả diễn tập bắn đạn thật và bắn tên lửa trong vòng 4 ngày tại 6 khu vực xung quanh đảo Đài Loan. Bắc Kinh cũng triệu hồi Đại sứ Mỹ ngay trong đêm, lên án chuyến thăm bằng những ngôn từ gay gắt nhất.

Bà HOA XUÂN OÁNH, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Cả thế giới đều đã thấy rõ chính những hành động khiêu khích của Mỹ đã dẫn đến những căng thẳng leo thang trên eo biển Đài Loan. Mỹ nên và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này. Họ cần thực hiện đúng cam kết bằng những hành động cụ thể cho thấy họ thật sự tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc.” 

Cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng bày tỏ những lo ngại xung quanh chuyến thăm này và động thái của các bên liên quan.

Ông HIROKAZU MATSUNO, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản: “Vùng biển được Trung Quốc công bố là khu vực diễn tập quân sự từ trưa ngày mai bao gồm Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại với phía Trung Quốc, vì nội dung của các hoạt động quân sự bao gồm các cuộc tập trận bắn đạn thật. Về vấn đề Đài Loan, Nhật Bản luôn duy trì quan điểm các vấn đề sẽ được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại.” 

Bà MARIA ZAKHAROVA, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga: “Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Loan lại là một hành động khiêu khích khác của chính quyền Mỹ, vốn muốn gây thêm áp lực lên Bắc Kinh. Chúng tôi coi việc giải quyết tình hình ở eo biển Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Quốc.” 

Tiếp tục động thái nhằm xoa dịu những quan ngại, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby hôm nay khẳng định, chính sách của Mỹ về “một Trung Quốc” là không hề thay đổi bởi chuyến thăm.

Ông JOHN KIRBY, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ: “Như chúng tôi đã nói, Chủ tịch Hạ viện có quyền đến thăm Đài Loan và Chủ tịch Hạ viện đã đến thăm Đài Loan trước đây mà không xảy ra sự cố nào. Và Hạ viện là một cơ quan độc lập với chính phủ, các bạn đều biết điều đó. Hãy để tôi nói rõ ràng: Chuyến thăm này hoàn toàn phù hợp, không xâm phạm chính sách “một Trung Quốc”. Không có gì thay đổi trong chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ vốn được chỉ dẫn bởi Đạo luật quan hệ Đài Loan, 3 thông cáo chung Mỹ - Trung và 6 Đảm bảo. Chúng tôi phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng từ cả hai phía và chúng tôi không ủng hộ độc lập của Đài Loan.” 

Dù Mỹ liên tục giải thích, nhưng Trung Quốc có lí do để nghi ngờ về việc thay đổi chính sách “một Trung Quốc” của Washington. Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, dù mang tính biểu tượng, song hệ quả là mối quan hệ Mỹ - Trung lại tiếp tục đi xuống. 

TRỪNG PHẠT KINH TẾ: ĐÒN ĐÁP TRẢ MẠNH MẼ CỦA TRUNG QUỐC

Sáng 3/8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo quyết định cấm xuất khẩu cát tự nhiên đến Đài Loan. Quyết định này ngay lập tức có hiệu lực và bắt đầu được thực thi ngay trong ngày. Theo truyền thông Trung Quốc, khoảng 90% lượng cát tự nhiên nhập khẩu của Đài Loan đến từ đại lục. Hải quan Trung Quốc cũng thông báo sẽ tạm dừng nhập khẩu một số thực phẩm từ Đài Loan từ ngày hôm nay.
Trung Quốc cũng cấm 2 quỹ tại Đài Loan, gồm Quỹ Dân chủ Đài Loan và Quỹ Hợp tác và Phát triển Quốc tế, cũng như các doanh nghiệp tài trợ cho 2 quỹ này hợp tác tài chính, giao dịch với các tổ chức, công ty, cá nhân ở đại lục, đồng thời cấm phụ trách các doanh nghiệp này nhập cảnh.

Trước đó, tối ngày 1/8, hải quan Trung Quốc đã đưa thêm hơn 2.000 sản phẩm thực phẩm và hơn 100 doanh nghiệp thực phẩm của vùng lãnh thổ này vào danh sách đen, tạm dừng nhập khẩu.

Những động thái trừng phạt kinh tế được Trung Quốc đưa ra ngay lập tức cho thấy, nước này hoàn toàn chủ động trong cuộc chơi, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan. Không chỉ có vậy, với vị thế là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới có nhiều nước phụ thuộc và đang cạnh tranh gay gắt với Mỹ, Trung Quốc cũng có cơ sở để tự tin khi áp đặt các lệnh trừng phạt này. Một khi những biện pháp này tiếp diễn, không chỉ trực tiếp các bên liên quan mà cộng đồng quốc tế cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ông LI CHENG, Chuyên gia kinh tế Viện Brookings: “Thật sự đáng lo ngại. Nếu có điều gì xảy ra, tác động đến cộng đồng quốc tế sẽ gấp 10 lần so với cuộc xung đột Nga - Ukraine, bởi vì đây đều là hai siêu cường. Và Trung Quốc cũng có mối liên hệ với hệ thống kinh tế quốc tế hơn so với Nga, vì vậy, tác động kinh tế sẽ bao trùm toàn thế giới, thị trường chứng khoán và sự ổn định quốc tế của hệ thống kinh tế tài chính sẽ gặp nguy hiểm.”    

Cùng với các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc cũng có thể làm gián đoạn hoạt động vận chuyển ở eo biển Đài Loan, tuyến đường thương mại quan trọng trên toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều vấn đề như hiện nay, không ai mong muốn tình hình trở nên tệ hơn bởi các biện pháp trừng phạt hay trả đũa giữa các cường quốc. 

KHAI MẠC HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO ASEAN LẦN THỨ 55

Hôm nay 3/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) đã khai mạc tại Phnom Penh, Campuchia, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. 

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Campuchia Sam-đếch Hun Sen điểm lại chặng đường phát triển 55 năm của ASEAN với những thành tựu ngoài kỳ vọng, đưa Đông Nam Á trở thành khu vực của sự hợp tác, phát triển và tin cậy. 

Với tinh thần “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức”, ASEAN đã thể hiện quyết tâm cùng vượt qua khó khăn, đặc biệt là thúc đẩy phục hồi sau COVID-19, thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Quan hệ giữa ASEAN với các đối tác cũng được mở rộng và làm sâu sắc hơn với việc nâng cấp quan hệ đối tác gần đây.

THƯỢNG VIỆN MỸ BỎ PHIẾU VỀ VIỆC GIA NHẬP NATO CỦA PHẦN LAN VÀ THỤY ĐIỂN

Thượng viện Mỹ hôm nay dự kiến sẽ tranh luận và bỏ phiếu nhằm đưa ra quyết định việc nước Mỹ có chấp thuận yêu cầu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của 2 nước Phần Lan và Thụy Điển hay không.

Phiên tranh luận của Thương viện được dự kiến sẽ diễn ra lúc 1:30 phút chiều giờ địa phương (tức đêm nay theo giờ VN), các thượng nghị sĩ sẽ đưa ra quan điểm của minh để từ đó tiến tới quyết định cuối cùng của nước Mỹ.

Ông CHUCK SCHUMER, Lãnh đạo đa số Thượng Viện Mỹ: “Tôi sắp chốt một thỏa thuận cho phép Thượng viện thông qua nghị quyết phê chuẩn các đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Liên minh NATO là nền tảng đã đảm bảo nền dân chủ tại phương Tây kể từ Thế chiến thứ hai. Điều này tăng cường sức mạnh cho NATO.” 

Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, điều này đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ 2 quốc gia này giữ quan điểm trung lập.

Trong tháng 7, các quốc gia thành viên khi NATO đã ký hiệp định thư nhất trí kết nạp 2 nước Thụy Điển và Phần Lan. Đây là sự bổ sung thành viên lớn nhất của liên minh quân sự này kể từ năm 1990. Việc kết nạp thành viên của liên minh quân sự này cần có sự đồng thuận của 30 nước thành viên và cần phải trải qua nhiều thủ tục, thời gian cần thiết để chính thức trở thành thành viên NATO là 8 đến 12 tháng song Thụy Điển và Phần Lan có thể sẽ được kết nạp sớm hơn do các lo ngại về an ninh khu vực. 

NGA BẢO VỆ "CHIẾN DỊCH QUÂN SỰ ĐẶC BIỆT" TẠI UKRIANE

Phát biểu tại Hội nghị rà soát Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Nga khẳng định chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là hành động chính đáng đồng thời khẳng định sẽ không xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Đại diện Nga khẳng định mục đích của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là động thái cần thiết và chính đáng, điều này được thực hiện nhằm đối phó với các hành động Moscow gọi là “tàn bạo” tại Ukraine, nhấn mạnh rằng chiến tranh hạt nhân sẽ không bao giờ xảy ra dưới bất cứ lý do nào.

Ông IGOR VISHNEVETSKY, Phó Giám đốc Cơ quan Quản trị và Kiểm soát khí tài, Bộ Ngoại giao Nga: “Chúng tôi muốn bác bỏ tất cả các cáo buộc chống lại chúng tôi liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Chính quyền hiện tại ở Kiev lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính và ngay lập tức bắt đầu, truy tố và đấu tranh vũ trang chống lại cộng đồng nói tiếng Nga ở khu vực Donbass. Hơn nữa, chính quyền Kiev đã ký Hiệp định Minsk, đây là cách duy nhất để mang lại hòa bình cho vùng đất này, tuy nhiên không có ý định thực hiện nó.” 

Hội nghị Hội nghị Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân diễn ra tại Trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ nhằm thảo luận và ngăn chặn việc phổ cập vũ khí hạt nhân và hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân.

TIA HY VỌNG TRONG CUỘC KHỦNG HOẢNG LƯƠNG THỰC TOÀN CẦU

Hôm nay 3/8, chuyến tàu ngũ cốc đầu tiên rời cảng Ukraine sau 5 tháng kể từ khi nổ ra xung đột với Nga đã đến Thổ Nhĩ Kỳ, chờ để kiểm tra an ninh trước khi đến Li-băng. Hành tình an toàn 3 ngày của con tàu đang thắp lên tia hy vọng cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay.

Ông ANTONIO GUTERRES, Tổng thư ký Liên hợp quốc: “Đây là chuyến tàu đầu tiên, trong số nhiều chuyến tàu thương mại sắp tới, mang lại sự cứu trợ và ổn định cho các thị trường lương thực toàn cầu.” 

Sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra cách đây 5 tháng, việc con tàu đầu tiên chở ngũ cốc Ukraine đã có thể đi qua Biển Đen an toàn, rời cảng Odessa ngày 1/8 để đến Liban theo một thỏa thuận có thể được coi là tia hy vọng trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng.

Chuyến tàu chở ngũ cốc đầu tiên Razoni rời Odessa sau khi Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và phân bón mà Thổ Nhĩ Kỳ cùng Liên hợp quốc làm trung gian. Đây là bước đột phá ngoại giao hiếm hoi trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Ukraine, được coi là vựa ngũ cốc của châu Âu, hy vọng sẽ xuất khẩu 20 triệu tấn hàng còn tồn trong các hầm chứa và 40 triệu tấn từ vụ thu hoạch đang diễn ra.

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKIY: “16 con tàu đang chờ đến lượt khởi hành, và chúng tôi sẵn sàng đóng góp vào việc ổn định thị trường lương thực thế giới. Đối với Ukriane, điều này cũng mang lại lợi ích đáng kể.” 

Các bên Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đều lên tiếng hoan nghênh chuyến tàu chở ngũ cốc từ Ukraine là bước đầu tiên hướng tới từng bước giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.

Hồng Nhung