• 1174 lượt xem
  • 20:30 17/04/2022
  • Kinh tế

Tiêu điểm: Bảo đảm nguồn vốn đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh bền vững

Tài chính xanh đang là 1 hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu và ngành tài chính Việt Nam nói riêng, đem lại những lợi ích rất lớn trong việc phát triển bền vững quốc gia gắn liền với những lợi ích về môi trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề này hiện còn nhiều vướng mắc, thiếu sự đồng bộ và thực hiện chưa hiệu quả.

THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH XANH TẠI VIỆT NAM CHƯA PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ: “Lâm Đồng là một trong số tỉnh có nhiều doanh nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường. Bởi các doanh nghiệp đã nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề chống biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và các công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện các công việc này hoàn toàn là nguồn vốn của doanh nghiệp, không phải từ các ngân hàng hay tổ chức có nguồn vốn đầu tư cho các dự án xanh.”

Ông NGUYỄN DUY ĐA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viên Sơn: Thực sự các ngân hàng hoặc các kênh thông tin để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đầu tư cho tăng trưởng xanh, chúng tôi đang tìm kiếm, chưa được tiếp cận nguồn vốn này.”

Bà PHẠM MINH HOA, CEO Làng Nấm Đà Lạt: Nếu có cơ hội tiếp cận được nguồn quỹ hỗ trợ hay có nguồn vốn của ngân hàng để đẩy mạnh tăng trưởng nông nghiệp xanh thì tôi rất vui.”

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, xét về cơ cấu, dư nợ tín dụng xanh cho lĩnh vực nông nghiệp chiếm 45% tổng dư nợ trong giai đoạn 2016-2019. Tuy nhiên, đại diện Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng lý giải nguyên nhân khiến cho nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn này là do hệ thống pháp lý cho tăng trưởng xanh chưa có nhiều, mới chỉ ở giai đoạn bước đầu tiếp cận.

Ông TRẦN VĂN LÂM, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Ví dụ như Luật Môi trường cũng đã tính tới các yếu tố phát triển xanh bền vững. Hay trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta mới đưa ra các tiêu chí về phát triển xanh vào trong hệ thống luật pháp. Có thể thấy, đó mới chỉ là những yếu tố rất nền tảng, sơ khai thôi, chưa có sự chi tiết cũng như những yếu tố để triển khai thật cụ thể, thật rộng rãi trong toàn bộ nền kinh tế.

Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà trong đầu tư, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam cũng được đánh giá là đang ở giai đoạn sơ khai. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, dù không thể thực hiện trong ngày một ngày hai nhưng Việt Nam phải dần đi theo xu hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho các dự án xanh và phát triển các sản phẩm tài chính xanh như một xu thế tất yếu.

PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH XANH – GÓC NHÌN TỪ TRUNG QUỐC

Mặc dù đã có một số hoạt động, sản phẩm tài chính được giới thiệu ra thị trường Việt Nam tuy nhiên nó vẫn chưa thực sự trở thành một xu hướng đầu tư. Và để phát triển, khắc phục những khó khăn, thách thức hiện có, việc tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới là rất quan trọng đối với Việt Nam. Trong đó, có thể nhắc đến những kinh nghiệm của Trung Quốc.

 Theo một nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa, để đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra, Bắc Kinh cần đầu tư khoảng 138 nghìn tỷ nhân dân tệ (21 nghìn tỷ USD) để loại bỏ carbon khỏi hệ thống năng lượng của mình vào năm 2060. Theo các chuyên gia, lĩnh vực “tài chính xanh” của Trung Quốc sẽ là chìa khóa để huy động những khoản đầu tư này.

Nhà nghiên cứu CHRISTOPH NEDOPIL WANG, Viện Tài chính Xanh Quốc tế, Đại học Kinh tế Tài chính Trung ương Trung Quốc: “Tài chính xanh có thể đóng hai vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Trung Quốc. Thứ nhất, tài chính xanh huy động và chuyển tiền vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, đặc biệt là đối với các công nghệ xanh và cải thiện cường độ phát thải và năng lượng của tất cả các lĩnh vực”.

Chính sách đầu tiên của chính phủ Trung Quốc liên quan đến tài chính xanh ra đời từ năm 1995, khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ban hành “Thông tư về Chính sách Tín dụng để Bảo vệ Môi trường”. Tuy nhiên, quá trình thực thi còn nhiều bất cập. Phải đến năm 2016, 7 Bộ và Ủy ban trong đó có Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Bộ Tài chính đã cùng ban hành bản “Hướng dẫn về Xây dựng Hệ thống Tài chính Xanh”. 

Văn kiện này bao gồm một loạt các biện pháp đổi mới quan trọng đã phác thảo khuôn khổ cơ bản cho hệ thống tài chính xanh tương lai của Trung Quốc và có thể được coi như là một khung khổ chính sách phát triển tài chính xanh có hệ thống đầu tiên trên thế giới.

Giáo sư LAN HONG, Đại học Nhân dân Trung Quốc: "Vào thời điểm đó, Trung Quốc đề cập đến phát triển xanh và chuyển đổi xanh, nhưng nếu lĩnh vực tài chính không chuyển đổi sang tài chính xanh và hầu hết các quỹ vẫn được đầu tư vào các ngành truyền thống thì làm sao cả nước có thể đạt được chuyển đổi xanh? Chúng tôi nhận thấy khoảng cách là rất lớn, vì vậy chúng tôi đã quyết định huy động các tổ chức tài chính cùng vào cuộc”.

Trong 5 năm kể từ đó, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng lĩnh vực tài chính xanh và hiện trở thành thị trường trái phiếu xanh lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Thống kê cho thấy dư nợ cho vay xanh bằng cả nội tệ và ngoại tệ đạt tổng cộng 15,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,52 nghìn tỷ đô la Mỹ) vào cuối năm 2021, tăng 33% so với năm trước, xếp hạng là mức lớn nhất thế giới.

TÍCH CỰC TRIỂN KHAI NHIỀU HOẠT ĐỘNG NHẰM ĐẠT ĐƯỢC CÁC MỤC TIÊU TẠI COP 26

Có thể thấy rằng, điều quan trọng nhất để phát triển, thúc đẩy mạnh hơn nữa thị trường tài chính xanh đó là phải có đầy đủ hành lang pháp lý, cơ chế chính sách khuyến khích sự tham gia của các bên. Ngay sau Hội nghị COP 26, Việt Nam đã nghiêm túc và nhanh chóng triển khai các nội dung. Trong đó, các cơ quan liên quan đang tích cực để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch… để thực hiện và đạt được các mục tiêu như đã cam kết.

Theo các chuyên gia, trước những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới, hệ thống cơ sở pháp lý cần phải được thay đổi phù hợp, khả thi cho toàn bộ các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực chủ chốt có ảnh hưởng lớn đến quá trình tăng trưởng xanh.

Bà LÊ THỊ MAI LIÊN, Trưởng Ban Chính sách tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính:Trọng tâm là các ưu đãi liên quan đến dự án tăng trưởng xanh. Rồi thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất. Ngoài ra, các cơ chế chính sách về chi ngân sách cho bảo vệ môi trường cũng được Bộ Tài chính ban hành và nghiên cứu. Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang rà soát 9 luật thuế, trong đó cũng rà soát các nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh.”

Bà PHẠM THỊ THANH TÙNG: "Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước: Chúng tôi đã có chủ trương là tích hợp các nhiệm vụ của ngành ngân hàng để góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu COP 26 và xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sử dụng khoa học công nghệ tiên tiến.”

Tuy nhiên, chỉ hoàn thiện thể chế sẽ không đủ để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, mà còn phải có những chính sách ưu đãi về tài chính cho các doanh nghiệp tham gia, nâng cao vai trò của đầu tư tư nhân đối với tăng trưởng xanh. Và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ thương mại, trao đổi kinh nghiệm và tiếp nhận các giải pháp công nghệ mới.

Ông JAESEUNG JASON LEE, Trưởng đại diện Quốc gia tại Việt Nam, Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu: Thách thức tăng trưởng xanh đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam là làm sao có được những điều kiện và nguồn lực cần thiết để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã đề ra. Để đạt được điều này, Việt Nam sẽ cần đến sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và cả khu vực tư nhân nữa. Khu vực này sẽ có vai trò quan trọng trong việc mang đến những thay đổi thiết thực. Đây cũng là hai yếu tố quan trọng Việt Nam cần tăng cường thúc đẩy để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh.”

Ông NGUYỄN HẢI MINH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam: Chúng tôi sẽ phối hợp với tất cả đại sứ quán các nước Châu Âu tại Việt Nam, phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam để tổ chức một chuỗi sự kiện và triển lãm. Mục đích là để quảng bá, thu hút đầu tư, giới thiệu các công nghệ xanh của Châu Âu vào Việt Nam. Bao gồm rất nhiều lĩnh vực, ví dụ như năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, về nông nghiệp, nhà máy, thậm chí là toà nhà xanh. Đây là những lĩnh vực bao trùm. Đây là thế mạnh của các doanh nghiệp Châu Âu. Họ có công nghệ, tiềm lực tài chính có thể hỗ trợ Việt Nam trong hiện thực hoá các cam kết của mình.”

Giới phân tích vẫn đánh giá cao sự nỗ lực tích cực của Việt Nam trong việc thay đổi, thích ứng các điều kiện để đạt được các mục tiêu như đã cam kết. Trong đó, cần thống nhất quan điểm xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách vừa bắt buộc, vừa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh, thực thi trách nhiệm xã hội đối với môi trường, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

SƠN LA ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NHIỀU NGUỒN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Phát triển năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng là chiến lược và nội dung cốt lõi, cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Câu chuyện tại tỉnh Sơn La (địa phương đang quyết tâm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo khu vực phía Bắc vào năm 2025) ngay sau đây sẽ cho chúng ta thấy rõ được những lợi ích thiết thực mà sự phát triển năng lượng tái tạo đem lại.

Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức và các hộ gia đình tại tỉnh Sơn La đã lắp hệ thống điện chạy pin năng lượng mặt trời để tự phục vụ cho nhu cầu sử dụng và sản xuất kinh doanh, không chỉ giảm áp lực về hệ thống điện quốc gia mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho chính các hộ sử dụng.

Anh ĐINH VĂN KHƯƠNG, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, Sơn La: Chúng tôi sản xuất quy mô trang trại 10ha, nên điện sử dụng điện tưới tiêu hàng tháng rất lớn. Trên mạng thấy người ta lắp rất nhiều điện mặt trời, gia đình tìm hiểu và quyết định đầu tư năng lượng mặt trời. Qua 1 thời gian sử dụng thấy hiệu quả rõ rệt. Vì gia đình sử dụng 6-7 triệu đồng tiền điện/tháng, sau khi lắp pin mặt trời thì giảm 30 đến 40% tiền điện”.

Sơn La được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời hay các nhà máy điện gió. Không những thế, với thuận lợi về địa hình, mạng lưới sông suối và nguồn nước, tỉnh Sơn La còn có nhiều điều kiện tốt để phát triển mô hình thủy điện.

Ông NGUYỄN QUỐC KHÁNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Tỉnh Sơn La chúng tôi rất quan tâm làm sao để thu hút được các nhà đầu tư huy động nguồn lực đầu tư vào năng lượng tái tạo, đây là nội dung mà Chính phủ và các bộ ngành rất quan tâm để đảm báo an ninh năng lượng trong thời gian tới.”

Bà PHẠM THỊ DOAN, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sơn La: "Định hướng thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo 1 cách bền vững như điện gió, điện mặt trời, điện tích năng và thuỷ điện. Và như vậy sản lượng điện của Sơn La vẫn lớn nhất so với các tình trong khu vực phía Bắc.”

Với hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo nối lưới được xem là một trong những giải pháp quan trọng, sẽ góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên để phát điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Sơn La và của đất nước.

Có thể thấy rằng, việc hướng tới các nguồn năng lượng xanh là sự lựa chọn và phát triển đúng đắn, góp phần vào mục tiêu cao cả hơn đó là đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia.  Nếu như ngày càng nhiều người nâng cao nhận thức, chuyển sang sử dụng các sản phẩn xanh để bảo vệ môi trường thì sẽ có càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào các lĩnh vực xanh, từ đó thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam. 

Kim Thoa