Cụm tin quốc tế 31/7: Nga tái thiết thành phố cảng Mariupol

Nga tái thiết thành phố cảng Mariupol; WB từ chối hỗ trợ tài chính cho Sri Lanka; Căng thẳng leo thang tại Iraq; Tổng thống Mỹ ban bố tình trạng thảm hoạ tại Kentucky; Lễ hội khinh khí cầu New Jersey... là những tin tức quốc tế đáng chú ý sáng 31/7.

NGA TÁI THIẾT THÀNH PHỐ CẢNG MARIUPOL

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt kế hoạch tổng thể về phát triển và tái thiết thành phố cảng Mariupol, thuộc vùng  Donetsk, miền Đông Ukraine. Một ngày trước đó, bản kế hoạch chi tiết dài 100 trang đã được Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin đề xuất lên tổng thống.

Theo kế hoạch, sẽ mất khoảng ba năm để khôi phục thành phố Mariupol. Quy hoạch dự kiến sẽ tập trung vào xây dựng và sửa chữa các khu chung cư và các công trình hạ tầng xã hội. Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin cho biết dự kiến trong năm nay Nga sẽ sẽ khôi phục 90% cơ sở hạ tầng xã hội, bao gồm nhà trẻ, trường học, bệnh viện. Mariupol từng là tâm điểm trong cuộc xung đột ở Ukraine, khi quân đội Nga  phải mất nhiều ngày mới phá được sự kháng cự ở nhà máy Azovstal. Sắp tới, một số hoạt động tại đây sẽ vẫn được duy trì, tuy nhiên các dây chuyền sản xuất độc hại sẽ phải dừng lại để bảo vệ môi trường sinh thái.

WB TỪ CHỐI HỖ TRỢ TÀI CHÍNH CHO SRI LANKA

Sri Lanka hiện vẫn đang đối diện nhiều khó khăn khi chỉ số lạm phát chạm mức 60.8%. Tình hình còn trầm trọng hơn khi mới đây, Ngân hàng Thế giới đã từ chối hỗ trợ tài chính thêm cho quốc đảo này.

Thông báo chính thức từ Ngân hàng Thế giới cho biết, trừ khi Sri Lanka có khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô đầy đủ, Ngân hàng Thế giới mới lên kế hoạch cung cấp tài chính mới cho quốc gia Nam Á này. Điều này đòi hỏi những cải cách cơ cấu sâu rộng, tập trung vào ổn định kinh tế, đồng thời giải quyết các nguyên nhân cơ cấu gốc đã tạo ra cuộc khủng hoảng này để đảm bảo rằng sự phục hồi và phát triển trong tương lai của Sri Lanka một cách  bền vững và tổng thể.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cho biết giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu như thuốc men, năng lượng khí đốt, lương thực… cho người dân Sri Lanka. Định chế tài chính này đang tái cơ cấu nguồn lực theo các khoản vay hiện có trong danh mục đầu tư của mình. Đến nay, khoảng 160 triệu USD trong số vốn này đã được giải ngân để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết. Ngoài ra, các dự án khác đang triển khai tiếp tục hỗ trợ các dịch vụ cơ bản, cung cấp thuốc và vật tư y tế, bữa ăn cho trẻ em và miễn phí tiền học.

CĂNG THẲNG LEO THANG TẠI IRAQ

Cuộc biểu tình tại Iraq đã nổ ra sau khi liên minh các đảng thân Iran ở Iraq ngày 25/7 đề cử ông Mohammed al-Sudani làm tân thủ tướng thay thế ông Mustafa al-Kadhimi. Tình trạng bất ổn ngày càng leo thang khi dòng người biểu tình đã hai lần xông vào toà nhà Quốc hội trong tuần này.

Dòng người biểu tình hàng trăm người ủng hộ một giáo sĩ dòng Shiite có sức ảnh hưởng lớn, đã xông vào tòa nhà Quốc hội Iraq để phản đối những nỗ lực thành lập chính phủ dẫn đầu là các nhóm thân Iran.

Ông ABBAS FALAH, Người dân Iraq: “Hôm nay phiên họp để lựa chọn tân thủ tướng sẽ không thể được diễn ra. Chúng tôi không ủng hộ ứng viên thuộc các chương trình nghị sự bên ngoài và làm việc dựa trên ngân sách của đảng của mình và không thành lập một chính phủ chăm sóc lợi ích của người dân.” 

Trước tình hình đó, lực lượng an ninh Iraq đã phải dùng tới hơi cay và vòi rồng để đẩy lùi đám đông, khiến một số người bị thương. Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi đã  kêu gọi người dân biểu tình trong hòa bình. Theo đó, những người biểu tình chỉ rời Vùng Xanh gần hai giờ sau đó khi có thông điệp từ ông al-Sadr.

Tình trạng tê liệt đã khiến Iraq không có ngân sách cho năm 2022, buộc phải chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng và cải cách kinh tế rất cần thiết. Dự kiến sau cuộc bầu cử vào tháng 10 sắp tới, giới chức Iraq sẽ thống nhất về một nguyên thủ quốc gia hoặc nội các mới. Chính phủ sắp mãn nhiệm của Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi tiếp tục điều hành đất nước.

TỔNG THỐNG MỸ BAN BỐ TÌNH TRẠNG THẢM HOẠ TẠI KENTUCKY

Chuyển sang nội dung khác. Tại Mỹ, trận lũ lụt nghiêm trọng tại bang Kentucky đã khiến ít nhất 25 người thiệt mạng và phá huỷ nhiều cơ sở hạ tầng công cộng. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban bố tình trạng thảm họa tại bang này.

Giới chức Kentucky cảnh báo số người thiệt mạng trong trận lụt kỷ lục có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn phải hoạt động liên tục, sử dụng thuyền và máy bay trực thăng. Kể từ giữa tuần qua, nhiều người dân đã được lực lượng cứu hộ sơ tán đến nơi an toàn. Tuy nhiên còn nhiều người vẫn chưa được hỗ trợ do đường phố bị ngập. Theo các chuyên gia, trận lũ lụt lịch sử này được xem là hệ quả của quá trình biến đổi khí hậu.

LỄ HỘI KHINH KHÍ CẦU NEW JERSEY

Lễ hội khinh khí cầu lớn nhất Bắc Mỹ lần thứ 39 đang được tổ chức tại Garden State, bang New Jersey của Mỹ với sự tham gia của hàng trăm nghìn người và rất nhiều khinh khí cầu.

Để bay trên các các khinh khí cầu nhiều màu sắc và hình thù khác nhau, du khách có thể trả từ 250 đến 315 đô la Mỹ, tùy thuộc vào các thời điểm trong ngày. Hiện tại thời tiết tại Garden State - nơi diễn ra sự kiện, trời quang mây, gió nhẹ, là thời tiết lý tưởng để các khinh khí cầu hoạt động và đảm bảo an toàn.

Ông HOWARD FREEMAN, Nhà tổ chức lễ hội khinh khí cầu New Jersey lần thứ 39: “Những khinh khí cầu làm đứa trẻ trong tất cả mọi người trỗi dậy. Bạn biết đấy, tôi đã làm việc này lâu rồi. Đây là lần thứ 39 nhưng mỗi khi tôi nghe thấy tiếng thổi khí và những quả bóng bay này bay lên, nó khiến tôi cảm thấy hứng thú.” 

Cơ quan quản lý du lịch bang New Jersey cho biết lễ hội khinh khí cầu hàng năm là sự kiện mùa hè và là lễ hội âm nhạc lớn nhất tại toàn khu vực Bắc Mỹ. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 29-31/7. 

Đinh Phượng