COP26: Phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa - Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

Việt Nam là quốc gia có lượng rác thải nhựa ra biển nhiều thứ 4 thế giới, mức độ ô nhiễm nhựa đứng thứ 17 toàn cầu. Để giải quyết vấn nạn này, các nhà quản lý và chuyên gia cho rằng, việc phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa là bước đi tất yếu không chỉ giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường mà còn mở ra cơ hội kinh tế hàng tỷ USD.

Nhưng qua 40 năm, đến nay ngành công nghiệp này vẫn đang loay hoay tìm đường phát triển. Vậy cần có giải pháp gì để thúc đẩy tái chế nhựa sớm trở thành một ngành công nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn?

Rác thải nhựa thường tồn tại dưới các dạng vật thể như: ống hút, vỏ chai, túi nilon... là các vật dụng được tổng hợp từ chất hóa học hữu cơ (như nhựa PE). Hiện tượng ô nhiễm trắng gây ra bởi rác thải nhựa bắt nguồn từ việc xả rác nhựa ra môi trường của con người. Khi mỗi năm có tới 8-20 triệu tấn nhựa “đổ” ra biển. Với đà này, thì tới năm 2025, cứ 3 tấn cá trong lòng đại dương sẽ có 1 tấn rác nhựa.

Theo ước tính của các nhà khoa học, 80% lượng rác thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Việt Nam có 112 cửa biển, đây chính là nguồn để rác trôi ra đại dương và nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa.

Tái chế nhựa là phương pháp thu thập nhựa phế thải và chuyển đổi chúng thành các sản phẩm nhựa mới và hữu ích. Hằng năm thế giới sản xuất hơn 400 triệu tấn nhựa. Tái chế nhựa đảm bảo rằng lượng rác thải nhựa khổng lồ thải ra không bị lãng phí. Thay vào đó được xử lý tái chế thành các sản phẩm khác.

Dù đã được Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và đẩy mạnh phát triển song trên thực tế ngành công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, hiện nay tỷ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn rất thấp, chủ yếu dựa vào lực lượng thu mua phế liệu và một số cơ sở xử lý chất thải rắn có công đoạn phân loại tách nhựa khỏi chất thải rắn. Cơ sở tái chế nhựa hiện nay chưa phát triển mạnh, phần lớn các cơ sở tái chế chất thải hoạt động ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, tập trung nhiều nhất tại vùng ven. Hơn nữa, các cơ sở này đều có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ lạc hậu, chưa đủ năng lực tài chính để cải tạo, đổi mới quy trình tái chế đáp ứng xu hướng chất thải phát sinh thực tế, nên hiệu quả tái chế thấp, chất lượng không cao và ô nhiễm cho môi trường không khí, nước và đất.

Hiền Trang