Cụm tin quốc tế 20/06: EU thảo luận phương án "giải cứu" ngũ cốc của Ukraine

EU thảo luận phương án "giải cứu" ngũ cốc của Ukraine; Trung Quốc siết hoạt động kinh doanh của người thân cán bộ; Ông Gustavo Petro đắc cử tổng thống Colombia;... là những tin tức quốc tế đáng chú ý.

EU thảo luận phương án "giải cứu" ngũ cốc của Ukraine

EU ủng hộ các nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm làm trung gian cho một thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu đường biển của Ukraine, đổi lấy việc tạo điều kiện cho Nga xuất khẩu thực phẩm và phân bón, nhưng điều này cần sự chấp thuận của Moscow. Thổ Nhĩ Kỳ - nước có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine cho biết, sẵn sàng đảm nhận một vai trò trong "cơ chế quan sát" nếu một thỏa thuận như vậy được thực thi. 

Ukraine là một trong những nhà cung cấp lúa mì hàng đầu trên toàn cầu, nhưng việc xuất khẩu ngũ cốc của nước này đã bị đình trệ và hơn 20 triệu tấn bị mắc kẹt trong các nhà kho, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 vừa qua.

Trung Quốc siết hoạt động kinh doanh của người thân cán bộ

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây đã ban hành những quy định mới nhằm siết chặt hơn nữa công tác kiểm soát hoạt động kinh doanh của gia đình các quan chức chính phủ cấp cao. Bước đi này là động thái mới mới nhất của chính phủ Trung Quốc trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng.  

Theo quy định mới, các quan chức phải báo cáo về các hoạt động kinh doanh của vợ/chồng và con cái của họ. Vợ/chồng và con cái của các quan chức phải rút khỏi các hoạt động kinh doanh, nếu không những quan chức này sẽ phải từ chức và “chấp nhận các quyết định điều chuyển công tác,” đồng thời phải đối mặt với các hình thức xử lý kỷ luật khác.

Thành viên gia đình của các cán bộ cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở thành đối tượng chủ yếu trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động, khiến hàng nghìn quan chức bị trừng trị kể từ khi nhà lãnh đạo này lên nắm quyền hồi cuối năm 2012. Nhiều vụ án tham nhũng có liên quan đến thủ đoạn các quan chức đăng ký kinh doanh và tài sản theo tên của người thân, qua đó cho phép họ vừa đáp ứng các quy định về liêm chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa lợi dụng ảnh hưởng cá nhân để làm giàu bất chính.

Ông Gustavo Petro đắc cử tổng thống Colombia

Ông Gustavo Petro, 62 tuổi, đã chiến thắng đối thủ Rodolfo Hernandez với cách biệt gần 720.000 phiếu, để trở thành ứng cử viên chiến thắng tại vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Colombia.  

Thượng nghị sỹ Gustavo Petro là một nhà kinh tế. Ông từng giữ cương vị Thị trưởng của thủ đô Bogota. Đây là lần thứ ba ông Gustavo Petro tham gia tranh cử tổng thống. Trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, ông Petro tuyên bố sẽ khôi phục các mối quan hệ ngoại giao với Venezuela, vốn đổ vỡ từ năm 2010 liên quan tới các hoạt động của Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia. Ông cũng cũng cam kết sẽ đánh giá lại các điều kiện trong một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ.

Do không có ứng cử viên nào đạt quá bán ở vòng 1, nên cuộc bầu cử tổng thống Colombia lần này phải tổ chức 2 vòng. Khoảng 22,6 triệu người đã tham gia bỏ phiếu, nhiều hơn khoảng 1,2 triệu so với vòng đầu tiên. Trong đó, 2,3% cử tri đã bỏ phiếu phản đối, không ủng hộ ứng cử viên nào./. 

WHO bỏ phân biệt bệnh đậu mùa khỉ giữa các Quốc gia

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, đã bỏ sự phân biệt giữa các nước coi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu và không phải bệnh đặc hữu trong dữ liệu của mình về bệnh, nhằm thống nhất phản ứng tốt hơn đối với loại virus này.  

Trước đó, bệnh đậu mùa khỉ thường chỉ được biết đến ở các nước khu vực Tây và Trung Phi, nhưng nay lại xuất hiện tại nhiều châu lục khác trên thế giới. Dự kiến vào ngày 23/6 tới, WHO sẽ tiến hành cuộc họp khẩn cấp để xác định xem liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay ngoài khu vực Tây và Trung Phi có trở thành tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế hay không. Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm tính đến ngày 15/6, WHO đã xác nhận 1 ca tử vong và hơn 2.100 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 42 quốc gia trên thế giới. Trong đó, 84% số ca mắc được phát hiện ở châu Âu. Theo WHO, số ca mắc trên thực tế còn có thể cao hơn./. 

Thế giới hứng chịu hàng loạt hình thái thời tiết khắc nghiệt

Trong tuần vừa qua, nhiều thành phố trên thế giới đã hứng chiu các hình thái khí hậu cực đoan, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hiện tượng này cũng đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống và tính mạng con người.   

Lũ lụt nghiêm trọng do tác động của gió mùa đã xảy ra tại Bangladesh, trong đó có 25 người thiệt mạng và nhiều người còn đang mất tích. Đây được đánh giá là trận lũ lụt tồi tệ nhất lịch sử nước này khi mực nước tại các con sông tăng lên mức báo động, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Hiện tại các lực lượng chức năng và quân đội nước này đang nỗ lực tìm kiếm và hỗ trợ người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

Dưới tác động của các trận mưa lớn gây lũ lụt tại Bangladesh, quốc gia láng giềng là Ấn Độ vừa qua cũng đã trải qua các vụ sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng và làm tê liệt hệ thống giao thông. Cụ thể, quận Poonch, đông bắc Ấn Độ vừa xảy ra một vụ sạt lở khiến một tài xế xe tải thiệt mạng khi bị vùi lấp dưới lớp đất đá do sạt lở đất cộng với mưa lớn.

Tại Trung Quốc, vừa qua thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông đã trải qua một trận lóc xoáy khiến nhiều khu dân cư bị mất điện, nhà cửa bị tốc mái và cây cố đổ gẫy gây cản trở giao thông song không có thương vong nào được ghi nhận. Các công tác sửa chữa và cứu hộ đã được triển khai nhanh chóng nhằm sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.

Trong một diễn biến khí hậu khắc nghiệt khác, Tây Ban Nha đang phải hứng chịu tình trạng cháy rừng nghiêm trọng bởi tác động của thời tiết nóng và khô, với nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ đạt 42 độ C. Hiện tại các nhà chức trách quốc gia này đã tiến hành di tản người dân và tập trung kiểm soát và dập tất đám cháy, nhiệt độ giảm đột ngột vào Chủ Nhật vừa qua đã làm tăng độ ẩm và tạo ra các cơn mưa giúp phần nào giúp kiểm soát ngọn lửa.  

Bùi Thảo