Chuyện Minh Béo được vinh danh: Luật gia, đại biểu Quốc hội nói gì?

Thời gian vừa qua, liên tiếp nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra gây phẫn nộ trong dư luận. Tuy nhiên, một cá nhân từng có tiền án ấu dâm, xâm hại trẻ em lại được vinh danh tại một liên hoan nghệ thuật danh tiếng. Điều này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về cơ chế quản lý sự xuất hiện của nghệ sĩ hiện nay.

Mới đây, Hồng Quang Minh - được biết đến với nghệ danh Minh béo giành được huy chương bạc trong Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021. Đáng chú ý, Minh Béo từng bị tuyên án 18 tháng tù giam và trục xuất khỏi Hoa Kỳ do xâm hại tình dục trẻ em. Do đối tượng này đã chấp hành án xong và hiện giữa Việt Nam - Hoa Kỳ chưa có tương trợ tư pháp nên Minh Béo vẫn được đối xử như một công dân bình thường. Về mặt pháp luật, việc trao giải thưởng không sai, nhưng về tính xã hội thì hành động này vẫn gây nhiều quan ngại.

Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Chúng ta thấy rằng nạn ấu dâm vẫn là vấn đề rất nhức nhối, nhất là gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em. Vụ việc của Minh Béo cách đây chưa lâu và chưa phai mờ trong tâm trí khán giả. Vì vậy trao giải như thế có phần nhạy cảm và chưa phù hợp”.

Thí sinh thể hiện tốt về mặt chuyên môn trong cuộc thi sẽ được trao giải – đây là điều hợp lý. Tuy nhiên thí sinh nào được tham gia cuộc thi, tiêu chuẩn đạo đức nào để nghệ sĩ được xuất hiện trong cuộc thi? Nếu vấn đề này được làm rõ ngay từ đầu thì sẽ không dẫn đến câu chuyện tranh cãi nêu trên.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: “Đến nay thì chúng ta chỉ có bộ quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, nhưng chưa có một cái ràng buộc nào cả. Tôi cho rằng cần phải có nhưng quy định trong pháp luật, có chế tài xử phạt cụ thể…”

Trước đó, khi đơn vị soạn thảo lấy ý kiến về Luật Điện ảnh sửa đổi, đã có nhiều đề xuất thêm điều khoản hạn chế sự xuất hiện của nghệ sĩ có đạo đức yếu kém. Đối với các bộ môn nghệ thuật khác, chúng ta cũng cần cân nhắc đến sự quản lý tương tự. Tuy nhiên, sự quản lý này không nên cực đoan.

Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Chúng ta thấy rằng ở Trung Quốc thì có phong sát, ở Hàn Quốc thì có xử phạt rất nghiêm khắc. Đối với Việt Nam, chúng ta cũng có thể học tập nhưng chúng ta không sao chép nguyên các hình thức xử phạt như của nước ngoài. Chúng ta có thể tính đến giải pháp phù hợp hơn với văn hóa của Việt Nam. Ví dụ: các nghệ sỹ nếu như có các sai phạm thì sẽ phải dừng hoạt động biểu diễn trước công chúng của mình trong những thời gian nhất định. Sau thời gian đó, họ có những thay đổi tích cực thì chúng ta sẽ  tạo điều kiện để họ được tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật.

Trong hội nghị Văn hóa toàn quốc, rất nhiều thông điệp về văn hóa được đề cập như “văn hóa soi đường quốc dân đi”. Để làm được điều này, mỗi nghệ sĩ – những người mang văn hóa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng cần phải là một người cầm đèn, một người làm gương. Và những nhà quản lý cũng cần cần nhắc kĩ hơn khi vinh danh cũng như quản lý nghệ sĩ.

Ngọc Tuấn