Công trình di sản đứng trước nỗi lo bị tàn phá bởi những thứ li ti

Bảo vệ, gìn giữ những giá trị di sản là nhiệm vụ luôn được các cấp các ngành cũng như các cơ quan quản lý ngành văn hoá và các địa phương ưu tiên, đặc biệt là đối với các di sản mang danh hiệu thế giới. Tuy nhiên, không phải lúc nào nhiệm vụ đó cũng có thể được thực thi 100% bởi nhiều lí do. Trong đó yếu tố thời tiết, khí hậu dù ít khi được nhắc đến nhưng lại có sức tác động không hề nhỏ.

Những lỗ nhỏ li ti trên mặt tường thành Nhà Hồ này chính là dấu vết của địa y – một dạng kết hợp giữa nấm và địa y để lại sau khi được các cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ xử lý. Dù nhìn từ xa khó có thể nhìn thấy những lỗ nhỏ này nhưng chúng ta cũng dễ dàng quan sát, màu sắc đá khu vực bị địa y xâm lấn đã đổi màu.

Dương xỉ mọc trên các kẽ đá, nước mưa chảy dọc tường thành, các mảng muối trắng đang có hiện tượng lan rộng…. vẻ cổ kính của Thành Nhà Hồ dường như càng được tôn lên nhưng đằng sau đó lại là cả một nguy cơ ăn mòn các tảng đá. Trên thực tế thì năm 2018 Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cũng đã được hỗ trợ để khắc phục tình trạng xâm lấn của yếu tố thiên nhiên, nhưng sau 2 năm thì mọi việc lại trở về như cũ, bởi chính cấu tạo đặc biệt của khu thành cổ này khi không hề sử dụng chất kết dính, nên việc tạo kẽ đã làm môi trường cho thực vật, sinh vật phát triển là điều không tránh khỏi.

Trải qua hơn 600 năm, Thành Nhà Hồ vẫn vững chãi với mưa, với gió và có lẽ thêm 600 năm nữa những bức tường thành này vẫn có thể đứng vững với thời gian. Thế nhưng diện mạo của di sản này có thể sẽ bị biến đổi mạnh mẽ nếu tự nhiên vẫn cứ tác động không ngừng mà con người chưa tìm được một giải pháp hữu hiệu.