Công nghiệp văn hóa đi đúng hướng sẽ đem đến lợi ích lâu dài, kiến tạo thương hiệu quốc gia, hãnh diện dân tộc

Sau 5 năm thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần khơi thông.

Sáng 20/12, tại Hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức, nhiều tham luận của các bộ, ngành, địa phương đã phân tích các hạn chế, rào cản và đề xuất những giải pháp khơi thông nguồn lực cho công nghiệp văn hóa… 

Hội nghị đã đưa ra báo cáo kết quả hoạt động các lĩnh vực liên quan. Sau 5 năm triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chiến lược, ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trước dịch, sự phát triển nổi trội của 1 số ngành nghề đã cho thấy sự tăng trưởng của các ngành thuộc công nghiệp văn hóa, trong đó Điện ảnh: năm 2019 tổng doanh thu đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng; Du lịch văn hóa: năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 720.000 tỷ đồng, Quảng cáo: năm 2019, tổng doanh thu quảng cáo trên các phương tiện là 65.408 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế cần giải pháp khắc phục trong thời gian tới như tình trạng chồng chéo giữa các bộ ban nghành, hay việc tiếp cận nguồn tài chính khó khăn, nhu cầu cơ sở hạ tầng, không gian nghệ thuật sáng tạo chưa được chú trọng.

Văn hóa phải được đặt dưới sự lãnh đạo của đảng, quản lý của nhà nước, nhân dân là chủ thể sáng tạo nhưng văn nghệ sĩ là lực lượng quan trọng. Và từ tổ chức này để vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, của các hiệp hội, của các nghiệp đoàn, của những người biết làm công nghiệp văn hóa sản phẩm công nghiệp văn hóa chứ không phải là một bộ phận nhỏ trong cục bản quyền tác giả, bản quyền tác giả chỉ là một phần

Trong Hội nghị, các bài tham luận của đại diện các bộ, ban ngành TW và địa phương đã cho thấy bức tranh toàn cảnh cùng những điểm sáng tiềm năng trong công nghiệp văn hóa hay những điểm nghẽn trong chính sách.

Công nghiệp văn hóa chính là bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp hay công nghiệp sang các hoạt động sản xuất dựa trên kiến thức và dịch vụ, ra đời trên bệ đỡ là sự sáng tạo, năng lực kinh doanh, công nghệ thông tin và truyền thông. Nếu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đi đúng hướng sẽ đem đến những lợi ích lâu dài cho kinh tế, giúp kiến tạo thương hiệu mạnh cho quốc gia; mang lại niềm tự hào, hãnh diện về văn hóa cho người dân và các tổ chức, từ đó trở thành ngọn nguồn quan trọng của sức tập hợp dân tộc.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hải Linh