Còn nhiều nội dung cần được nghiên cứu, hoàn thiện trong Quy hoạch tổng thể quốc gia

Chiều 21/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch được xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch, xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch tổng thể quốc gia quán triệt và cụ thể hóa rõ hơn các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030.

Quy hoạch Tổng thể Quốc gia cũng đưa ra một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu theo từng giai đoạn 2021 – 2030, đến năm 2030, giai đoạn 2031-2050. Phấn đấu chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Quy hoạch tổng thể Quốc gia cũng nêu những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch; Một số định hướng lớn; Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời đưa ra giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Quy hoạch tổng thể Quốc gia được xây dựng cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, việc lập quy hoạch chưa thể hiện được việc “tiếp cận từ cân đối tổng thể” theo phương pháp tích hợp, đa ngành theo Luật Quy hoạch. Chưa thuyết minh được quan điểm rõ ràng, thống nhất về mức độ thể hiện chi tiết các ngành, lĩnh vực, làm căn cứ để xây dựng các nội dung định hướng phát triển thành phần. Đồng thời, chưa có sự phân định với các nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển vùng, địa phương, chiến lược và kế hoạch phát triển KTXH trung và dài hạn. Đề nghị nghiên cứu, tính toán thêm các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tương ứng phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch chưa có các giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá và cụ thể thời hạn, lộ trình phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia còn nhiều nội dung cần tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, giải trình. Bên cạnh đó, còn nhiều ý kiến khác nhau về mức độ chi tiết của Quy hoạch tổng thể nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các Nghị quyết có liên quan và định hướng cho các quy hoạch cấp dưới triển khai thực hiện. Đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Hồ sơ, đặc biệt là dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.