• 1290 lượt xem
  • 21:05 05/08/2022
  • Kinh tế

COP26 |Số 17|: Nâng cao chất lượng tiêu chuẩn đảm bảo tăng trưởng bền vững

Tiêu chuẩn chất lượng là một trong những yếu tố then chốt trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có hàng trăm nghìn tiêu chuẩn khác nhau và nó luôn thay đổi vì mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Vậy hệ thống các tiêu chuẩn tại Việt Nam đã được xây dựng và triển khai như thế nào? Đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

ISO LÀ GÌ?

ISO là chữ viết tắt của International Organization for Standardization – tức Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, được thành lập năm 1947. Đây là cơ quan thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế, đưa ra các tiêu chuẩn thương mại và công nghiệp được áp dụng trên toàn thế giới. Tính đến nay, ISO đã  ban hành khoảng 20.000 tiêu chuẩn chất lượng thuộc các lĩnh vực từ sản phẩm sản xuất, công nghệ, dịch vụ đến nông nghiệp, môi trường, thực phẩm, và được áp dụng trên toàn thế giới

TIÊU CHUẨN ISO LÀ GÌ?

Tiêu chuẩn ISO là hệ thống các quy tắc được chuẩn hóa quốc tế, nhằm hỗ trợ các tổ chức hoạt động và phát triển bền vững, từ đó giúp nâng cao giá trị của doanh nghiệp, tổ chức trong mọi lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ. Khi áp dụng các tiêu chuẩn ISO, chất lượng sản phảm được làm ra đáp ứng được yêu cầu chất lượng của người dùng. Tùy vào ngành nghề, lĩnh vực mà có các bộ tiêu chuẩn ISO đặc thù riêng. Tiêu chuẩn ISO khi triển khai trong doanh nghiệp/tổ chức sẽ bao gồm tất cả các khâu sản xuất cũng như tổ chức nhân sự.

ISO ĐỐI VỚI TĂNG TRƯỞNG XANH

Hướng tới tăng trưởng xanh, ISO cũng một số tiêu chuẩn nhất định trong đó phải kể đến: Tiêu chuẩn ISO 50001 nhằm hỗ trợ các tổ chức/doanh nghiệp cải thiện hiệu quả việc sử dụng năng lượng, Tiêu chuẩn ISO 14030 nhằm đánh giá hiệu suất môi trường – Chứng khoán nợ xanh, ISO 14100 đánh giá các dự án tài chính xanh và ISO 14093 về cơ chế tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu và ISO 14001 về hệ thống quản lý môi trường.

DÁN NHÃN NĂNG LƯỢNG HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU TIẾT KIỆM VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ

Đây là tổ chức khoa học và công nghệ, cung cấp dịch vụ chứng nhận hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. So với giai đoạn trước, thì ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú trọng đáp ứng các tiêu chuẩn về hiệu quả sử dụng năng lượng.

Ông TRẦN QUỐC DŨNG, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp: “Đây cũng là cơ sở để dán nhãn năng lượng,  xác định điện năng tiêu thụ, đưa ra mức hiệu suất tối thiểu và tối đa cho phép  để đánh giá mức độ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.” 

Ông  PHÙNG MẠNH TRƯỜNG, Phó Viện trưởng phụ trách Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam: “Thứ nhất, góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5 % đến 7 % tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025. Đồng thời, hỗ trợ tạo thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện chương trình chuyển đổi thị trường về hiệu suất năng lượng cho ít nhất 05 sản phẩm phổ biến trên thị trường của Việt Nam theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.”

Ông PHƯƠNG HOÀNG KIM, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm ảo an ninh năng lượng quốc gia. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả còn là công cụ, giải pháp hữu ích giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến, cung ứng các dạng năng lượng giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế. Đồng thời giúp bảo tồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.”

Hiện tại, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam đã có trên 13.000 tiêu chuẩn có hiệu lực. Trong đó, các tiêu chuẩn được xây dựng và thay đổi theo hướng bảo vệ và thân thiện với môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh  ở rất nhiều lĩnh vực.

Ông TRỊNH QUỐC VŨ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương: “Cứ 5 năm/lần chúng tôi sẽ rà soát lại và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để cập nhật lại lộ trình dán nhãn năng lượng. Sonng song với đó, Bộ Khoa học cũng xây dựng lộ trình áp định mức năng lượng tối thiểu cho các thiết bị sử dụng năng lượng, xây dựng lộ trình loại bỏ các thiết bị mà có hiệu suất thấp, công nghệ cũ và thay thế vào đó là những công nghệ mới hơnn.”

Theo các chuyên gia, việc  nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng là một xu thế tất yếu, góp phần quan trọng  trong việc thực thi cam kết của Việt Nam tại COP26.

NÂNG CAO TIÊU CHUẨN PHÙ HỢP VỚI THÔNG LỆ QUỐC TẾ

Các tiêu chuẩn có thể được hiểu đơn giản là một bộ quy tắc để đảm bảo chất lượng, quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn. Lợi ích thì đã thấy rõ. Nhưng ngược lại thì điều này cũng sẽ làm tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp. Trong khi nguồn lực tài chính thì hạn hẹp. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng khi luôn phải liên tục cải tiến hiệu năng.

ISO 50001 là một tiêu chuẩn quy định các yêu cầu cần thiết để lập kế hoạch, thực hiện, duy trì và liên tục cải thiện hệ thống quản lý năng lượng.

Ông TRỊNH QUỐC VŨ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương: “Thông qua quá trình quản lý và giám sát các khâu về sử dụng năng lượng thì có thể xác định được ra là những khâu nào hiệu qủa năng lượng chưa đảm bảo. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu qủa năng lượng. Trên thế giới đã chứng minh được rằng áp dụng mô hình quản lý ISO 50001 sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao được hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm năng lượng. Thông qua đó là nâng cao hiệu qảu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.” 

Ông ĐẶNG HẢI DŨNG, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng: “Chúng ta có khoảng 70 các tiêu chuẩn Việt Nam mà để cho triển khai sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Như vậy chúng ta có thể thấy là một khối lượng văn bản rất đồ sộ mà trong vòng 10 năm qua chúng ta đã triển khai ở các lĩnh vực.”

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ nguồn lực liên tục nâng cấp trang thiết bị khi hạn sử dụng còn dài, bởi công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng khả năng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông TRẦN VIẾT NGUYÊN, Phó Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam: “Một trong những vướng mắc cơ bản đó là đầu tư. Làm sao tôi có đủ nguồn lực, đủ vốn, đủ tiền để đầu tư, nâng cấp dây chuyền công nghệ để đưa vào các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tốt hơn, hiệu quả cao hơn. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp ưu tiên sử dụng nănng lượnng tiết kiệm và hiệu quả nhưng do một số doanh nghiệp đó điều kiệnn tài chính khó khăn nên mặc dù họ có quan tâm về mặt nhận thức nhưng còn việc thay đổi, chuyển hoá sang thành các giải pháp còn rất hạn chế.”

Bên cạnh đó, cơ chế về điều chỉnh biên giới carbon của EU sẽ được áp dụng trong thời gian tới cũng là một trong những rào cản, áp lực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này.

Bà NGÔ THỊ TỐ NHIÊN: “Ngoài việc căn cứ vào mức tiêu thụ năng lượng, về bản chất khi mà nói về chứng chỉ các-bon thì nó căn cứ rất nhiều vào mức tiêu thụ năng lượng. Thế nên các doanh nghiệp phải chuyển đổi tư duy từ việc làm có lãi sang việc vậy là tôi đã tiêu thụ bao nhiêu năng lượng để sản xuất ra sản phẩm đó. Từ đó chuyển đổi sang chứng chỉ các-bon thì như thế nào?"

Những quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào EU mà có những chính sách mạnh mẽ nhằm giảm thiểu khí thải carbon sẽ được miễn trừ thuế biên giới carbon. Điều này cũng đòi hỏi cơ quan quản lý tại Việt Nam cũng dần phải nâng cao các tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế.

THỰC TRẠNG TRIỂN KHAI CÁC TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG HƯỚNG TỚI TĂNG TRƯỞNG XANH

Tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên của THQHVN đã có cuộc trao đổi với  Ông LÊ SỸ TRUNG - Tổng Giám đốc Công ty TNHH TUV NORD Việt Nam để có một cái nhìn tổng thể hơn về thực trạng cũng như giải pháp trong việc áp dụng tiêu chuẩn xanh tại Việt Nam.
Khách mời: Ông LÊ SỸ TRUNG - Tổng Giám đốc Công ty TNHH TUV NORD Việt Nam

  • Xin ông có thể cho biết hiện nay tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn chất lượng hướng tới tăng trưởng xanh đã được xây dựng và triển khai như thế nào?
  • Chúng ta đã có được những kết quả đạt được ra sao?
  • Tại Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp áp dụng thực tế chưa thưa ông? Ông đánh giá việc triển khai tiêu chuẩn chất lượng này của các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?

NÂNG CAO HIỆU SUẤT SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN THẾ GIỚI

Trong bối cảnh phát triển xanh là xu hướng không thể đảo ngược, các doanh nghiệp trên khắp thế giới cũng đang chuyển mình mạnh mẽ, thay đổi phương pháp sản xuất, cách thức vận hành, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, cải thiện chất lượng và quản lý môi trường, từ đó góp phần đáp ứng các mục tiêu tăng trường bền vững mà chính phủ các nước đã cam kết.

Tại Đức, chi phí năng lượng tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine đang khiến nhiều lĩnh vực bị tác động nặng nề. Là một ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, nhiều nhà sản xuất gốm sứ tại nước này đang chật vật để duy trì sản xuất. 

Ông DANIEL JESCHONOWSKI, Quản lý xưởng gốm sứ Kahla: “Giá năng lượng mà chúng tôi phải chi trả hiện vào khoảng 100, 120 euro. Chúng tôi đã từng chứng mức giá lên tới 220 euro. Điều này đang ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất.”

Giá khí đốt hiện tại vào khoảng 10 xu/kilowatt giờ, giảm so với mức 15-20 xu hồi đầu năm, nhưng đây vẫn là một mức giá cao, kém bền vững và sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trong dài hạn. 

Trước thực tế này, các doanh nghiệp như xướng gốm sứ Kahla buộc phải thay đổi phương thức sản xuất, để vừa giúp tiết kiệm năng lượng vừa giúp bảo vệ môi trường. Thay vì sử dụng các nguồn năng lượng hoá thạch truyền thống, doanh nghiệp này đã chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, xanh, bền vững và sẵn có hơn.

Ông DANIEL JESCHONOWSKI, Quản lý xưởng gốm sứ Kahla: “Là một nhà sản xuất phụ thuộc vào khí đốt để sản xuất, chúng tôi rất lo ngại vì giá khí đốt trong 12 tháng qua đã tăng chóng mặt. Không có lựa chọn nào khác là phải tận dụng năng lượng mặt trời." 

Tại Trung Quốc, lĩnh vực giao thông vận tải cũng đang đi tiên phong trong các nỗ lực giảm phát tải khí carbon và tiết kiệm năng lượng. Mới đây, nhà ga Phong Đài ở Bắc Kinh - ga đường sắt lớn nhất Châu Á, đã chính thức đi vào hoạt động. Điểm đặc biệt là, nhà ga này áp dụng các khái niệm quy hoạch và thiết kế xanh, ít phát thải carbon, với việc lắp đặt hơn 200 ống đèn, có thể tiết kiệm 950.000 kWh điện mỗi năm, đồng thời giảm lượng khí thải carbon hơn 900 tấn, và các tấm quang điện mặt trời, có thể tạo ra 7 triệu kWh điện xanh mỗi năm.

Bà TỪ HUỆ, Kỹ sư trưởng Dự án tái thiết nhà ga Phong Đài: “Hành khách có thể đi taxi hoặc lái xe đến ga đường sắt hoặc chỉ đi tàu điện ngầm. Tuyến tàu điện ngầm số 10 của Bắc Kinh đã mở cửa và một trong những ga đó là ga Phong Đài.”

Với tổng diện tích sàn gần 400.000 mét vuông, tương đương 56 sân bóng đá, nhà ga Phong Đài có 32 đường ray, 32 sân ga và có thể phục vụ tối đa 14.000 hành khách mỗi giờ. 

GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ THÚC ĐẨY CÁC DOANH NGHIỆP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG?

Khách mời: Ông LÊ SỸ TRUNG - Tổng Giám đốc Công ty TNHH TUV NORD Việt Nam

  • Nguyên nhân vì sao bộ tiêu chuẩn ISO 50001 này chưa được triển khai rộng rãi? Đâu là những khó khăn vướng mắc khi triển khai bộ tiêu chuẩn này tại Việt Nam?
  • Cơ hội nào để thúc đẩy các bộ tiêu chuẩn xanh thưa ông? 
  • Vậy giải pháp tronng thời gian tới là gì?
     

CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA ĐỂ SỬ DỤNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ ĐIỆN NĂNG

Dư địa để tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng của người dân, doanh nghiệp tại Việt Nam còn lớn. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có những bước đi mới mạnh mẽ trong vấn đề bảo vệ môi trường. 

Khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát cũng là lúc hoạt động sản xuất kinh doanh được nối lại, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Tuy nhiên, để giảm áp lực lên hệ thống cũng như giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn tư vấn và khuyến nghị các doanh nghiệp có thể điều chỉnh thời gian sản xuất, hạn chế vào giờ cao điểm.

Ông TRẦN VIẾT NGUYÊN, Phó Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam: “Sản xuất công nghiệp tại Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất tronng tất cả nhóm ngành lên tới khoảng 55-60% tổng điện năng tiêu thụ. Như vậy , dư địa để tiết kiệm điện trong khối công nghiệp rất lớn.”

Một số ý kiến khác cho rằng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm cũng xuất phát từ chính ý thức của người dân.

Bà LÝ THỊ PHƯƠNG TRANG, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Daikin: “Theo nghiên cứu thì chúng tôi thấy rằng hành vi người dùng cũng rất quan trọng vì khi mà anh nhận thức đúng thì bản thân anh cũng sẽ tiết kiệm được nhiều hơn. Nếu chúng ta đưa nhận thức lên cao thì hy vọng rằng chúng ta sẽ tiết kiệm được.”

Nâng cao nhận thức về lợi ích của tăng trưởng xanh chính là cơ sở quan trọng cho việc hình thành và xây dựng các kế hoạch hành động, chương trình, dự án cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo động lực cho tăng trưởng xanh. Trong đó, người dân và doanh nghiệp chính là chủ thể trung tâm.

HƯỚNG ĐẾN TĂNG TRƯỞNG XANH VỚI BỘ TIÊU CHUẨN ISO 14030

Không chỉ các ngành công nghiệp, ISO cũng đã ban hành một bộ tiêu chuẩn mới về tài chính xanh, đó là Bộ tiêu chuẩn ISO 14030 - Đánh giá hiệu suất môi trường – Chứng khoán nợ xanh. Các tiêu chuẩn mới mô tả những nguyên tắc, tiêu chí và hướng dẫn để có thể đủ điều kiện là trái phiếu và tín dụng “xanh” nhằm tài trợ cho các dự án hoạt động đủ điều kiện, đảm bảo việc giám sát và đánh giá tác động môi trường. Hiện nay, thị trường tài chính xanh đã và đang phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới.

Trong những năm gần đây, Ngân hàng Phát triển mới (NDB) – một ngân hành đa phương do 5 quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) thành lập, đã triển khai một dự án cho vay quy mô lớn, dành cho các công ty phát triển theo hướng xanh, nhằm giúp cắt giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra các công trình bền vững tại Trung tâm tài chính Thượng Hải. 

Dự án cho vay đầu tiên của ngân hàng này ở Trung Quốc, là dự án Điện mặt trời Thượng Hải- Lâm Cảng, với khoản vay lên tới 33 triệu đô la Mỹ. Mục đích của dự án là tạo ra năng lượng từ những tấm pin mặt trời được lắp đặt tại các công trình thuộc khu công nghiệp Lâm Cảng. Đơn vị thực hiện dự án đặt mục tiêu giảm 52.000 tấn lượng khí thải carbon, đồng thời tạo ra khoảng 65 megawatt điện mặt trời mỗi năm.

Ông LÝ TIỂU HUY, Phó Giám đốc Công ty Phát triển Năng lượng Mới: “Chi phí cho vay khá hợp lí, với mức lãi suất thấp nhất là 1,818%. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất hiện tại lên tới 2,241%. Nhờ lãi suất thấp, dự án hiện đang vận hành rất trơn tru.” 

Vào cuối tháng 5/2022, tổng sản lượng điện mà dự án tạo ra đạt khoảng 220 triệu kWh. Nhờ đó, khoảng 175.000 tấn khí thải carbon dioxide đã được cắt giảm, con số này tương đương với khoảng 80.000 tấn than.

Ông LESLIE MAASDORP, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Mới: “Dự án này đã góp phần làm xanh hóa dấu chân carbon tại Thượng Hải. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều dự án cho vay hơn nữa. Hiện ngân hàng cũng đang xem xét triển khai dự án tại một số tỉnh ở Trung Quốc để đẩy mạnh phát triển xanh.” 

Trong bối cảnh thị trường tài chính xanh đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia và khu vực, Ngân hàng Phát triển Mới cũng lên kế hoạch đầu tư vào nhiều dự án xanh và bền vững hơn, cả ở Trung Quốc và các nước thành viên BRICS khác.

KHU XỬ LÝ NƯỚC THẢI TẬP TRUNG 2 TRONG 1

Là nước đang phát triển nên tại Việt Nam các khu công nghiệp hiện đang xuất hiện ngày một nhiều. Điều đáng nói là, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện có tới hơn 10% khu công nghiệp trong số đó chưa có khu xử lý nước thải tập trung. Nếu nước thải trong các khu công nghiệp này không được xử lý kịp thời và triệt để sẽ tác động rất tiêu cực tới môi trường. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc này, một khu công nghiệp tại Hải Phòng đã bỏ nhiều tâm huyết để xây dựng khu xử lý nước thải tập trung 2 trong 1, trông không khác gì một vườn sinh thái thu nhỏ.
Khu xử lý nước thải tập trung mà chúng tôi muốn nhắc tới nằm ngay trung tâm của khu công nghiệp Nam Cầu Kiền với công suất 2.000 m3/ngày đêm.

Ông PHẠM HỒNG PHÁT, Trưởng bộ phận Môi trường Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền: “Toàn bộ nước thải của các nhà máy trong khu công nghiệp được dồn về nhà máy xử lý tập trung này và chúng tôi vận hành theo tiêu chuẩn đã được quy định bởi cơ quan quản lý nhà nước và khi nước đã xử lý thì đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Và đảm bảo là khi đưa ngoài môi trường thì đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra chúng tôi cũng xác định rằng nước là nguồn tài nguyên, do đó nước sau khi chúng tôi xử lý xong thì chúng tôi dùng nó để tạo cảnh quan, nuôi cá rồi rửa đường, tưới cây trong khu công nghiệp.” 

Không chỉ đảm nhiệm vai trò chính là xử lý nước thải, tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, với sự thiết kế tài tình của các kiến trúc sư Nhật Bản, khu xử lý nước thải này còn có một diện mạo vô cùng đặc biệt, hài hòa với thiên nhiên và thúc đẩy nhận thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.

Ông PHẠM HỒNG ĐIỆP, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec: "Điểm xuất phát xây khu xử lý nước thải tập trung này là từ việc báo đài đưa nhiều thông tin có những khu công nghiệp thường giấu nơi xử lý nước thải của mình. Chính vì vậy chúng tôi muốn công khai mọi thông tin liên quan tới việc xử lý nước thải của mình. Đây là một trong những cách để thay đổi hành vi từ người công nhân buộc người ta phải có ý thức bảo vệ môi trường và ngay cả các chủ đầu tư cũng phải thay đổi hành vi." 

Hy vọng rằng việc xây dựng mô hình khu xử lý nước thải tập trung theo hướng mở như thế này sẽ có những tác động tích cực tới các nhà máy và khu công nghiệp khác.

Qua câu chuyện của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho thấy rằng, càng sớm ứng dụng tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thì sẽ càng có nhiều điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút thêm và tạo được sự uy tín đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuấn Anh