Còn nhiều ý kiến khác nhau về phương án dạy và học môn Lịch sử cấp THPT

Thảo luận tại Phiên họp thứ 3 Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến các tầng lớp Nhân dân, ý kiến đội ngũ chuyên gia lịch sử, đại biểu Quốc hội... quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.

Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của môn Lịch sử, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ. Theo đó, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh trung học phổ thông từ 15 đến 17 tuổi có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Ở nhiều nước trên thế giới, môn Lịch sử trong Chương trình trung học phổ thông luôn là môn học bắt buộc. Do vậy, nhiều đại biểu đồng tình về việc dạy lịch sử bắt buộc ở cấp THPT. Tuy nhiên, tư duy dạy và học lịch sử cần thay đổi.

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Khảo sát ở các trường mà có môn lịch sử là môn chuyên, dù các giáo viên có thay đổi về phương pháp, tìm tòi, ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng mục đích vẫn là ghi nhớ sự kiện con số. Dù tổ chức học ngoại khóa thì cũng quay về mục tiêu ghi nhớ con số, sự kiện…”

Thấu hiểu tầm quan trọng và trăn trở của xã hội về môn lịch sử, tuy nhiên có ý kiến cho rằng thay đổi lịch sử từ tự chọn thành bắt buộc đòi hỏi sự nghiên cứu kĩ lưỡng, vì theo thiết kế chương trình mới, học sinh học hết THCS đã được trang bị đầy đủ kiến thức lịch sử cơ bản.

Bà NGUYỄN THỊ KIM THÚY, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội:  “Chương trình được xin ý kiến 2 lần năm 2015 và 2017. Chương trình các môn được xin ý kiến 2 lần, xin ý kiến các Sở GDĐT, xin ý kiến giáo viên, các cơ sở giáo dục. Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình mới với giáo sư sử học Phan Huy Lê sau nhiều lần xem xét đã thông qua. Chương trình đã xin ý kiến các hội đồng, ủy ban, ban tuyên giáo,… Sau khi nhận được đồng thuận cao thì đã thông qua chương trình này.”

Một số đại biểu cũng đặt vấn đề thời điểm sửa đổi chương trình liệu có phù hợp, khi chỉ còn 3 tháng nữa là bắt đầu năm học mới.  Có ý kiến đề nghị dạy lịch sử tự chọn có định hướng để hài hòa giữa các bên; đồng thời tăng cường đổi mới dạy, học và kiểm tra đánh giá môn học này.
 

Ngọc Tuấn