Cộng hòa Séc đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU

Bắt đầu từ hôm nay 1/7, Cộng hòa Séc chính thức đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu trong nửa cuối năm nay. Lần thứ hai tiếp quản "ghế nóng" trong bối cảnh Liên minh châu Âu đối mặt hàng loạt thách thức, Cộng hòa Séc đã thể hiện sự chủ động, tích cực và có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, những vấn đề chính trị trong nước, bất đồng nội bộ EU cùng diễn biến địa chính trị phức tạp có thể gây ra không ít sóng gió đối với tân chủ tịch EU trong nhiệm kỳ này.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala và chuyển giao cho Cộng hòa Séc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu trong 6 tháng cuối năm. 

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON: “Chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tôi chỉ muốn truyền đi thông điệp về lòng can đảm, sự dũng cảm và sự cống hiến cho nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU của Cộng hòa Séc.”

Thủ tướng Cộng hòa Séc PETR FIALA: “Cảm ơn nước Pháp về nhiệm kỳ vừa qua. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn đối với châu Âu, nhưng các bạn đã làm rất tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các bạn.”

Đảm nhiệm cương vị chủ tịch luân phiên EU, Cộng hòa Séc xác định khẩu hiệu cho nhiệm kỳ 6 tháng này là “Châu Âu như một bổn phận: Nghĩ lại, xây dựng lại, nâng cao năng lực”. Chính phủ Séc cũng xác định 5 ưu tiên gồm: đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn và tái thiết Ukraine; đảm bảo an ninh năng lượng; tăng cường năng lực quốc phòng và an ninh trên không gian mạng của EU; khả năng phục hồi chiến lược của nền kinh tế EU và cuối cùng là khả năng phục hồi của các thể chế dân chủ.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này, Cộng hòa Séc cũng phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó phải kể vấn đề chính trị - kinh tế nội tại của Séc khi nước phải vật lộn với tình trạng lạm phạt tăng vọt. Bên cạnh đó, những bất đồng và mâu thuẫn nội bộ của EU cũng là thách thức không nhỏ khi mà 27 quốc gia thành viên vẫn đang tranh cãi về vấn đề người di cư, khí đốt và năng lượng hạt nhân, xung đột Ukraine và quan hệ với Nga. 

Tuy nhiên, thử thách cam go cũng là cơ hội lớn để quốc gia Trung Âu với hơn 10 triệu dân này khẳng định vị thế và tiếng nói của mình, thúc đẩy những lợi ích riêng trong lợi ích chung của EU khi phải đối mặt với một thế giới đầy biến động.

Thu Ngoan