• 1125 lượt xem
  • 21:18 04/08/2022
  • Kinh tế

COP26 |Số 14|: Phát triển nhiều hơn nữa những đô thị xanh tại Việt Nam

Phát triển “Đô thị xanh” là giải pháp giúp các thành phố phát triển thịnh vượng, bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khái niệm này còn khá mới mẻ và chưa nhận được nhiều sự quan tâm của tất cả các bên. Trước những thách thức đặt ra đối với vấn đề biến đổi khí hậu, thì hiện nay, phát triển những đô thị xanh đang là một xu thế tất yếu.

ĐÔ THỊ XANH LÀ GÌ?

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khó lường, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, việc xây dựng các đô thị xanh ngày càng trở nên cấp thiết.

Theo đó, một đô thị được công nhận đạt chuẩn xanh phải đáp ứng được 7 tiêu chí đó là: Không gian xanh; công trình xanh; giao thông xanh; công nghiệp xanh; chất lượng môi trường đô thị xanh; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.

Như vậy, có thể thấy đô thị xanh không phải chỉ có cây xanh là đủ mà phải đảm bảo các yếu tố về kinh tế, tiện ích cho cư dân sinh sống.

Tổng thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES: “Đầu tư vào khả năng phục hồi là một cơ hội mang tính thế hệ để đưa các kế hoạch hành động vì khí hậu, năng lượng sạch và phát triển bền vững trở thành trọng tâm trong các chiến lược và chính sách phát triển của các thành phố. Cách chúng tôi xây dựng mạng lưới điện, giao thông và các công trình ở các thành phố - cách chúng tôi thiết kế các đô thị - sẽ mang tính quyết định trong việc đi đúng hướng để đạt được Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền vững”.

CAM KẾT PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ XANH CỦA VIỆT NAM

Nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng 0, Bộ Xây dựng vừa phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050" trong đó đặt mục tiêu phát triển rộng rãi vật liệu xanh, công trình xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ Xây dựng cam kết đến năm 2025, toàn ngành sẽ hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận công trình xanh, công trình phát thải carbon thấp; khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải khí carbon thấp. Đến năm 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới sẽ áp dụng tiêu chí khu đô thị xanh, phát thải carbon thấp; ban hành cơ chế khuyến khích phát triển đô thị xanh. Sau năm 2030, đặt ra mục tiêu 100% đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển đô thị theo hướng xanh, phát thải carbon thấp. Đến năm 2050, ít nhất 50% khu đô thị mới và 10% tổng số đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải carbon thấp.

Là một trong những tỉnh đứng đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh và có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, Quảng Ninh đang là một địa điểm thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước với tốc độ đô thị hoá ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong đó, việc xây dựng hệ sinh thái và phát triển đô thị xanh, hiện đại đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ông NGUYỄN MẠNH TUẤN, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh: “Tỉnh Quảng Ninh từ nhiều năm trước cũng đã tập trung dành nhiều nguồn lực để mời gọi các đơn vị tư vấn hàng đầu quốc tế để lập các quy hoạch chiến lược của tỉnh. Trên cơ sở này, chúng tôi nhận diện được các nút nghẽn, khó khăn, thách thức của tỉnh để từ đó đưa vào trong quy hoạch những định hướng, tầm nhìn, tư duy mới.”

Bên cạnh đó, đã có một số doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam cũng đang dần chú trọng đến yếu tố xanh trong xây dựng bởi nó không chỉ đem lại những lợi ích trong vấn đề bảo vệ môi trường mà đó cũng chính là xu hướng của nhiều người tiêu dùng thông thái.

Bà LƯU THỊ THANH MẪU, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang: “Phát triển bền vững là phát triển có trách nhiệm. Dù trách nhiệm hay cho đi thì cũng không làm mất đi lợi thế của thế hệ tiếp theo, tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Chúng tôi cũng mong muốn truyền tải cho thế giới những công trình xanh, đô thị xanh, cộng đồng xanh để hội nhập toàn cầu".

Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về vấn đề đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị nhằm triển khai thực hiện các chủ trương lớn về đô thị hóa và phát triển đô thị. Do đó, việc hoàn thiện thể chế, chính sách và công tác xây dựng quy hoạch đô thị được triển khai thực hiện tốt sẽ nâng cao chất lượng sống, kiến trúc đô thị hiện đại, thông minh và đáp ứng các tiêu chí xanh hoá đô thị.

Ông NGUYỄN ĐỨC HIỂN, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương: “Cũng còn rất nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi về mặt định hướng, quy hoạch, về cơ chế chính sách để thúc đẩy mô hình đô thị xanh, thông minh phải làm sao đồng bộ và có định hướng cụ thể. Trong đó, có vấn đề là sớm phải quy định rõ hệ thống tiêu chí thế nào là đô thị xanh, đô thị thông minh cũng như định hình các mô hình phù hợp với đặc điểm các vùng miền.”

Theo các chuyên gia, sự phát triển của đô thị xanh là xu hướng tất yếu cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và hiệu quả, tránh tình trạng bê tông hóa trong tương lai. 

Khái niệm đô thị xanh, đô thị sinh thái đã xuất hiện trên thế giới vào cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 tại các nước phát triển, đề cập đến chất lượng môi trường đô thị với các mục tiêu rất cụ thể nhằm nâng cao điều kiện và chất lượng sống cho cư dân. Nhưng tại Việt Nam, việc xây dựng các đô thị xanh còn khá nhiều bất cập. 

Ở Việt Nam hoàn toàn chưa có khái niệm nào định nghĩa rõ nét về đô thị xanh, dù trong các văn bản pháp luật, quy chuẩn, cũng đã đề cập đến phần xanh trong đô thị đó là quản lý và không gian cây xanh, cảnh quan tự nhiên, mặt nước hay công viên.

Bà NGÔ THỊ LAN PHƯƠNG, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng bền vững: “Khu đô thị xanh thì nó cần có nhiều tiêu chí. Ví dụ như là không gian xanh, mật độ cây xanh nó phải hợp lý. Thứ hai nữa là công trình xanh thì nó là việc xanh hoá các công trình, những công trình xanh, tiết kiệm năng lượng cũng như ưu tiên tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, sử dụng năng lượng hiệu quả, thân thiện với môi trường. Giao thông xanh là tỉ lệ phương tiện công cộng tăng, tỉ lệ phương tiện cá nhân giảm, giảm Co2". 

Thực tế hiện nay, các đô thị đang xây dựng với tiêu chí chung là mật độ thấp, dân cư dàn trải, tiêu thụ tài nguyên, ưu tiên phát triển kinh tế bằng mọi giá. Dẫn đến lãng phí tài nguyên đất, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới hệ sinh thái.

Ông NGUYỄN NGỌC THANH, Viện trưởng Viện Công nghệ xanh: “Cơ sở vật chất, hạ tầng đô thị, từ cảnh quan môi trường chưa nói nhưng mà riêng việc bảo đảm tối thiểu cuộc sống của con người từ nước sinh hoạt, điện, rác thải, kèm theo đó là phát triển sản xuất kinh doanh tư nhân quá nhiều nên ô nhiễm không khí rất lớn.”

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch và phát triển đô thị xanh tại Việt Nam cần có tầm nhìn lâu dài để tránh làm lãng phí tài nguyên, hạn chế ô nhiễm môi trường và đảm bảo mức sống tốt hơn cho con người trong tương lai.

Ông PHẠM THÁI SƠN, Giảng viên Kinh tế đô thị, Trường Đại học Việt Đức: “Xem xét, đánh giá một vấn đề trong bức tranh tổng thể rồi làm sao liên kết tất cả vấn đề lại với nhau và đề ra những giải pháp mang tính tổng hợp nhất.”

Ý tưởng xanh hóa đô thị không phải dễ dàng thực hiện giống nhau ở các đô thị, mỗi nơi đều có điều kiện khác nhau. Do đó, cần phải có các giải pháp thực tiễn hợp lý, có quyết tâm hành động từ cơ quan quản lý và sự chung sức, đồng lòng, thay đổi tư duy từ chính người dân.

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên của THQHVN đã có cuộc trao đổi với  TS. NGUYỄN QUANG - Nguyên Giám đốc Chương trình UN-Habitat tại Việt Nam, cơ quan của Liên Hợp Quốc về phát triển khu dân cư và đô thị bền vững, mời quỹ vị và các bạn theo dõi.

TRUNG QUỐC NỖ LỰC XÂY DỰNG THÀNH PHỐ XANH

Không chỉ tại Việt Nam mà các đô thị lớn trên khắp thế giới cũng đã và đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, phát triển đô thị xanh là xu hướng chung và trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia. 

Sau nhiều thập kỷ đô thị hóa kém bền vững, hiện Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng các mạng lưới thành phố xanh hơn, mang đến cuộc sống tốt hơn cho người dân. 

Nằm ở ngoại ô thành phố Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, một “thiên đường đô thị” đang mọc lên. Khi đến đây, du khách sẽ được chào đón bởi không gian xanh mát, và đặc biệt là con đường vành đai xanh Thiên Phú. Từ khi con đường này được triển khai, dịch vụ cho thuê xe đạp phát triển rất mạnh mẽ, khi người dân địa phương yêu thích việc đạp xe dọc con đường này.

Chủ cửa hàng xe đạp: "Từ tháng 4, sau khi con đường xanh đi vào hoạt động, rất nhiều người có thói quen đạp xe. Chúng tôi có thể bán được nhiều hơn so với mọi năm.”

Được khởi công xây dựng vào năm 2017, con đường xanh Thiên Phú có chiều dài dự kiến là 16.900 km, dài hơn khoảng cách từ thủ đô Bắc Kinh đến thành phố New York của Mỹ và cũng là hệ thống đường xanh dài nhất thế giới. Dự án này là một phần trong kế hoạch phát triển đô thị xanh của Thành Đô, nằm trong một không gian xanh rộng 14.000 km vuông, bao gồm một công viên và mạng lưới cây xanh bao phủ toàn thành phố. 

Người dân: "Tôi đã yêu nơi này ngay từ lần đầu tiên đến đây. Con đường xanh mát là một điểm nhấn ở Thành Đô. Nó rất tuyệt vời.”

Cũng nằm trong nỗ lực phát triển đô thị xanh và bền vững, thủ đô Cairo, Ai Cập đang tập trung phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, thân thiện với môi trường. Mới đây, một nhóm các sinh viên chuyên ngành kỹ thuật xây dựng đã phát triển thành công một loại bê-tông tự phát sáng, có khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời và chiếu sáng vào ban đêm.

Giáo sư MOHAMED NAGUIB: “Nghiên cứu này là một bước tiến trong quá trình sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, không tiêu thụ điện năng, không phát thải carbon dioxide hay các khí độc hại ra môi trường gây biến đổi khí hậu.”

Theo nhóm nghiên cứu, loại vật liệu mới này có thể giúp tiết kiệm điện năng trong quá trình chiếu sáng trên các tuyến đường cao tốc và biển báo giao thông. Nếu được sử dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng, loại bê tông này sẽ góp phần tạo ra các đô thị xanh và bền vững, góp phần chống biến đổi khí hậu.

CÔNG TRÌNH XANH PHỤC VỤ OLYMPIC 2024

Có thể khẳng định, xây dựng các công trình xanh, bền vững, thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng tất yếu hiện nay. Tại Pháp, mặc dù còn 2 năm nữa mới diễn ra Olympic Paris 2024, nhưng chính phủ nước này đã gấp rút chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Trong đó, việc đảm bảo các công trình phục vụ Olympic đạt tiêu chuẩn xanh về môi trường được đặt lên hàng đầu.  

Tại Saint – Ouen, vùng ngoại ô phía Bắc thủ đô Paris, các công nghệ hàng đầu trong ngành xây dựng đang được áp dụng cho ngôi làng Olympic, nơi lưu trú dành cho của các vận động viên. Công trình này được đánh giá là có tính bền vững và thân thiện với môi trường khi sử dụng đến 94% vật liệu tái chế và giảm thiểu một nửa lượng khí carbon phát thải vào môi trường.

Ông NICOLAS FERRAND, Giám đốc điều hành SOLIDEO - Đơn vị thực hiện dự án: “Tại khu vực Làng Olympic, chúng tôi đang hướng tới loại bỏ một nửa số khí các bon phát thải vào môi trường trên một mét vuông. Đây là điều mà chúng tôi hướng đến năm 2030, và điều đó đang được thực hiện ngay tại ngôi làng Olympic này”

Dự án Làng Olympic bao gồm 31 tòa nhà, trải rộng trên phạm vi 44ha và bắc qua sông Seine, dự kiến được hoàn thành trong 19 tháng. Khác với nhiều công trình tại các kỳ Olympic trước đó, thường bị bỏ hoang sau khi Thế vận hội kết thúc, tổ hợp này sẽ được chuyển đổi sang căn hộ và văn phòng dành cho 6.000 người.

Ông NICOLAS FERRAND, Giám đốc điều hành SOLIDEO, Đơn vị thi công Làng Olympic: “Chúng tôi sẽ xây dựng 330.000 mét vuông mặt sàn, đây là quy mô rất lớn và chính điều đó tạo nên tính độc nhất của dự án này. Điều đáng chú ý là chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ mới trên toàn bộ 330.000 mét vuông này. Những công nghệ mới nhất sẽ được giới thiệu tới mọi người thông qua công trình này. Điều đó cũng sẽ chứng tỏ rằng ngành xây dựng đã đạt được những bước tiến lớn trong quá trình chuyển đổi xanh.”

Ông EMMANUEL DESMAIZIERES, Giám đốc điều hành Công ty xây dựng Icade Promotion: “Chúng tôi đặt ra chính sách tái chế vật liệu xây dựng, theo đó, 10% vật liệu xây dựng sẽ được tái chế. Điều này giúp chúng tôi đạt được các mục tiêu giảm phát thải carbon. Theo thỏa thuận Paris, chúng ta đã cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Để làm được điều đó, chúng ta đang nỗ lực cắt giảm 41% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tương đương 4% mỗi năm, từ nay cho đến năm 2030.”

Nước chủ nhà Pháp đang hướng tới 1 Olympic xanh, khi cam kết giảm 55% lượng khí thải carbon so với các kỳ thế vận hội trước đó. Ngoài ra, chỉ có 5% cơ sở vật chất, bao gồm làng Olympic và trung tâm Olympic dưới nước, sẽ là các tòa nhà mới vĩnh viễn, ít hơn 10 lần so với các Thế vận hội trước đó.

GIÁO DỤC TRẺ EM VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGAY TỪ SỚM

Giáo dục trẻ em bảo vệ môi trường ngay từ sớm là một trong những xu hướng được nhiều cơ sở giáo dục đào tạo đang hướng đến. Điều này không chỉ mang lại một trải nghiệm thú vị cho các em mà còn giúp các em phát triển toàn diện hơn nữa.

Trường mầm non tư thục này có thời gian biểu cho các trẻ em nhỏ đang học tại trường khá linh hoạt và đặc sắc. Bởi nhà trường đã thêm các môn học và hoạt động thực tế gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường như dạy trẻ thế nào là bảo vệ môi trường, trẻ được trồng cây, hoà mình vào với thiên nhiên và nhiều hoạt động bổ ích khác.

Bà NGUYỄN THỊ THANH NHÀN, Hiệu trưởng Trường mầm non Big Sun: “Với một mục đích là tạo ra môi trường hoạt động giáo dục tốt nhất cho các con thì nhà trường cũng đã chủ động xây dựng những lịch sinh hoạt phù hợp với từng độ tuổi và trong ngày. Mỗi một ngày của các con đều có hoạt động ngoài trời và trong phòng.”

Nhiều phụ huynh cũng thấy yên tâm và phấn khởi khi các con vừa được dạy học ở trên lớp, vừa được trải nghiệm thức tế khi chính tay các con đều tự làm mọi việc.

Bà ĐÀO THỊ HƯƠNG, Phụ huynh: “Hiện nay môi trường đang bị ô nhiễm rất nhiều nên là vấn đề giáo dục trẻ để bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ rất cần thiết. Bởi vì các bạn nhỏ chỉ cần giáo dục những việc nhỏ nhất ví dụ như các con biết bỏ rác vào nơi quy định, không xả rác bừa bãi, trồng nhiều cây xanh đã là biện pháp giáo dục phù hợp với trẻ hiện nay.”

Các chuyên gia đánh giá, đây là một trong những sự đổi mới trong mô hình giáo dục trẻ hiện nay, giúp các em không chỉ rèn luyện trí tuệ mà còn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân với những vấn đề xung quanh.

Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC, Người tư vấn Khu trải nghiệm Big Sun: “Xây dựng những không gian mà nuôi trồng hiện đại, sử dụng những công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, đầu tư về công nghệ, rồi những loại cây khác nhau,… Với hy vọng là nó mang lại những cảnh quan, những cái học cụ cho học sinh tiếp cận được.”

Cũng theo các chuyên gia, mô hình giáo dục này cần phải được nhân rộng nhiều hơn nữa tại Việt Nam. Bởi vì lợi ích mà nó đem lại sẽ đóng góp lớn vào một mục tiêu chung mà tất cả mọi người đều đang hướng tới đó chính là bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hãy bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhặt nhất! Bài học này không chỉ được áp dụng ở mỗi lứa tuổi của các em mà tất cả mọi người đều có thể áp dụng được. “Tích tiểu thành đại”. Như vậy, mới có thể dần dần thay đổi và nâng cao được ý thức của mỗi người dân. Qua đó, sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng những đô thị xanh, hiện đại với cộng đồng dân cư văn minh.

Tuấn Anh