Công khai thông tin cho người dân cần tránh “hình thức”

Sáng 14/06, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hiện nay trong dự thảo luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã, bổ sung một số hình thức mới như đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử; thông qua mạng xã hội…

Theo đại biểu Mai Văn Hải, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá việc mở rộng các hình thức công khai thông tin để phù hợp với tình hình thực tiễn là phù hợp, tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần nhắc đối với những hình thức không có tính khả thi như việc họp báo, thông cáo báo chí. 

Ông MAI VĂN HẢI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: Cũng có nhiều nội dung công khai đã đến được với người dân để người dân biết và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các chủ trương, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở. Nhưng bên cạnh đó cung cấp một số nội dung, hình thức công khai chưa phù hợp, người dân khó tiếp cận, đôi khi là còn hình thức. Để tránh việc công khai hình thức, tôi đề nghị tiếp tục rà soát lại các hình thức công khai cho phù hợp với thực tiễn để người dân tiếp cận một cách dễ dàng nhất, tránh hình thức. Tại điểm e khoản 1 quy định hình thức thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân xã. Theo tôi hình thức này trên thực tế không phù hợp và khó có thể thực hiện được đối với cấp xã.

Chỉ ra thực trạng nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng thông báo mang tính chất hình thức, chiếu lệ, các ý kiến đại biểu cho rằng nếu công khai không kèm theo sự minh bạch thì sẽ không đảm bảo được quyền lợi của người dân. Do đó, đề nghị nghiên cứu quy định một số hình thức công khai bắt buộc đang thực hiện có hiệu quả, đồng thời chú trọng đến việc công khai thông tin cho đồng bào là người dân tộc thiểu số. 

Ông SÙNG A LỀNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai: Việc tổ chức thực hiện công khai thông tin của chính quyền cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đòi hỏi nguồn lực kinh phí không nhỏ, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các hình thức công khai thông tin để vừa đảm bảo đa dạng, đổi mới, tiệm cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, vừa đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn áp dụng, tránh lãng phí nguồn lực, nghiên cứu bổ sung công khai trên các mạng xã hội chính thống được pháp luật cho phép.

Ông HOÀNG NGỌC ĐỊNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang: Đối với những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống với những ngôn ngữ khác nhau thì trước khi công khai cần phải dịch thông tin cần công khai ra các thứ tiếng dân tộc thiểu số để niêm yết công khai thông tin tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã và nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc để công khai đọc các thông tin trên hệ thống truyền thanh của cấp xã và các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc thiểu số đọc, nghe, hiểu, nắm bắt được các thông tin cần công khai.

Về nội dung đối thoại với người dân, các ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa trong luật. Đặc biệt là cần phải tập trung vào những nội dung, những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của nhân dân để chúng ta thực hiện việc đối thoại. Đồng thời, đề nghị cần quy định cụ thể hơn trình tự, thủ tục thực hiện việc đối thoại với nhân dân.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam