COP 26 |Số 52|: Phát triển hydrogen - một trong những giải pháp hiện thực hóa cam kết “net zero” của Việt Nam

Dưới tác động của biến đổi khí hậu và khan hiếm nhiên liệu, thời gian qua, nhiều nước trên thế giới đã dịch chuyển năng lượng tích cực và hiệu quả. Ngoài điện gió, điện mặt trời, hydrogen cũng được nhiều nước sản xuất và sử dụng trong công nghiệp. Trong lộ trình dịch chuyển năng lượng của mình, Việt Nam cũng chọn phát triển công nghiệp hydrogen xanh là một hướng đi.

Hydro - nguyên tố nhẹ nhất và phong phú nhất trong vũ trụ. Mặc dù hydro phân tử nguyên chất khá là hiếm trên trái đất, tuy nhiên chúng có thể dễ dàng được tạo ra bằng cách điện phân nước (H2O). Sau đó, hydro có thể tạo ra điện bằng phản ứng đảo ngược của điện phân nước, hoặc có thể lưu trữ để sản xuất điện khi cần đến.

Sau các loại năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời… phát triển công nghiệp hydrogen xanh đang được xem là hướng đi tiếp theo cho Việt Nam trong lộ trình chuyển đổi năng lượng. Bởi thông qua việc sử dụng hydrogen và dẫn suất như Ammonia, methanol trong nghành năng lượng, công nghiệp và giao thông vận tải, Việt Nam có thể chuyển dịch dần sang những dạng năng lượng xanh hơn, mà không cần phải chuyển đổi quá nhiều công nghệ, qua đó giảm dần việc phát thải CO2.

Cùng với năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể sản xuất Hydrogen từ công nghệ Plasma. Đây là công bố của các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ VIN IT. Theo các nhà khoa học,công nghệ plasma có thể tạo Hydrogen và khí hoá Plasma. Đây là một trong hai công nghệ mà Việt Nam cần hướng tới để ứng dụng trong nhiều ngành nhiều lĩnh vực để giảm phát thải CO2 ra môi trường, đạt mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ ma Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Năm 2022, tăng trưởng của Việt Nam tới hơn 8%. Sự tăng trưởng kinh tế đó diễn ra đồng thời với sự gia tăng nhu cầu năng lượng và đòi hỏi các giải pháp sáng tạo để bảo đảm an ninh năng lượng. Theo đó, phát triển hydrogen được xem là một trong những lựa chọn tối ưu bởi đây không chỉ là một giải pháp lưu trữ năng lượng hiệu quả mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. 

Với nhận định rằng trong tương lai gần, hydro xanh sẽ trở thành năng lượng thay thế, thì sự chuẩn bị ngay từ bây giờ của Việt Nam là cần thiết. Theo lộ trình phát triển dự kiến, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển các dự án hydro quy mô nhỏ với sản lượng đạt khoảng 20 – 25 ngàn tấn. Tuy nhiên đây là một lĩnh vực mới đối với Việt Nam, chính vì vậy bên cạnh những lợi thế, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn khi phát triển nguồn nhiên liệu mới này.

Mời quý vị theo dõi chương trình!

 

Kim Thoa