Trước những biến động của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay và sự du nhập của nhiều loại tranh, tranh dân gian truyền thống đã và đang dần mất đi vị trí trang trọng trong những ngôi nhà hiện đại và chịu những tác động, thách thức không nhỏ. Thế nhưng trải qua năm tháng, thời gian và sự mai một, dòng tranh dân gian vẫn lặng lẽ chảy.
Nếu như các dòng tranh như Hàng Trống, Đông Hồ, … còn các nghệ nhân Lê Đình Nghiên và Nguyễn Đăng Chế giữ nghề và đến nay được truyền cho con trai thì dòng tranh dân gian Kim Hoàng không còn nghệ nhân nào theo nghề, không còn thế hệ trẻ tiếp nối. Các nghệ nhân tại làng nghề chỉ truyền dạy cho con nên việc gìn giữ và làm sống dậy dòng tranh dân gian Việt Nam trong thời đại hiện nay còn nhiều gian nan. Tuy nhiên, gần đây nhiều bạn trẻ đã có cách tiếp cận và gìn giữ dòng tranh dân gian để tạo sức sống cho dòng tranh có vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam này
Là sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành đồ họa nhưng Nam Chi lại chọn theo đuổi đam mê dòng tranh dân gian. Ngay từ hồi lớp 5, bức tranh Quan âm trong sách giáo khoa đã hút hồn em. Và càng tìm hiểu, càng vẽ nhiều tranh dân gian, Nam Chi càng thấy tự hào và say mê dòng tranh này bởi em hiểu được giá trị cũng như các nét đẹp nghệ thuật trong dòng tranh dân gian.
Em NAM CHI, Thành viên Câu lạc bộ Đình Làng Việt: Với tôi thì không thể nào bỏ được tranh dân gian. Gần như cả ngày tôi hoạt động và tiếp xúc cùng tranh dân gian và những người bạn quanh tôi đều là người yêu thích nghệ thuật truyền thống. Gần như là tôi ăn ngủ nghỉ cùng tranh dân gian. Trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ về tranh dân gian.
Bên cạnh dòng tranh Hàng Trống, Nam Chi còn đang nghiên cứu 2 mảng tranh dân gian thế kỉ 18 và giấy sắc phong- một loại giấy đặc biệt để triều đình dùng viết sắc phong công, phong thần cho bách quan, bách thần.
Em NAM CHI, Thành viên Câu lạc bộ Đình Làng Việt: Mục đích khi theo đuổi dòng tranh dân gian này là vì tôi thấy dòng tranh dân gian là một rong những dòng tranh khó tiếp cận được với giới trẻ và những người bình thường. Nhất là giới trẻ bây giờ họ thích tiếp xúc với nghệ thuật đương đại. Tôi muốn phát huy và đưa được dòng tranh dân gian này đến với giới trẻ.
Nhiếp ảnh gia LÊ BÍCH: Thế hệ trẻ các em phải yêu, phải cảm nhận được nét tinh tế, sự giáo dục, ý nghĩa sâu xa
của tranh dân gian thì lúc đó mới có sức sống trường tồn. Như nhạc sĩ Phó Đức Phương đã nói nơi bền lâu là nơi lắng sâu thì những tranh dân gian phải lắng sâu, thể hiện được tâm tư nguyện vọng của thế hệ mới.
Nhờ nỗ lực của những người tâm huyết với nghệ thuật, đặc biệt là thế hệ trẻ như Nam Chi, những tác phẩm mang hồn cốt dân gian của Việt nam đang dần trở lại gần hơn với công chúng. Chính họ đã và đang góp phần nối tiếp, lan tỏa và khởi tạo những giá trị văn hóa truyền thống qua dòng tranh dân gian Việt Nam.
Thực hiện : Minh Công