COP27: Các nhà lãnh đạo thế giới tranh cãi về vấn đề tài chính khí hậu

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP27, Mỹ kêu gọi các quốc gia đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc cắt giảm phát thải khí nhà kính, đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính khí hậu vẫn đang là chủ đề nóng gây ra nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia và các nhà lãnh đạo thế giới.

Phát biểu tại hội nghị COP27, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các quốc gia tham gia hội nghị đóng góp tích cực hơn nữa trong công cuộc giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu thông qua các chương trình hành động và mục tiêu cụ thể, cung cấp những sự hỗ trợ cần thiết tới những quốc gia chịu nhiều thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu.

Ông Joe Biden cũng cho biết Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải nhà kính cho đến năm 2030. Bên cạnh đó, Mỹ, EU và Đức sẽ cung cấp gói hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD cho Ai Cập nhằm tạo điều kiện để nước này chuyển đổi sang năng lượng sạch, giúp cắt giảm 10% lượng khí nhà kính.

Bên cạnh các mục tiêu về khí hậu được đưa ra, một vấn đề khác vẫn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, đó là tài chính khí hậu. Trong bối cảnh các tác động về biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ, dư luận thế giới đã lên tiếng yêu cầu các nước giàu bồi thường cho những thiệt hại mà họ gây ra, đồng thời thực hiện các cam kết và cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hầu hết các hỗ trợ tài chính đều được hứa hẹn dưới hình thức cho vay, khiến một số quốc gia nghèo nhất thế giới phải gánh khoản nợ rất lớn. Do vậy, COP27 nên tập trung vào tài chính khí hậu cùng với các lĩnh vực chiến lược khác. Lần này, các nước giàu cần phải có ràng buộc pháp lý để tuân thủ các cam kết của mình.

Đỗ Lê Ngọc Anh