• 1429 lượt xem
  • 22:01 30/10/2022
  • Kinh tế

COP26: Phát triển nông nghiệp tuần hoàn - Tất yếu và cần thiết nhưng còn nhiều khó khăn

Nông nghiệp tuần hoàn dường như là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người, nhưng thực tế, đây là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình khác thông qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý.

Mục tiêu của nông nghiệp tuần hoàn đó là hạn chế sử dụng tài nguyên, tránh lãng phí, giảm việc thải khí nhà kính. Đây cũng là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam để phát triển nông nghiệp một cách bền vững. 

Những năm qua, nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn như: vườn ao chuồng biogas, vườn ao chuồng rừng, hay vườn ao hồ …đã được nhiều trang trại và nông hộ triển khai hiệu quả.

Với quy trình khép kín đó là ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong xử lý chất thải của bò, rồi ủ thành phân hữu cơ để tái sử dụng bón lót cho cây cỏ voi, cây ngô – lại là nguồn thức ăn chính cho bò, hầu như trong quá trình sản xuất trang trại này không phải bỏ đi bất cứ phế phẩm gì. Mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã giúp cho trang trại có thể tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn để chi tiêu cho thức ăn cho đàn bò, phần nữa lại giúp bảo vệ và cải thiện môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Còn đây là trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Luận ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương rộng trên 2 ha nuôi 20 lợn nái, mỗi năm xuất ra thị trường 200 con lợn thịt. Giải pháp xây dựng hầm biogas kết hợp với vườn – ao – chuồng đã giúp gia đình ông giải quyết tốt vấn đề môi trường trong chăn nuôi. Chất thải của đàn lợn còn được xử lý để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, bón cho hơn 50 gốc tre, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt. Mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 500 – 600 triệu/1 năm cho gia đình. Hơn thế nó còn giúp giữ gìn môi trường nông thôn trong lành, xanh, sạch.

Phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn đã làm giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

RÀO CẢN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN 

Ở Việt Nam, thuật ngữ “nông nghiệp tuần hoàn” còn rất mới mẻ, song chủ trương về phát triển kinh tế tuần hoàn trong đó có nông nghiệp đã được Đảng ta đưa ra từ sớm. Những năm qua, các thành phần của vòng tròn sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở nước ta vẫn đang được ứng dụng trên khắp cả nước. Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, việc áp dụng các mô hình KTTH trong sản xuất nông nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Theo các chuyên gia, mặc dù gần đây, sản xuất nông nghiệp nước ta đã và đang từng bước quan tâm đến sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, nhưng thực tế là hiện vẫn chưa tạo được động lực để phát triển nông nghiệp tuần hoàn một cách rộng rãi. Vấn đề nằm ở nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân về nông nghiệp tuần hoàn vẫn còn chưa đầy đủ. Mặt khác, hiện nay chúng ta chưa có hành lang pháp lý, thiếu hướng dẫn và tiêu chuẩn hóa cho triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn được áp dụng cũng chưa đầy đủ, đúng nghĩa, hầu như chỉ là tự phát.

Một thách thức nữa đó là năng lực khoa học công nghệ của chúng ta hiện vẫn còn hạn chế. Quy mô sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu là nhỏ lẻ, trong khi nguồn vốn để chuyển đổi mô hình nông nghiệp tuần hoàn lại cần lớn hơn nên nhiều nông họ còn chưa mặn mà.

THÁO GỠ KHÓ KHĂN ĐỂ NHÂN RỘNG NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN 

Nông nghiệp tuần hoàn sẽ là chìa khóa để quản lý hiệu quả các tài nguyên nông nghiệp và giảm thiểu tác động đến môi trường. Nếu được thực hiện trên diện rộng, nông nghiệp tuần hoàn có thể giảm bớt nhu cầu về tài nguyên và tác động sinh thái của ngành nông nghiệp. Vậy cần giải pháp gì để thúc đẩy và nhân rộng mô hình này?

Để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nhiều ý kiến cho rằng, việc cần làm đầu tiên đó là cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, và người nông dân về lợi ích và bản chất của nông nghiệp tuần hoàn. Đồng thời, cần thiết nâng cao năng lực, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ, phế phẩm trong nông nghiệp.

Cùng với đó, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về thực hiện KTTH nói chung và nông nghiệp tuần hoàn nói riêng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể, đầy đủ, hiệu quả cho việc thúc đẩy KTTH.

Ngoài ra, cần thiết ban hành chiến lược hoặc kế hoạch riêng cho thực hiện KTTH quốc gia để các bộ, ngành, địa phương có thể căn cứ vào đó xây dựng và thực hiện kế hoạch thực hiện KTTH riêng cho lĩnh vực và địa phương của mình.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực với quy mô toàn cầu, nguồn tài nguyên ngày càng hạn hẹp, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng KTTH tạo ra nhiều giá trị kinh tế, sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào ít hơn, giảm lượng chất thải ra môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm và phát triển bền vững.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!