Cử tri đánh giá cao nỗ lực kiểm soát dịch bệnh Covid-19

Cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Quốc hội, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đây là thông tin được Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đưa ra tại báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong phiên khai mạc sáng nay 23/5.

Báo cáo nêu rõ, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành của Chính phủ trên các lĩnh vực. Nổi bật là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; nỗ lực đẩy nhanh tiến độ một số công trình trọng điểm quốc gia; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội những tháng đầu năm tiếp tục đà phục hồi, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. 

Cử tri và nhân dân cũng đánh giá cao Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm xây dựng một Quốc hội “Chủ động, trí tuệ, đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm”. Chất lượng giám sát, thẩm tra, xây dựng luật được nâng lên; kịp thời tháo gỡ các “nút thắt”, “điểm nghẽn” để thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự thành công có tính quyết định của chiến lược vaccine; sự "dấn thân" của lực lượng tuyến đầu, tính ưu việt của chế độ chính trị đã giúp đất nước ta vượt qua đại dịch. Đồng thời, bày tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm. 

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân còn trăn trở, lo lắng về những khó khăn, thách thức nhiều mặt do dịch COVID-19 gây ra; tiến độ giải ngân gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm ; hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình trạng người dân đã nộp tiền mua đất ở, nhà ở của một số dự án đã nhiều năm nhưng chưa được giao đất, giao nhà ở gây bức xúc trong Nhân dân. Cùng với đó là tình trạng một bộ phận người lao động chưa tìm được việc làm đã rút bảo hiểm xã hội một lần, về lâu dài sẽ không bảo đảm được đời sống. 

Đáng chú ý, dư luận xã hội còn ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc Trung học phổ thông có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị chỉ đạo một số nội dung, trong đó tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội; khẩn trương triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn Lịch sử ở bậc Trung học phổ thông là môn học tự chọn.

Xuân Dần