Điểm tin quốc tế: Ukraine nhanh chóng sơ tán người dân qua hành lang nhân đạo

Những nội dung quốc tế ngày 20/03 đáng chú ý: Ukraine nhanh chóng sơ tán người dân qua hành lang nhân đạo; Đức: Người dân thích nghi với bão giá; Trẻ em mắc Covid-19 có thể duy trì kháng thể trong vòng 7 tháng...

UKRAINE: NHANH CHÓNG SƠ TÁN NGƯỜI DÂN QUA CÁC HÀNH LANG NHÂN ĐẠO

Chiến sự tại Ukraine tính đến này đã bước sang ngày thứ 25. Trên cơ sở đồng thuận giữa Nga và Ukraine, nhiều hành lang nhân đạo tiếp tục được mở để sơ tán dân thường ra khỏi thành phố Mariupol. Theo Bộ Quốc phòng Nga, chỉ trong vòng 1 ngày qua, đã có gần 43.000 người được sơn tán khỏi Mariupol và 134 tấn thuốc men, thực phẩm và nhu yếu phẩm đã được chuyển tới thành phố này. Bộ Quốc phòng Nga đã nhận được gần 2,7 triệu yêu cầu từ người dân ở Ukraine muốn sơ tán tới Nga. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng việc sơ tán công dân Ukraine và người nước ngoài đến các khu vực an toàn vẫn đang được thực hiện cùng các biện pháp khôi phục cuộc sống hòa bình tại nhiều vùng lãnh thổ ở Ukraine.

KHÁT KHAO HÒA BÌNH CỦA NGƯỜI DÂN UKRAINE

Giao tranh và xung đột là điều không ai mong muốn. Chiến sự căng thẳng suốt gần 1 tháng qua đã khiến hàng triệu người dân Ukraine phải rời bỏ quê hương, sang các quốc gia láng giềng để tránh nạn. Nhân ngày quốc tế hạnh phúc 20/3, chúng ta cũng lắng nghe mong ước được từ những người dân ở vùng chiến sự. Đối với họ, hạnh phúc giờ đây chính là sự hòa bình và một cuộc sống bình yên trên chính mảnh đất quê hương mình.

Cũng giống như nhiều thành phố khác trên khắp Ukraine, người dân tại thành phố Lviv có một khao khát cháy bỏng chính là hòa bình và cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Người dân Lviv, Ukraine
“Chúng tôi hy vọng rằng hòa bình sẽ đến càng sớm càng tốt vì người dân tại các thành phố của đất nước đều bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. cuộc sống đang rất khó khăn"
Trong bối cảnh chiến sự vẫn tiếp diễn ở miền đông, thì hình ở Lviv tương đối bình lặng. Nhiều khu chợ trong vùng đã mở cửa trở lại, bày bán các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như rau, củ, quả, thịt, để phục vụ người dân. Người đi mua sắm đã nhộn nhịp hơn so với vài ngày trước khi các cuộc không kích thường xuyên xảy ra.
Tuy nhiên, hàng nghìn người dân Lviv vẫn sống trong nỗi sợ hãi khi tiếng còi báo động không kích có thể vang lên bất cứ lúc nào, đe dọa phá vỡ sự bình yên vốn của có thành phố.
Người dân Lviv, Ukraine
"Khi bạn đang ngủ nhưng vào lúc 2 giờ sáng, bạn nghe thấy tiếng còi báo động thì chắc chắn sẽ rất sợ hãi. ở Lviv hiện cuộc sống đang dần trở lại yên bình, nhưng chúng tôi không biết ngày mai sẽ ra sao”.
Thị trấn cổ Lviv đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1998. Các di tích lịch sử nơi đây đang được bảo vệ rất cẩn thận để không bị phá hủy bởi các trận pháo kích. 
Lviv hiện được coi là tương đối an toàn so với các thành phố lớn khác như Kiev, Kharkiv và Mariupol, những nơi đã trải qua nhiều tuần pháo kích và giao tranh ác liệt. Thành phố cực tây của Ukraine gần biên giới với Ba Lan nằm ở ngã tư nơi dòng người tị nạn đang hối hả rời khỏi đất nước để tránh xung đột. 

ĐỨC: NGƯỜI DÂN THÍCH NGHI VỚI THỜI BÃO GIÁ

Thay vì phải chật vật khi chi phí năng lượng và hàng hóa tăng cao do tác động của cuộc xung đột Nga- Ukraine, thì người dân Đức đang cố gắng điều chỉnh lối sống của mình để thích ứng với tình hình mới. Giá dầu, khí đốt và lương thực đã tăng lên mức cao kỷ lục ở nhiều nước châu Âu do tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Không nằm ngoài vòng xoáy đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng bị ảnh hưởng nặng nề. 
Chỉ số giá tiêu dùng quốc gia (CPI) ở Đức trong tháng Hai đã tăng 5,1%, trong khi giá năng lượng tăng 22,5%, cao hơn đáng kể so với mức lạm phát chung. Giá năng lượng tăng cao cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu khác thông qua chuỗi cung ứng.
Người dân Berlin, Đức
"Giá xăng và dầu rất cao do tình hình chính trị hiện nay. Chúng tôi có thể điều này mỗi ngày khi tới các trạm xăng.”
Đối mặt với tình trạng này, nhiều người dân đã phải điều chỉnh lối sống của mình để ứng phó với các khoản chi phí tăng thêm.
Người dân Berlin, Đức
“Chúng tôi lái xe ít hơn và đi bộ, đi xe đạp hoặc đi phương tiện công cộng nhiều hơn.
Người dân Berlin, Đức
"Tôi nghĩ rằng giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng, vì vậy chúng ta cần phải tiết kiệm năng lượng. Tôi đang tiết kiệm bằng cách sử dụng ít điện hơn mỗi ngày”
Theo Viện nghiên cứu Kiel, tình trạng bất ổn kinh tế do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra, có thể khiến Đức thiệt hại khoảng 90 tỷ euro (99 tỷ đô la Mỹ) trong năm nay và năm tới. Tỷ lệ lạm phát ở Đức dự kiến sẽ tăng lên 5,8% trong năm 2022, mức cao nhất kể từ trong vòng hơn 30 năm.  

BẦU CỬ TỔNG THỐNG LẦN THỨ 5 TẠI TIMOR LESTE

Hôm qua, Timor Leste (ti-mo lét- tê) - quốc gia trẻ nhất Đông Nam Á với 1,3 triệu dân, đã tổ chức cuộc bầu cử tổng thống thứ 5 kể từ khi độc lập. Khoảng 860.000 cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu.  Để bảo vệ an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử, Timor Leste đã phối hợp với quốc gia láng giềng gần gũi nhất là Indonesia để tăng cường tuần tra an ninh biên giới, ngăn ngừa xâm nhập trái phép. Tham gia tranh cử tổng thống lần này có 16 ứng cử viên, bao gồm cả Tổng thống đương nhiệm Francisco "Lu Olo" Guterres và cựu Tổng thống Jose Ramos-Horta - người từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1996.

TRẺ TỪNG MẮC COVID-19 CÓ THỂ DUY TRÌ KHÁNG THỂ TỰ NHIÊN TRONG 7 THÁNG

Trẻ em từng mắc COVID-19 có thể duy trì kháng thể tự nhiên trong ít nhất 7 tháng, và tiêm vaccine sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ trước virus SARS-Cov-2. Đây là kết quả một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại bang Texas (Mỹ) thực hiện. Theo đó, các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu cung cấp 3 mẫu máu vào các thời điểm: trước tiêm chủng và trong giai đoạn các biến thể Delta và Omicron lây lan. Nghiên cứu thực hiện từ tháng 10/2020, thu thập và đánh giá dữ liệu của 218 trẻ em ở bang Texas trong độ tuổi từ 5 đến 19 tham gia khảo sát. Mục đích của nghiên cứu là đánh giá mức độ kháng thể sau một thời gian ở người trưởng thành và trẻ em tại bang này. Đến nay, 14 triệu trẻ ở Mỹ đã mắc COVID-19. Theo các nhà khoa học, các kết quả rất quan trọng vì các số liệu sử dụng không phân biệt trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng hay không, mức độ nặng nhẹ, thời điểm lây nhiễm hay các yếu tố như bệnh nền, giới tính. Kết quả cho thấy, dù 96% trẻ có kháng thể lên tới 7 tháng sau khi mắc COVID-19, có 58% mẫu không có kháng thể tự nhiên ở các lần kiểm tra cuối cùng. Kết quả không tính đến hiệu quả bảo vệ của vaccine.