• 2128 lượt xem
  • 20:21 25/02/2023
  • Kinh tế

Cụm tiêu điểm: 48% lượng phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp từ trồng lúa

Sản xuất lúa gạo hiện chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính, hơn 75% lượng khí thải metan của ngành nông nghiệp và là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan và thường xuyên hơn, đã đến lúc ngành lúa gạo Việt Nam cần chuyển đổi sang con đường sản xuất bền vững hơn, phát thải thấp hơn.

VÌ SAO PHẢI CHUYỂN ĐỔI SANG SẢN XUẤT LÚA GẠO CARBON THẤP?

Theo báo cáo "Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp" của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, xét về mức độ phát thải, trồng lúa phát thải gần 50 triệu tấn khí nhà kính (CO2 quy đổi) mỗi năm, tức trung bình sản xuất 0,9 tấn gạo sinh ra một tấn CO2 quy đổi. Con số này cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ, và đứng thứ 5 trong nhóm 10 cường quốc xuất khẩu gạo. 

Báo cáo cũng chỉ ra dù phát thải khí nhà kính tăng song tăng trưởng năng suất lúa gạo trung bình của Việt Nam chậm lại. Cụ thể, giai đoạn 1980 – 1990 tăng trưởng đạt 4,5%, hai thập kỷ tiếp theo giảm còn 2,9% và 2,5%, gần đây nhất 2011-2019 chỉ còn 1%.

Canh tác liên tục, sử dụng giống, phân bón, tưới tiêu quá độ là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động canh tác trở nên kém hiệu suất trong khi sản sinh khí nhà kính lớn.

Sự tăng trưởng ấn tượng của ngành Nông nghiệp Việt Nam và khả năng cạnh tranh xuất khẩu của ngành này đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái môi trường và tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, nước ta cần chuyển đổi sang sản xuất lúa carbon thấp như một bước tiến tới chuyển đổi nông nghiệp carbon thấp bền vững.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa có công văn gửi các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long về dự thảo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính.

Việc chuyển sang nền sản xuất lúa gạo carbon thấp, sẽ giúp nông sản Việt Nam duy trì sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, khi người bán lẻ và tiêu dùng ở các nước nhập khẩu thực phẩm chính, đều yêu cầu tiêu chuẩn bền vững cao đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Nhưng chuyển sang nền sản xuất này còn nhiều thách thức.

Khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng, giải pháp kỹ thuật, vốn đầu tư cho các loại sản phẩm mới, dẫn đến nông dân không thể áp dụng, thực hành hệ thống sản xuất cải tiến. Bởi chi phí thực hiện ban đầu không hề nhỏ. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam sẽ cần đầu tư 515 USD/hecta để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải trung bình. Và với đề án thực hiện trên diện rộng 1 triệu ha tại ĐBSCL rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trò chuyện của Truyền hình Quốc hội Việt Nam với ông MAI VĂN TRỊNH, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Môi trường về vấn đề này!