• 3396 lượt xem
  • 22:53 01/05/2022
  • Kinh tế

Đẩy mạnh tín dụng xanh cho phát triển bền vững

Tín dụng xanh là một trong những giải pháp mà ngành tài chính áp dụng để ứng phó với các thách thức môi trường và xã hội thông qua các công cụ tài chính. Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế, hỗ trợ định hướng nguồn vốn vào các lĩnh vực xanh. Thế nhưng, trên thực tế sự phát triển của tín dụng xanh vẫn còn khá khiêm tốn.

Phát triển tín dụng xanh còn khiêm tốn

Tính đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng xanh là hơn 440.000 tỉ đồng (chiếm hơn 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế). Mặc dù trước đó, vào cuối năm 2015, dư nợ tín dụng xanh chỉ là hơn 70 nghìn tỉ đồng (chiếm 1,5% tổng dư nợ toàn hệ thống). Điều này cho thấy, dư nợ tín dụng xanh có xu hướng tăng nhanh theo từng năm, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá, quy mô dư nợ tín dụng xanh hiện vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng dư nợ toàn hệ thống. 

TS. CẤN VĂN LỰC - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV: Trong thời gian vừa qua (chúng ta) đã tiếp cận khá nhiều nguồn vốn quốc tế để thúc đẩy tín dụng xanh Việt Nam. Nếu tính cả dư nợ có liên quan đến tác động môi trường thì chiếm khoảng 14,5%, đã rất tích cực nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với yêu cầu về chuyển đổi xanh và tín dụng xanh".

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tín dụng xanh ở Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ. Đặc biệt, tín dụng xanh mới chỉ nằm trong tay các ngân hàng lớn, do các ngân hàng nhỏ không có nguồn vốn dài hạn, đủ lớn để có thể phục vụ các dự án lớn, lâu dài như năng lượng tái tạo. 

Ông MUTHUKUMARA S. MANI -  Chuyên gia trưởng về Kinh tế Môi trường, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: "Trong số 85 tổ chức tín dụng trong hệ thống của Ngân hàng Nhà nước: 72 trong số đó không có hệ thống xử lý các khoản tín dụng xanh và 74 trong số đó thậm chí không có cơ chế để xây dựng hệ thống xử lý các khoản tín dụng xanh. Rõ ràng, mặc dù đã có hướng dẫn nhưng tôi nghĩ còn nhiều việc cần làm để phát triển hệ thống tài chính."

TS LÊ THỊ THUỲ VÂN  - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính – Bộ Tài chính: “Vấn đề hiện nay chủ yếu là ngân hàng lớn quan tâm tới vấn đề này. Chủ yếu là lãi suất trung và dài hạn. Trên thực tế, triển vọng và tiềm năng phát triển là lớn”.

Doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn xanh

Đánh giá về việc phát triển tín dụng xanh, phải thừa nhận một thực tế là cho đến nay số lượng doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng xanh còn rất hạn chế. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lớn cũng còn rất mơ hồ về khái niệm này. 

Là một doanh nghiệp với thâm niên hơn 10 năm trên thương trường, đã và đang sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái lớn nhất hiện nay với công suất 4.200 KWp nhằm giảm thiểu phát thải ra môi trường, thế nhưng cho đến nay, Công ty CP nhựa Rạng Đông Long An cũng chưa hiểu rõ và chưa từng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh. 

Ông TRẦN MINH DŨNG - Tổng Giám đốc Công ty CP nhựa Rạng Đông Long An: "Hiện nay Doanh nghiệp nhựa Rạng Đông của chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Doanh nghiệp chưa nhận được các văn bản hướng dẫn chi tiết cụ thể, chưa được mời tham gia hội thảo nào".

Doanh nghiệp lớn còn như vậy, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng bày tỏ, chưa từng biết về chính sách này. Các hợp tác xã nông nghiệp sạch cũng nằm trong số đó, mặc dù họ đủ điều kiện để vay vốn từ nguồn tín dụng xanh theo quy định tại Điều 149 (Luật Bảo vệ Môi trường 2020).

Bà LÊ THỊ HẢI QUỲNH - Giám đốc HTX Tân Dân, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội: “ Tôi đã làm 5 năm nay,  việc tiếp cận đồng vốn của nhà nước để đi con đường dài là chưa có. Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến tín dụng xanh. Hỗ trợ cho nông nghiệp hữu cơ tôi đã nghe rất nhiều nhưng hình như chỉ có trên tivi thôi.”

Thậm chí, đến cả những doanh nghiệp điện gió, dù thuộc lĩnh vực cần có chính sách ưu tiên trong tiếp cận nguồn vốn xanh vẫn còn khó để tiếp cận với nguồn vốn, đặc biệt là bị xếp vào nhóm có hệ số rủi ro lớn, lãi suất cao.

Thiếu thông tin về các sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng, thời gian xin cấp tín dụng xanh dài, thủ tục vay vốn phức tạp; thiếu tài sản đảm bảo do DN là DN vừa và nhỏ… Đó là những nguyên nhân chính khiến cho nhiều doanh nghiệp vẫn đang đứng ngoài dòng vốn xanh thời gian qua.

Ngân hàng e dè với tín dụng xanh

Sau cam kết của Thủ tướng tại COP26, Việt Nam được kì vọng có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỉ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo. Thế nhưng, về phía các tổ chức tín dụng, họ gặp khó khăn, vướng mắc gì trong triển khai thực hiện tín dụng xanh khiến cho dòng vốn vẫn chưa được khơi thông?  

Là ngân hàng rất tích cực tham gia vào hoạt động tín dụng xanh, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) hiện có dư nợ tín dụng xanh dành riêng cho các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời) lên tới hơn 12.000 tỉ đồng. Dù có tỉ lệ dư nợ tín dụng xanh khá lớn trong các ngân hàng TMCP hiện nay, nhưng chính ngân hàng này cũng nhận thức rõ những rủi ro khi đầu tư vào các dự án xanh, bởi thời gian triển khai của các dự án này thường kéo dài.

Ông TRẦN HOÀI PHƯƠNG - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, HDBank: "Ngân hàng chúng tôi có dư nợ tín dụng cho các dự án điện mặt trời là hơn 12.000 tỉ đồng, chúng tôi cũng đã tham gia rất tích cực. Nhưng có rất nhiều rủi ro bởi ngành nghề khách hàng vay dài cũng ảnh hưởng đến nguồn vốn của ngân hàng, phải lường trước được rủi ro và chuẩn bị phương án rủi ro."

Nhiều ngân hàng có tâm lý e dè khi đầu tư vào lĩnh vực xanh, đặc biệt là năng lượng tái tạo chính là do thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng lại thường là ngắn hạn.

Bà PHẠM THỊ THANH TÙNG  - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước VN: "Nguồn huy động dài hạn của các ngân hàng rất khó khăn. Việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho các khoản đầu tư dài hạn để đảm bảo an toàn đang là thách thức cho các tổ chức tín dụng."

Ngoài ra, vướng mắc lớn nhất tồn tại hiện nay có lẽ là do hành lang pháp lý chưa cụ thể và rõ ràng, vẫn còn thiếu các quy định về thẩm định, tiêu chí và cơ chế đánh giá quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó, nhận thức và năng lực của cán bộ ngân hàng trong phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mới ở bước đầu và còn hạn chế.

TS. CẤN VĂN LỰC - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV: "Rõ ràng là về mặt cơ chế chính sách, hướng dẫn còn bất cập, thông tin dữ liệu truyền thông còn nghèo, kỹ năng kiến thức của cán bộ nhân viên của doanh nghiệp và cán bộ tín dụng còn hạn chế."

Về cơ chế chính sách cũng còn một số vấn đề, những hướng dẫn liên quan đến tiêu chí, phương thức cách thức thẩm định đánh giá, cuối cùng là liên quan đến kĩ năng nhận thức của nhân viên, chuyên viên.. 

Đẩy mạnh tín dụng xanh cho phát triển bền vững

 Để khơi thông nguồn vốn tín dụng xanh, việc xây dựng những cơ chế chính sách phù hợp, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù như chính sách bảo đảm tiền vay, cơ chế xử lý rủi ro, điều chỉnh chính sách lãi suất nhằm thúc đẩy đầu tư là điều hết sức cần thiết. 

TS LÊ THỊ THUỲ VÂN  - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính – Bộ Tài chính : "Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với các tổ chức ban ngành để xác định được các tiêu chí, định mức cho các dự án tín dụng xanh. Cần đào tạo cho đọi ngũ cán bộ ngân hàng về kiến thức tín dụng xanh"

Ông LÊ ĐĂNG DOANH - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: "Phải giảm lãi suất cho vay đối với tín dụng xanh, nên cấp một khoản nguồn vốn đầu tư đặc biệt cho tín dụng xanh."'

Ông MUTHUKUMARA S. MANI - Chuyên gia trưởng về Kinh tế Môi trường, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Một điều rất quan trọng là phải đưa ra được điều khoản pháp lý để thúc đẩy các tổ chức tín dụng cung cấp các khoản tín dụng xanh, phù hợp với tham vọng đạt mức cam kết phát thải ròng bằng 0. Cần nâng cao nỗ lực của các tổ chức tín dung để họ có thể xử lý các khoản vay, ví dụ đưa ra cơ chế riêng cho từng khoản vay trên từng lĩnh vực.”

Tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu nói chung và ngành tài chính Việt Nam nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu. Việc nhanh chóng thực hiện các giải pháp đồng bộ, kỳ vọng sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ, thu hút dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực xanh, giúp khơi thông nguồn vốn cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

Hiền Trang