• 1475 lượt xem
  • 20:07 06/05/2022
  • Kinh tế

COP26 | Số 5 | Tháo gỡ "điểm nghẽn" phát triển năng lượng tái tạo

Hiện khoảng 80% nhu cầu năng lượng toàn cầu lại đang được cung cấp bởi các nguồn năng lượng không tái tạo. Đối mặt với những hậu quả nặng nề mà năng lượng không thể tái tạo đem lại, cũng như tình trạng ngày càng cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch…, con người cần tìm ra một nguồn năng lượng mới, sạch hơn, hiệu quả hơn, đó chính là năng lượng tái tạo.

SẢN XUẤT ĐIỆN BẰNG NHIÊN LIỆU HÓA THẠCH TÁC ĐỘNG TỚI MÔI TRƯỜNG NHƯ THẾ NÀO?

Tất cả các nguồn năng lượng đều tác động đến môi trường sống của con người ở các mức độ khác nhau. Những ghi nhận đến thời điểm hiện tại cho thấy, nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí tự nhiên về cơ bản gây ô nhiễm nhiều hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo ở hầu hết các khía cạnh như ô nhiễm không khí và nước, thiệt hại cho sức khoẻ cộng đồng, mất đi động vật hoang dã và môi trường sống, sử dụng đất và làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.

Mông Dương 1 là một trong những nhà máy nhiệt điện đang được vận hành. Hàng ngày, nhà máy này sẽ thải ra 4.600 tấn tro xỉ, trong đó 1.600 tấn xỉ đáy được nhà máy tái sử dụng 100%, 3.000 tấn còn lại là tro bay và mới chỉ tái sử dụng được 15%, số còn lại phải chở đi chôn lấp. Chỉ một thời gian ngắn nữa, nhà máy này sẽ không biết phải đổ tro xỉ đi đâu. Đây cũng là thực trạng chung của gần 30 nhà máy nhiệt điện than khác trên cả nước.

Ông NGUYỄN TIẾN THÀNH – Giám đốc Công ty Nhiệt điện Mông Dương 1: “Người dân vẫn quen sử dụng gạch nung, hơn nữa các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc dùng tro xỉ để làm cốt đường vì phải phối trộn với các nguyên liệu khác, còn làm xi măng thì tro xỉ có màu đỏ nên nếu dùng làm xi măng, xi măng sẽ có màu khác màu truyền thống, người dân sẽ không mua.”

Hiện các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam chủ yếu dùng nhiên liệu hóa thạch đốt than hoặc dầu để tạo ra nhiệt, hơi nước làm quay tua bin tạo ra điện năng. Chính việc đốt nhiên liệu từ carbon sẽ hình thành lượng lớn CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Đây cũng là tác động tới môi trường sống đáng lo ngại nhất của việc sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch. 

Ông NGUYỄN THÁI SƠN - chuyên gia năng lượng: “Cùng với nhận thức ngày càng tăng về tác động của việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch với môi trường, sự cạn kiệt của nguồn nguyên liệu này đòi hỏi phải có nguồn năng lượng sạch để bổ sung và dần thay thế. Và năng lượng tái tạo là một trong những lựa chọn phù hợp.”

NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO LÀ GÌ?

Năng lượng tái tạo, thường được gọi là năng lượng sạch, được tạo ra từ các nguồn thiên nhiên hoặc các quy trình tự nhiên được hình thành liên tục, có thể coi là vô hạn như gió, mưa, ánh sáng mặt trời, sóng biển, thủy triều.

Phát triển năng lượng tái tạo, đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp 1/3 lượng điện trên thế giới. Ước tính, công suất điện gió và quang điện sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024.

CAM KẾT CỦA VIỆT NAM

Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo, nhờ tiềm năng lớn về điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng.

Công suất điện mặt trời của Việt Nam tăng từ 86 megawatt vào năm 2018 lên khoảng 16.500 MW vào năm 2020, đưa Việt Nam trở thành quốc gia ASEAN có công suất lắp đặt điện mặt trời lớn nhất. Dự báo năng lượng mặt trời trên mái nhà sẽ chiếm khoảng một nửa tổng công suất năng lượng mặt trời của Việt Nam vào năm 2030.

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao và việc Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ tại COP 26, đặt ra những nhiệm vụ cao hơn, khó hơn về đảm bảo an ninh năng lượng. Việt Nam đặt mục tiêu, năm 2030 đạt tỉ lệ công suất điện tái tạo chiếm 45% công suất toàn hệ thống.

VIỆT NAM CÓ TIỀM NĂNG LỚN PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Ở Việt Nam, năng lượng là lĩnh vực phát thải carbon nhiều nhất, chiếm đến 60% tổng lượng phát thải. Dự báo, đến năm 2030, tỷ lệ phát thải của năng lượng còn tăng đến 73%. Năng lượng sạch, năng lượng tái tạo chính là một trong những giải pháp thích ứng quan trọng trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn cho phát triển năng lượng tái tạo. Theo tính toán của Viện Năng lượng, tổng quy mô tiềm năng điện gió trên bờ và gần bờ của Việt Nam là 217GW, trong đó tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi khoảng 160GW; tổng quy mô tiềm năng có thể phát triển của điện mặt trời là 386GW.
 

Với cơ chế thông thoáng cùng sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành, chỉ trong vài năm trở lại đây, điện năng lượng tái tạo đã có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo trên cả nước đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. 

Các cơ chế cũng đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính…, góp phần hình thành thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Sự phát triển của điện mặt trời, điện gió trong 5 năm qua đã phát đi thông điệp chuyển dịch năng lượng xanh - sạch hơn của Việt Nam.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà vẫn còn một số hạn chế nhất định và chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam.

PGS.TS BÙI THỊ AN Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng: "Thực tế sự phát triển của điện gió của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có".

Trong những năm gần đây, các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI và đầu tư tư nhân. Hàng tỷ đôla được rót vào các dự án điện mặt trời và điện gió cho thấy Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo. Có rất nhiều yếu tố thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Vấn đề quan trọng lúc này là cần phải có những giải pháp và đòn bẩy chính sách để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững.

Từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang thành nước nhập khẩu năng lượng. Do đó, việc phát triển năng lượng tái tạo rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia. Việt Nam cũng đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Để thực hiện được mục tiêu này, không còn con đường nào khác là phải thay thế điện than bằng các nguồn điện tái tạo (gió, mặt trời, khí…). Tuy nhiên, từ thực tế triển khai cho thấy, các nguồn điện của tương lai vẫn đang có những “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ.

THÁO GỠ “ĐIỂM NGHẼN” PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Theo chia sẻ của các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp đầu tư vào nguồn năng lượng sạch tại Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam (lần thứ 2) được tổ chức ở Hà Nội vừa qua: Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, vẫn chưa có chính sách dài hạn nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được dòng doanh thu của các dự án. 

Hiện đang có khoảng trống về luật pháp, chính sách từ giá FIT đến áp dụng cơ chế mới về giá điện. Các dự án điện mặt trời, điện gió tại thời điểm này không được áp dụng biểu giá FIT, trong khí cơ chế đấu thầu chưa được ban hành, điều này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào nguồn năng lượng sạch này.

Bà NGUYỄN THỊ THANH BÌNH, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T: "Thời gian vừa rồi cơ chế, chính sách cho năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời có sự gián đoạn. Vừa rồi là điện mặt trời (sau ngày 1/10/2021) và mới đây là điện gió (sau ngày 01/11/2021) đều chưa có cơ chế liên quan đến giá, cũng như cơ chế đấu thầu, đấu giá cho các dự án điện năng lượng… gây điểm nghẽn và gây khó khăn cho nhà đầu tư. Đặc biệt, các nhà đầu tư đang triển khai dự án… dẫn đến nhiều dự án đang hoàn thành các đầu tư cơ bản, đã bỏ nguồn vốn…, gây sức ép rất lớn cho doanh nghiệp, và cho các ngân hàng đã cho vay tín dụng đối với các dự án này rồi".

Ông NGUYỄN QUANG TÚ, Giám đốc Thị trường Công ty Biến tần Solis: Đối với những nhà đầu tư cũng như các nhà sản xuất, cung cấp.. cái khó khăn nhất chính là chính sách, cơ chế về giá, đầu tư… Khi chưa có giá không có nhà đầu tư nào dám đầu tư vào dự án cả, về phần ngân hàng không thể vay được vốn tín dụng được. Quan trọng nữa là quy hoạch điện 8 chưa được ra, chưa có quy hoạch thì rất khó cho những dự án mới… Chúng tôi và những đơn vị làm điện mặt trời rất mong sớm có chính sách để đảm bảo cho các nhà đầu tư có thể triển khai được những công việc tiếp theo, nhiều dự án triển khai rất lâu rồi, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được thì chi phí bỏ ra rất nhiều”.

Ông PHAN VĂN QUÝ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Bình Dương: “Có nhà đầu tư chỉ phát được 50% sản lượng điện của mình. Cái vướng nhất hiện nay là họ đầu tư xong rồi giờ làm thế nào để bán được điện. Đây là nỗi lo chung và trăn trở của các nhà đầu tư. Rất nhiều hội nghị, hội thảo, nhưng vấn đề là làm sao truyền tải được công suất”.

Có một thực tế, sự phát triển ồ ạt của các dự án điện gió và điện mặt trời thời gian qua đã dẫn đến mất cân đối nguồn - tải theo miền, gây quá tải cho cả hệ thống lưới điện và xảy ra tình trạng nguồn thì thừa mà điện vẫn thiếu. Hiện có 96% nguồn điện mặt trời và toàn bộ nguồn điện gió được vận hành tại miền Trung và miền Nam, trong khi chỉ có 4% nguồn điện mặt trời vận hành tại miền Bắc. Đơn cử như tỉnh Ninh Thuận, địa phương có tỉ lệ năng lượng tái tạo lớn nhất nước với hàng nghìn MW nhưng nhu cầu sử dụng ở đia phương lại rất thấp và bắt buộc phải truyền lên đường dây 500kw để chuyển sang các địa phương khác. 

Ông HOÀNG TRỌNG HIẾU, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực, Bộ Công Thương: Hiện nay, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo thường tập trung ở một số tỉnh, địa phương nhất định trong khi phần lớn các tỉnh này có phụ tải tiêu thụ tại chỗ nhỏ, gây áp lực lên hệ thống lưới điện trong việc truyền tải công suất… Công tác xây dựng các hệ thống lưới điện thông minh, vận hành các thiết bị tích trữ điện năng chưa đáp ứng được như cầu thực tế”.

Việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quy hoạch, vướng mắc trong quy định pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, cơ chế tài chính…. 

Ông HOÀNG TRỌNG HIẾU, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực: Các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản khá nhiều, tuy nhiên giữa chúng còn có những điểm chưa thống nhất nhất định, sẽ dẫn tới công tác chuẩn bị đầu tư thường kéo dài, quá trình đầu tư phải trải qua nhiều cấp thẩm quyền xét duyệt. Bên cạnh đó, công tác liên thông trong đầu tư xây dựng liên quan tới những quy định về môi trường còn thiếu nên mất rất nhiều thời gian để triển khai”.

Bà NGUYỄN THỊ THANH BÌNH, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T: "Điện gió ngoài khơi được coi là nguồn điện có tác động tích cực nhất tới việc thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Vương quốc Anh. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang thiếu một quy hoạch tổng thể đầy đủ để hỗ trợ đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi như quy hoạch không gian biển, quy hoạch điện gió ngoài khơi cũng như những hướng dẫn, chỉ dẫn cần thiết, rõ ràng cho các cấp trong quá trình thực thi. Ví dụ: Xin giấy phép khảo sát, đo gió, khu vực địa điểm nào?".

KHÓ KHĂN VỀ TÀI CHÍNH TRONG PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Ngoài những điểm nghẽn trên, vấn đề tài chính cũng là một khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp năng lượng tái tạo hiện nay, bởi nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này không nhỏ, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải tự loay hoay tìm nguồn vốn riêng.

Mặc dù là những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cần có chính sách ưu tiên trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh, tuy nhiên trên thực tế, hiện số lượng các doanh nghiệp năng lượng tái tạo có thể tiếp cận được nguồn vốn là rất ít, một phần là do bị xếp vào nhóm có hệ số rủi ro lớn, lãi suất cao. Doanh nghiệp điện gió này cũng là một trong số đó. 

Ông NGUYỄN VĂN LỘC, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương:Là doanh nghiệp điện gió, chúng tôi cũng rất khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng xanh, bởi rất nhiều rào cản”.

Theo các chuyên gia, dự án năng lượng tái tạo (NLTT) có nhu cầu về vốn lớn, tiềm ẩn rủi ro, công suất và sản lượng phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khí hậu, khả năng thu hồi vốn lâu, vì vậy các ngân hàng thường chưa sẵn sàng cho vay đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyền từ chối mua trong hợp đồng mua bán điện, dẫn tới khó thẩm định chính xác được doanh thu của dự án điện trong quá trình thẩm định tín dụng... Đây là một rào cản lớn.

Bà PHẠM THỊ THANH TÙNG, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Cấp nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp NLTT rất nóng trong mấy năm gần đây và khó khăn của các tổ chức tín dụng là phải tính tới hiệu quả của các dự án NLTT đang phụ thuộc vào ba yếu tố là giá điện, truyền tải điện và việc thực hiện hợp đồng mẫu của EVN”.

TS LÊ THỊ THUỲ VÂN, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính – Bộ Tài chính: Các dự án như năng lượng tái tạo có thời gian thu hồi vốn dài, mà nhiều khi các ngân hàng thường chỉ có nguồn vốn tín dụng ngắn, rồi không có năng lực thẩm định dự án nên là rất khó để cho vay…”.

Để cải thiện được các vướng mắc hiện có, Việt Nam cần có chính sách đột phá như hình thành Quỹ Năng lượng tái tạo nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện các hình thức ủy thác, bảo lãnh, vay vốn, phát hành trái phiếu xanh…, từ đó thu hút nguồn lực tài chính cho lĩnh vực này.

Dự báo của Viện Năng lượng cho thấy, với tốc độ phát triển như hiện nay và trong tương lai, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng với tốc độ cao, khoảng 8,5%/năm đến 2030 và 4%/năm giai đoạn 2031- 2045. Mặt khác, đứng trước nguy cơ thiếu điện do thiếu than sản xuất nguồn điện, việc tháo gỡ điểm nghẽn ngay lập tức, giúp NLTT phát triển một cách tương xứng với tiềm năng là rất cần thiết. 

Cùng phân tích sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Chi Mai - Giám đốc Dự án Năng lượng sạch, Giá cả phù hợp và Bền vững cho các quốc gia Đông Nam Á.  

Tại nhiều diễn đàn đại diện các địa phương, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc và cũng chính là những “điểm nghẽn” trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo. Xin bà có thể phân tích rõ hơn về những điểm nghẽn này và những động thái của Quốc hội, Chính phủ nhằm tháo gỡ?

- Bùng nổ NLTT phát triển rất mạnh mẽ trong 4 năm vừa rồi. Sự phát triển nhanh như thế cũng khiến cho công nghệ không theo kịp. Chúng ta cũng nhìn thấy 1 số điểm tắc về hạ tầng, về giá, về thu hồi vốn, về quy hoạch... Vướng mắc về giải phóng mặt bằng, gặp khó khăn vì quy hoạch của các ngành khác nhau cũng gây ra vướng mắc... Tuy nhiên chúng ta cũng thấy những động thái của Chính phủ, của Quốc hội đến việc gỡ dần những vướng mắc này...

Theo bà, sự tăng trưởng “nóng” của điện gió và điện mặt trời của Việt Nam những năm vừa qua trong khi hệ thống lưới và hạ tầng chưa phát triển kịp. Điều này gây ra 1 số hệ luỵ. Vậy chúng ta cần có cơ chế chính sách cũng như lộ trình như thế nào để cân đối, hài hoà ?

- Việc nhiều điện gió, điện mặt trời phát triển trong khi hạ tầng chưa theo kịp thì cần điều chỉnh lại cơ chế, khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân, xã hội hoá tham gia vào đầu tư truyền tải là điểm rất được cộng đồng đánh giá cao để hỗ trợ phát triển NLTT tốt hơn...

Trong dự thảo quy hoạch điện VIII, nguồn NLTT (không kể thủy điện) sẽ đóng góp 32% vào năm 2030 và 58% vào năm 2045, theo bà, cơ cấu cho năng lượng sạch đưa ra đã hợp lý chưa?

- Cơ cấu mức tham gia của NLTT theo dự thảo hiện nay nói lên Chính phủ VN, COP 26 cũng tạo điều kiện phát triển NLTT. Một số nhận định cho rằng mình có thể làm được nhiều hơn nữa vì tiềm năng còn phát triển được hơn nữa, nhưng chúng ta cũng nhìn lại những vấn đề tồn đọng về lưới, về hạ tầng,... Tại thời điểm này, tôi thấy nó là hợp lý, nhưng bước tiếp theo chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh...

PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO – GÓC NHÌN THẾ GIỚI

Những năm gần đây, phát triển năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng tất yếu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây được xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển xanh và bền vững mà chính phủ các nước đã đề ra. Vậy Việt Nam có thể tham khảo được gì từ kinh nghiệm phát triển năng lượng của các nước?

Là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, trong những năm gần đây, Đức đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc đưa năng lượng tái tạo trở thành mục tiêu phát triển hàng đầu để thay thế khí đốt. 

Mới đây nhất, nước này đã công bố một kế hoạch chuyển đổi xanh đầy tham vọng mang tên “Gói Phục sinh”. Đây là lần sửa đổi chính sách quan trọng nhất của Đức trong nhiều năm qua nhằm phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đẩy nhanh các kế hoạch chuyển đổi xanh. 

Ông ROBERT HABECK - Bộ trưởng Kinh tế Đức : Trọng tâm của gói này là tạo điều kiện thuận lợi và đẩy nhanh việc mở rộng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió trên đất liền. Tăng cường phát triển năng lượng tái tạo chính là lợi ích tối quan trọng đối với dân chúng, phục vụ lợi ích an ninh quốc gia và từ đó đảm bảo chính trị an ninh của Đức”.

Mục tiêu của chính phủ Đức là phấn đấu đến năm 2030, ít nhất 80% tổng tiêu thụ điện của nền kinh tế lớn nhất Châu Âu phải là từ các nguồn năng lượng tái tạo, và đến năm 2035, con số này sẽ được nâng lên gần 100%. 

Theo gói kế hoạch, đến năm 2030, Đức sẽ tăng gấp đôi công suất điện gió trên đất liền lên đến 115 GW, tăng gấp 3 công suất điện mặt trời lên đến 215 GW và tăng công suất điện gió ngoài khơi lên đến 30 GW vào năm 2030 - tương đương với công suất của 10 nhà máy hạt nhân, và ít nhất 70 GW vào năm 2045. 

Dự kiến trong năm nay, sẽ có nhiều thay đổi về luật, đặc biệt liên quan đến hiệu quả sử dụng năng lượng tại các tòa nhà và giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải, hướng tới mục tiêu chung là chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, từ một đất nước chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, chính quyền Bắc Kinh xem việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là nhiệm vụ trọng tâm. Điều này được nhấn mạnh trong kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp “Made in China 2025”, mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. 

Thủ tướng Trung Quốc LÝ KHẮC CƯỜNG: "Dựa trên nguồn tài nguyên của mình, Trung Quốc sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng các-bon thấp, phù hợp với kế hoạch tổng thể và nguyên tắc thiết lập cái mới trước khi xóa bỏ cái cũ. Chúng tôi sẽ nỗ lực để đảm bảo quá trình khai thác và sử dụng than trở nên sạch hơn và hiệu quả hơn, thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ xanh và carbon thấp vì mục tiêu sống và làm việc xanh”.

Nhờ các chính sách hỗ trợ, các sản phẩm xanh và carbon thấp đã và đang tăng trưởng nhanh ở Trung Quốc. Trong quý I/2022, sản lượng xe năng lượng mới và tấm pin mặt trời tăng lần lượt 140,8% và 24,3%. Tỷ trọng tiêu thụ năng lượng sạch cũng tăng mạnh. Trong ba tháng đầu năm 2022, việc sử dụng khí đốt tự nhiên, thủy điện, điện hạt nhân, điện gió và điện mặt trời tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, hoạt động sản xuất và đời sống của người dân Trung Quốc cũng đang dần chuyển đổi sang phong cách xanh và phát thải ít carbon một cách toàn diện.

XÂY DỰNG THỊ TRƯỜNG CARBON TRONG NƯỚC: CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA CÁC CẤP CÁC NGÀNH

Dù đã tham gia các hoạt động trao đổi tín chỉ quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng đến nay, Việt Nam mới bắt đầu đặt những “viên gạch” đầu tiên chính thức xây dựng thị trường carbon trong nước, khởi đầu bằng việc đưa nội dung này vào Luật Bảo vệ môi trường 2020. Theo lộ trình, tới năm 2028, thị trường carbon trong nước của Việt Nam sẽ hoạt động. Tuy nhiên, để thực hiện được theo đúng lộ trình này, cần có sự chung tay của các cấp các ngành.

Phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tính tới thời điểm hiện tại, thị trường tín chỉ carbon trong nước của Việt Nam mới chỉ đang trong quá trình xây dựng.

Ông TĂNG THẾ CƯỜNG, Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước chia ra 2 giai đoạn: Giai đoạn từ nay đến năm 2027: Tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; Xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025, dự kiến cho một số lĩnh vực có các doanh nghiệp gây phát thải lớn như lĩnh vực thép, xi măng, nhiệt điện;  Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Giai đoạn từ năm 2028: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới”.

Như vậy từ năm 2028, các doanh nghiệp, đơn vị phát thải lớn bắt buộc phải đầu tư các giải pháp giảm phát thải và chi phí chắc chắn không hề nhỏ. Nếu các nhà máy/doanh nghiệp không thể giảm phát thải hoặc không tuân thủ cơ chế giảm và bù đắp carbon, họ sẽ phải mua  tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải của mình. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, còn rất nhiều việc cần phải làm ngay.

PGS.TS TRƯƠNG MẠNH TIẾN, Chủ tịch TƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam: “Chúng ta phải nhanh chóng tuyên truyền phổ biến, các ngành các địa phương phải phối hợp để rút ngắn thời gian dự kiến, từ đó triển khai hiệu quả nhất”.

Tín chỉ carbon là một thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e). Trên thị trường, việc mua bán carbon hay chính xác hơn là mua bán sự phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín chỉ.

NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ GIÚP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ĐIỀU ĐÓ PHỤ THUỘC HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN

Phải thừa nhận, ngoài việc sử dụng những nguồn năng lượng mới giúp bảo vệ môi trường, nông nghiệp hữu cơ cũng đang trở thành xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp. Bởi nó giúp đảm bảo sự an toàn cho môi trường và hệ sinh thái tự nhiên một cách hiệu quả.

Từng là chủ một xưởng cơ khí, nhưng ấp ủ tình yêu với nông nghiệp, anh Vũ Văn Phong đã quyết định bỏ tất cả, chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới. Đó là phát triển mô hình trang trại trồng rau quả 100% hữu cơ. Không ngại khó, ngại khổ, anh Phong đã tự tìm tòi, nghiên cứu để cho ra đời các loại phân hữu cơ được ủ từ vỏ chuối, cá, ốc, giun quế, hay phân gà, phân lợn…

Anh VŨ VĂN PHONG, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương: “Tôi dùng các loại men vi sinh để ủ và các loại phân đã được hoại mục như phân bò, phân lợn, phân trâu, phân gà để ủ thành phân bón cho cây…”.

Nhờ đó, cả trang trại với diện tích hơn 1.000m2 cây trồng của gia đình anh Phong đều chỉ được bón hoàn toàn bằng các loại phân hữu cơ, không sử dụng bất cứ loại phân bón hoá học hay thuốc bảo vệ thực vật nào. Cây trồng phát triển xanh tốt, cho năng suất cao, mặt khác cũng mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường khi đất được bảo vệ tối ưu; các loại phế phẩm, phân động vật đều được tái sử dụng ủ thành phân bón mà không phải thải ra môi trường.

Anh VŨ VĂN PHONG, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương: "Sử dụng phân hữu cơ đầu tiên sẽ giúp cây phát triển tốt, giúp bền cây, cho năng suất ổn định, không như phân hoá học, mặt khác lại bảo vệ môi trường…".

Ông LÊ VĂN DUẨN, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Miện: "Ủ men vi sinh, xử lý các loại chất thải chăn nuôi để sử dụng cho trồng trọt, xử lý chất thải, không gây ô nhiễm môi trường…, Từ đó, vệ sinh môi trường nông thôn rất sạch sẽ, đạt những kết quả rất khả quan…".

Mô hình nông nghiệp hữu cơ như gia đình anh Phong là một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Trong đó, phân bón hữu cơ sẽ dần thế chỗ phân bón hoá học bởi lợi ích kép vừa giúp nâng cao hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Phát triển năng lượng tái tạo đang được xem là giải pháp và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Với việc nhận diện được các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, kinh tế, công nghệ, xã hội và đề xuất các giải pháp tháo gỡ; cùng với sự chung tay, giúp sức của các cấp quản lý tại Trung ương, địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp liên quan, nguồn năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh chóng trong thời gian tới. 

Kim Thoa