Cụm tin quốc tế 28/9: Đức kéo dài thời gian hoạt động của hai nhà máy hạt nhân

Sự cố rò rỉ 2 đường ống dòng chảy Phương Bắc; Đức kéo dài thời gian hoạt động của hai nhà máy hạt nhân; Kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý tại Ukraine; Mỹ đề cao vai trò của Nhật Bản trong chuỗi cung ứng chip... là những nội dung chính trong cụm tin quốc tế ngày 28/9.

SỰ CỐ RÒ RỈ 2 ĐƯỜNG ỐNG DÒNG CHẢY PHƯƠNG BẮC

Các nước Châu Âu đang tiến hành điều tra các vụ rò rỉ ở 2 đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc, chạy qua vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch. Những tuyến đường ống này hiện là tâm điểm cuộc khủng hoảng năng lượng từ khi Nga bắt đầu mở cuộc tấn công vào Ukraine.

Đường ống dẫn khí đốt dòng chảy Phương Bắc 2 đã đột ngột giảm áp suất trong đêm ngày 26/9 (giờ địa phương). Công ty điều hành đường ống dòng chảy Phương Bắc 2 đã phát hiện một khu vực lớn xuất hiện bong bóng gần Bornholm, hòn đảo của Đan Mạch trên biển Baltic. Các nhà điều hành đường ống dòng chảy Phương Bắc 1 cũng ghi nhận sự sụt giảm áp suất trên cả 2 đường ống khí đốt.

Đan Mạch đã thiết lập khu vực cấm ngoài khơi đảo Bornholm sau vụ rò rỉ khí đốt từ đường ống dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga, nhưng không xác nhận liệu đây có phải là nguyên nhân gây ra việc giảm áp suất hay không.

Ngay sau đó 1 ngày, Cơ quan Hàng hải Thụy Điển đã ban bố cảnh báo về hai vụ rò rỉ trên tuyến đường ống dẫn khí dòng chảy Phương Bắc 1 ở vùng biển Thụy Điển và Đan Mạch. Cả hai đường ống dòng chảy Phương Bắc 1 và 2 vẫn được bơm đầy khí đốt nhưng không vận chuyển nhiên liệu đến Châu Âu.

ĐỨC KÉO DÀI THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG CỦA HAI NHÀ MÁY HẠT NHÂN 

Đức vừa thông báo kế hoạch đặt hai nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của mình làm nguồn dự phòng cho đến năm sau hoặc thậm chí lâu hơn.

Đức đã lên phương án ngừng sản xuất điện hạt nhân vào cuối năm nay nhưng sự suy giảm nguồn cung cấp năng lượng từ Nga do cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến chính phủ phải để hai nhà máy là Isar 2 và Neckarwestheim ở chế độ sẵn sàng hoạt động cho đến tháng 4/2023. Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết tình hình cung cấp điện hạt nhân từ Pháp sẽ là một yếu tố quan trọng trong quyết định cuối cùng về việc có kéo dài tuổi thọ của các nhà máy hay không.

KẾT QUẢ SƠ BỘ CUỘC TRƯNG CẦU DÂN Ý TẠI UKRAINE

Giới chức 4 khu vực của Ukraine, bao gồm Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, Cộng hòa Nhân dân Lugansk (Lu-han) tự xưng ở miền Đông cùng khu vực Kherson và Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine, đã công bố kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga.

Theo số liệu chính thức sau khi hoàn tất kiểm phiếu, ở Lugansk, hơn 98% cử tri ủng hộ sáp nhập vào Nga, tỷ lệ này ở Donetsk là 99%. Cả Zaporizhzhia và Kherson đều đã hoàn tất kiểm phiếu vào cuối ngày 27/9 (theo giờ địa phương), với tỷ lệ ủng hộ sáp nhập vào Nga lần lượt là 93% và 87%.

Quá trình sáp nhập các vùng lãnh thổ mới vào Nga sẽ mất một khoảng thời gian nhất định, vì cần có sự phê chuẩn của Quốc hội và Tổng thống Nga. Cụ thể, theo Hiến pháp và luật pháp Liên bang Nga, sau khi các khu vực có nguyện vọng trở thành một phần của Nga, chính quyền các vùng đó phải đệ đơn đề xuất với Moscow. Tổng thống Nga sau đó sẽ thông báo cho Quốc hội và chính phủ về vấn đề này. Nếu đạt được thỏa thuận chính trị, các dự thảo hiệp ước quốc tế về việc sáp nhập vào Nga sẽ được xây dựng.

Sau khi các hiệp ước được ký kết, Tòa án Hiến pháp Nga sẽ xem xét các hiệp ước đó có phù hợp với luật pháp tối cao của Nga hay không. Nếu không có bất cứ vi phạm nào, văn bản sẽ được chuyển tới Duma Quốc gia (tức Hạ viện) phê duyệt và sau đó là Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện). Đồng thời, một dự thảo luật về việc công nhận các vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga sẽ được trình lên Hạ viện. Nếu được phê duyệt, văn kiện sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét.

MỸ ĐỀ CAO VAI TRÒ CỦA NHẬT BẢN TRONG CHUỖI CUNG ỨNG CHIP 

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm nay đã có cuộc gặp với những người đứng đầu doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực sản xuất chip của mình nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.

Trong cuộc họp bà Harris đã gọi vai trò của Nhật Bản trong việc xây dựng chuỗi cung ứng là "quan trọng", đồng thời đưa ra lợi ích về việc các công ty chuyển dây chuyền sản xuất, tránh phụ thuộc vào các quốc gia đơn lẻ, chi phí thấp như Trung Quốc, nhằm hạn chế sự gián đoạn. Bà Harris cũng cung cấp thông tin về khoản ưu đãi lên tới hơn 52 tỉ USD cho các nhà đầu tư vào ngành bán dẫn ở Mỹ, sau khi 1 đạo luật mới được thông qua.

Ngọc Anh