• 2492 lượt xem
  • 04:27 23/06/2022
  • Văn hóa

“Con đường gốm sứ” lớn nhất thế giới tại Hà Nội đang xuống cấp trầm trọng

Con đường gốm sứ ven sông Hồng là công trình chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long (hoàn thành vào tháng 10/2010) với mức kinh phí 65 tỉ đồng. Công trình đã từng được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, đồng thời được Tổ chức Guinness công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới. Hiện nay, công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng, bong tróc ở nhiều vị trí, khiến người dân xót xa.

Những vết nứt ngang dọc, những mảng tường bị vỡ rất mất mỹ quan, một số đoạn, bức tranh gốm sứ bong tróc rộng tới cả m2. Nhiều người dân thiếu ý thức đã tự ý tập kết rác thải dọc con đường này gây cảnh tượng nhếch nhác, bố mùi hôi thối.

Anh NGUYỄN HẢI NAM, Quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội: "Như hiện tại thì con đường này thì nó đang xuống cấp. Bản thân là một người dân tôi cảm thấy rất là xót xa và cũng cảm thấy tiếc khi mà nó xuống cấp như thế. Rất mong cán bộ của thành phố có sự quan tâm hơn nữa để bảo trì cho con đường này luôn luôn là một điểm nhấn của thành phố.”

Bà ĐÀM THỊ XUYÊN, Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội: “Là một người dân ở Hà Nội, tôi đề nghị thành phố nên quan tâm, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng để con đường ngày một đẹp hơn và xứng tầm với Thủ đô của chúng ta.”

Ngoài một bộ phận người dân thiếu ý thức giữ gìn, bảo vệ tài sản công thì vật liệu xây dựng làm “con đường gốm sứ ” cũng chưa thực sự phù hợp, cộng thêm tác động bởi mưa nắng và rung chấn giao thông. Theo nhiều chuyên gia, để khắc phục được tình trạng trên, cần có một phương án tổng thể thay vì chỉ dừng lại ở việc chắp vá hỏng đâu sửa đó. 

TS.KTS NGÔ DOÃN ĐỨC, hội Kiến trúc sư Việt Nam: "Khi nâng cấp, tu bổ nó (con đường gốm sứ - PV) phải có một nghiên cứu sao cho toàn diện, lâu dài. Nếu mà vá víu ấy thì nó tạm thời quá. Tôi thấy nó chưa tương xứng với cái ý nghĩa và cái giá trị.” 

Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: "(Đây là) việc chúng ta gìn giữ một cái sản phẩm vật chất nhưng mang yếu tố tinh thần rất là cao. Thậm chí có thể nói đây là sự đóng góp vô cùng lớn của người dân và các doanh nghiệp. Tôi nghĩ chắc chắn rất cần sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như của các tổ chức để chúng ta xem xét bảo tồn công trình này."

Những bức tranh gốm sứ này liệu có trường tồn với thời gian và là điểm nhấn của Thủ đô hay không còn phụ thuộc vào ý thức của người dân cũng như sự quan tâm, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Trần Tiến