• 3049 lượt xem
  • 07:25 30/06/2022
  • Văn hóa

Chuyện về cây đa di sản 315 tuổi được cứu chữa ở Hải Phòng

Thời gian gần đây, bên cạnh những tin vui về việc công nhận thêm cây di sản ở các tỉnh thành, thì cũng không ít thông tin tiêu cực về việc cây di sản bị chết, mục ruỗng sau một thời gian được công nhận. Thực tế này đòi hỏi các địa phương có cây di sản phải thực sự quan tâm đến danh hiệu này, đồng thời phải đề ra những giải pháp mang tính chuyên nghiệp hơn để quản lý và chăm sóc cây di sản.

Đã từ lâu, cây đa 13 gốc nằm ở xóm Trại, thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng nổi tiếng với du khách trong và ngoài tỉnh bởi hình dáng hết sức kì thú. Tính đến thời điểm này, cây đã có tuổi đời khoảng 315 tuổi, cùng với bộ gốc vươn xa tới bán kính gần cả chục mét, cây đa xóm Trại đã sớm được công nhận danh hiệu cây di sản ngay từ năm 2014. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cây đa này cũng đã phải đối mặt với nhiều tác động của quá trình độ thị hóa, của thiên tai, thời tiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sự trường tồn của cây.

Ông NGUYỄN BÁ HIỆP – tổ trưởng tổ dân phố Xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng: ”Nhiều năm trước đã có những cái cành bị gãy mục bởi tác động của môi trường thiên nhiên bão gió, thời tiết gây ra. Quá trình đô thị hóa chỉ còn lại khuôn viên nhỏ thì cây đa bị tác động của môi trường rất lớn, nguồn nước sinh hoạt của người dân chảy ra, chỗ cây đa là vùng trũng nhất, mỗi khi lượng nước đổ về cây đa này thì nó thẩm thấu bộ rễ gây ra việc sâu bệnh cành lá trên cây.”

Trước thực trạng xuống cấp của cây di sản, tổ dân phố Xóm Trại đã chủ động thành lập ban quản lý cây di sản 13 gốc Xóm Trại, nhằm đề ra những phương hướng để cứu cây, quản lý kinh phí duy tu, bảo trì cây từ nguồn xã hội, nhờ vậy mà cây đa có sự phục hồi mạnh mẽ và giữ nguyên được hình thái đặc biệt của mình.

Ông NGUYỄN BÁ HIỆP – tổ trưởng tổ dân phố Xóm Trại, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng: ”Năm ngoái 2021, khi ban quản lý chúng tôi phát hiện ra việc đó thì có báo cáo Ủy ban phường Đằng Giang, rồi nhờ sự chăm sóc của Công ty Công viên cây xanh Hải Phòng, xin ý kiến của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Hải Phòng đã phối kết hợp tìm thuốc và khảo sát để chữa nấm bệnh cho cây di sản Việt Nam. Đến giờ phút này, qua 1 năm, cây đã sinh trưởng ổn định và cành lá xanh tốt, trở lại như trước đây”.

Không chỉ thành lập ban quản lý ở từng cụm dân phố, mô hình ban quản lý cây di sản tại Hải Phòng cũng được thành lập ở đơn vị hành chính cao hơn như ban quản lý cây di sản của xã, hay của huyện, có sự tham gia và phát huy vai trò của cả cấp chính quyền lẫn người dân. 

Đơn cử như Ban Quản lý cây di sản xã Lê Thiện, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng có 4 thành viên, trong đó, Trưởng Ban quản lý là Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, 3 thành viên còn là Trưởng Ban quản lý của từng cây. 

Ông ĐỖ VĂN TUÂN – Phó Chủ tịch UBND xã Lê Thiện, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng: ”Sau khi mà thấy cây bàng ở Đình Dụ Nghĩa có hiện tượng phát triển chậm lại và có một số cành, chi có dấu hiệu chết lưu, ban quản lý cây đã liên hệ với các cơ quan chuyên môn của thành phố và cũng nhờ sự quan tâm của Hội Bảo vệ cây Di sản, Sở Nông nghiệp thì chúng tôi cũng đã khắc phục, điều trị được một thời gian và cây bàng đã xanh tốt trở lại, và quyết tâm làm sao gìn giữ các cây di sản này như những bảo vật quí của địa phương”.

Cũng theo chia sẻ của chính quyền xã Lê Thiện thì nguồn kinh phí để bảo tồn, duy tu các cây di sản vẫn chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, còn cấp chính quyền chỉ có thể giúp sức vào công tác định hướng, quản lý chung. Mặc dù vấn đề này có thể gây khó khăn nếu địa phương, khó huy động nguồn xã hội hóa, nhưng ít nhất việc chuyên nghiệp hóa công tác quản lý cây di sản, trong đó có sự tham gia của cả cấp chính quyền cùng người dân cũng sẽ là nền tảng tốt để có thể tìm ra những định hướng tương lai nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý cây di sản mà rất nhiều địa phương hiện nay đang vướng mắc. 

Anh Thư