Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại trên toàn cầu, sau 4 năm cuộc sống trên toàn thế giới bị đảo lộn vì dịch bệnh này. Đây sẽ là tiền đề để nhiều quốc gia cũng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới vẫn cảnh báo thế giới cần thận trọng trước diễn biến mới của dịch.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đại dịch Covid-19 đang có xu hướng lắng xuống trong khi sự miễn dịch sau khi nhiễm bệnh và tiêm phòng vaccine của người dân ngày càng tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng cho các hệ thống y tế như trước.

Tuy nhiên, người đứng đầu WHO nêu rõ, quyết định này không có nghĩa Covid-19 không còn là mối đe dọa đối với y tế toàn cầu và vẫn cần hết sức thận trọng.

Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố, Covid-19 là tình trạng ở mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này vào ngày 30/1/2020, vài tuần sau khi virus Sars Cov-2 được phát hiện tại Trung Quốc. Khi ấy, thế giới có dưới 100 ca nhiễm, không trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, sau đó, đại dịch Covid-19 đã lây lan nhanh trên khắp thế giói, dẫn tới việc đóng băng chưa từng có tiền lệ đối với hoạt động đi lại quốc tế và đóng cửa biên giới, khi các quốc gia cố gắng ngăn sự lan rộng của loại virus này.

Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới, thế giới ghi nhận hơn 765 triệu trường hợp dương tính và gần 7 triệu người tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu. Châu Âu là lục địa có nhiều ca nhiễm nhất, trong khi số người tử vong nhiều nhất được ghi nhận ở Châu Mỹ.

Hiện các chuyên gia vẫn còn nhiều ý kiến về quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới. Có ý kiến cho rằng, việc giữ quá lâu tình trạng khẩn cấp sẽ làm loãng các công cụ chống dịch trong khi có những ý kiến khác lại cho rằng còn quá sớm để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp bởi đại dịch vẫn bùng phát ở nhiều nơi.

Q.T