COP26 |Số 28|: Phát triển điện khí LNG - Giải pháp giúp hiện thực hoá cam kết tại COP26

Trước thực trạng các vấn đề liên quan đến tác động môi trường của các nhà máy nhiệt điện than, các nước trên thế giới đang tìm kiếm một giải pháp sạch hơn, đó là phát triển nhiệt điện khí – khí hóa lỏng LNG. Khí thiên nhiên được xem là dạng năng lượng có khả năng sử dụng linh hoạt ở nhiều lĩnh vực, giá cạnh tranh và ít phát thải khí nhà kính.

LNG là viết tắt của khí tự nhiên hóa lỏng. Loại khí này có thành phần chủ yếu là khí Methane CH4 (94,3%), không màu, không mùi, không độc hại và được làm lạnh tại nhiệt độ rất thấp (khoảng -120 đến -170ºC để chuyển sang thể lỏng). Nhiệt độ thích hợp nhất để hóa lỏng và loại bỏ tạp chất trong LNG là -163ºC. LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Hiện ở nhiều nước trên thế giới, khí tự nhiên hoá lỏng còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải như tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Khí hoá lòng LNG được mua bán rất phổ biến trên thị trường quốc tế, là nguồn năng lượng quan trọng ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ và các quốc gia Châu Á. Các nước xuất khẩu LNG nhiều nhất là Qatar, Australia, Malaysia, Mỹ, Nigeria, Nga, …

Trong khi tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo còn hạn chế và gặp nhiều bất cập, việc tiếp tục nhập khẩu khí hoá lỏng LNG là một trong định hướng không thể thiếu trong nền kinh tế Nhật Bản. Tới 2030, dự tính tỷ lệ LNG trong công suất nguồn phát điện lên tới 27%. Để phát triển thị trường, giảm giá thành khí tự nhiên, đa dạng hóa đối tác cho ngành công nghiệp LNG và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, Nhật Bản rất chú trọng vào việc tạo ra các diễn đàn giữa các doanh nghiệp và Chính phủ.

Thời gian qua, Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên là một trong những thị trường nhập khẩu khí LNG cho phát điện tiềm năng nhất ở Châu Á. Phát triển điện khí LNG cũng được xác định là giải pháp ‘xanh’ trong chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam. Để phát triển điện khí LNG là nguồn điện nền đảm bảo thay thế cho công suất điện than theo đề xuất mới nhất tại dự thảo quy hoạch điện VIII cần có những cơ chế chính sách, cũng như lộ trình, quy hoạch như thế cho phù hợp? Đây cũng sẽ là nội dung chính của chương trình COP26 ngày hôm nay.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi nội dung chương trình!

Thực hiện : Song Kiều