Cụm tin quốc tế 26/11: Châu Âu chưa hết đau đầu về bài toán di cư

Nhập cư trái phép vào châu Âu từ lâu đã không phải là vấn đề mới, nhưng đây vẫn luôn là vấn đề khiên các thành viên Liên minh châu Âu bất đồng. Theo thống kê, tính đến hết tháng 10, số vụ vượt biên trái phép được phát hiện tại các biên giới bên ngoài EU tăng 77% so với cùng kỳ năm 2021.

Vốn là bài toán khó đeo đẳng châu Âu suốt nhiều năm, con số này đã khiến cuộc khủng hoảng di cư nóng trở lại và bùng phát những căng thẳng mới giữa các nước thành viên EU. 

TĂNG MẠNH NGƯỜI DI CƯ BẤT HỢP PHÁP VÀO EU

Theo thống kê của Cơ quan biên phòng châu Âu, trong 10 tháng đầu năm 2022, đã có tổng cộng 281.000 vụ vượt biên trái phép được phát hiện tại các biên giới bên ngoài EU, tương ứng mức tăng 77% so với cùng kỳ năm 2021 và là con số cao nhất kể từ năm 2016.

Người di cư vào EU chủ yếu sử dụng tuyến đường qua Tây Balkan. Cơ quan biên phòng châu Âu hiện duy trì lực lượng 2.300 người tham gia các hoạt động kiểm soát đường biên giới bên ngoài của EU. Khoảng 500 người trong số này hoạt động ở khu vực Balkan, nơi ghi nhận dòng người di cư vào EU lớn nhất trong thời gian gần đây. Người di cư bất hợp pháp qua khu vực này thường đến từ Afghanistan, Iraq và Burundi. Tuyến đường phổ biến thứ hai là qua Địa Trung Hải. Tuyến đường này thường được người di cư Ai Cập, Tunisia và Bangladesh sử dụng.

NHỮNG BẤT ĐỒNG TRONG VẤN ĐỀ DI CƯ

Những căng thẳng mới nhất xung quanh vấn đề di cư đã nổ ra giữa Pháp và Italia từ sau quyết định của Italia cấm các tàu cứu hộ của các tổ chức phi chính phủ vào lãnh hải vào đầu tháng 11, trong đó có các tàu Rise Above, Ocean Viking và Geo Barents. Italia chỉ hỗ trợ tiếp nhận người di cư vì mục đích nhân đạo như trẻ em, phụ nữ mang thai… và yêu cầu tàu cứu hộ treo cờ nước nào thì nước đó phải tiếp nhận người di cư.

Lý giải cho quyết định này, Bộ trưởng Nội vụ Italia Matteo Pingedosi nhấn mạnh hệ thống tiếp nhận của Italia đang gặp khó khăn rất nghiêm trọng và giải pháp lúc này là cùng phối hợp để ngăn chặn người di cư khởi hành từ Bắc Phi.

Ông MATTEO PIANTEDOSI - Bộ trưởng Nội vụ Italia: "Những người di cư bị kẹt trên biển lâu như vậy không phải do chúng tôi, mà vì thời tiết biển xấu đi. Nhưng tôi cũng muốn nhắc lại rằng, trách nhiệm cũng thuộc về những con tàu treo cờ nước khác, vớt người tị nạn rồi đưa về nước chúng tôi."

Trong khi đó, Pháp thông báo cho phép tàu cứu hộ Ocean Viking chở 234 người di cư cập cảng Toulon vào ngày 11/11, đồng thời bày tỏ không đồng tình với quyết định của Italia.

Ông GERALD DARMANIN - Bộ trưởng Nội vụ Pháp: "Pháp lấy làm tiếc rằng Italia đã không hành xử như một quốc gia châu Âu có trách nhiệm. Việc quản lý các dòng người di cư là một vấn đề chung tác động đến tất cả chúng ta, cần giải pháp nhất quán của toàn bộ châu Âu."

NỖ LỰC XOA DỊU CÁC BẤT ĐỒNG

Trước tình hình này, trong ngày 25/11, các quan chức tại Brussel đã tổ chức hội nghị Bộ trưởng Nội vụ bất thường để thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư, giải quyết tranh cãi giữa Pháp và Italia, và xem xét các bước tiếp theo trong kế hoạch hành động.

Bà YLVA JOHANSSON - Ủy viên phụ trách nội vụ của Liên minh châu Âu: "Chúng ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức khi số lượng người di cư gia tăng băt thường. Đây là lúc chúng ta cần hợp tác chặt chẽ với nhau."

Tại cuộc họp, Ủy ban châu Âu đã đưa ra kế hoạch hành động gồm nhóm 20 giải pháp chia thành 3 trụ cột, với mục tiêu trọng tâm là tăng cường hợp tác với các nước thứ ba như Tunisia, Ai Cập, Libya trong kiểm soát biên giới, ngăn dòng người nhập cư trái phép, đồng thời đẩy mạnh các con đường nhập cư hợp pháp tới các nước châu Âu. Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà vẫn chưa thể đưa ra được quyết định cụ thể nào.

Mặc dù vậy, kế hoạch hành động của Liên minh châu Âu với khu vực Trung Địa Trung Hải đã được các bộ trưởng đánh giá cao, khẳng định kế hoạch này đóng vai trò là một mô hình để Liên minh châu Âu phát triển những kế hoạch tương tự nhằm giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu theo các tuyến đường khác. Kế hoạch này được xem là bước tiến mới của các nước thành viên châu Âu trong Hiệp ước về vấn đề di cư và tị nạn.